Tết Việt với khách Tây

Ông Brit Abbott cùng vợ và con gái.
Ông Brit Abbott cùng vợ và con gái.
TP - Đến một đất nước xa lạ rồi chọn đó làm “ngôi nhà thứ 2” để gắn bó quả là điều không dễ dàng với nhiều người. Nhưng những “công dân Tây” mà Tiền Phong trò chuyện dịp năm mới là một ngoại lệ. Người 5 năm, người 10 năm, giờ đây họ đã xem Việt Nam như một phần máu thịt của mình.

Shilpa Limaye đến từ Ấn Ðộ: Cơ hội để đi và thỏa “tâm hồn ăn uống”

Đã 7 năm tôi cùng chồng và con gái đến Việt Nam, làm việc và sinh sống tại TPHCM, tôi đã yêu thành phố này rất nhiều. Thời gian đầu khi đến đây, chúng tôi cảm nhận rất rõ đất nước này có một nền văn hoá bao gồm các ngày lễ và ẩm thực rất khác với Ấn Độ. Kinh nghiệm đầu tiên của chúng tôi về Tết không có gì ngoài một kỳ nghỉ dài. Ban đầu, thời gian đó chúng tôi chỉ biết ở nhà và nghỉ ngơi. Chúng tôi thậm chí rất lười biếng khi thấy tất cả mọi người, mọi  hoạt động hoàn toàn im lặng trong ba ngày Tết.

Nhưng sau đó chúng tôi nhận ra thực tế: Tết là dịp cho các cuộc họp gia đình và gặp gỡ bạn bè, chúng tôi bắt đầu tận hưởng nó bằng cách cùng bạn bè tham quan địa phương và cùng nhau lên kế hoạch đi thăm những địa phương khác ở Việt Nam. Đến nay chúng tôi đã đến Đà Nẵng, Huế, Hội An, Nha Trang, Mũi Né, Vũng Tàu và năm nay chúng tôi có kế hoạch đến thăm một số nơi lạnh hơn là Đà Lạt.

“Tôi thích các món chay của Việt Nam”- Shilpa Limaye chia sẻ.  Mặc dù chúng tôi hiếm khi nấu món ăn Việt Nam ở nhà nhưng là những người có “tâm hồn ăn uống” nên chúng tôi thích được khám phá các món ăn. Ở Việt Nam, chúng tôi hâm mộ các món ăn chay. Tôi tìm thấy ở nó sự lành mạnh và rất ngon.  Đối với các món ăn truyền thống ngày Tết, chúng tôi chưa có cơ hội thưởng thức nhiều, tuy nhiên, chúng tôi luôn mong đợi tìm thấy các món ăn đặc trưng này trong các nhà hàng ở địa phương nơi chúng tôi đến. Và chắc chắn nó cũng ngon như các món ăn Việt Nam khác mà tôi biết.

Don Wills- Giáo viên tiếng Anh đến từ New Zealand: Ðộc đáo đến ngạc nhiên

Tôi là một giáo viên tiếng Anh từ New Zealand. Tôi sống và làm việc tại Vũng Tàu trong mười năm, vì thế tôi khá quen thuộc với lễ mừng năm mới của Việt Nam. Đó là một văn hoá vô cùng độc đáo.

Tết Việt với khách Tây ảnh 1 Ông Don Wills- Giáo viên tiếng Anh đến từ New Zealand.

Thực tế, Tết Việt không khác gì lễ Giáng sinh hay lễ chào đón năm mới của  thế giới Cơ đốc giáo, hay lễ Eid, một ngày lễ tôn giáo quan trọng của người Hồi giáo. Những gì tôi thích về Tết Nguyên đán của Việt Nam là các nghi lễ truyền thống được người dân chú trọng, đó là văn hoá chúc Tết ông bà, bố mẹ, gia đình…

Ngoài ra, điểm thú vị nữa trong những ngày Tết tại Việt Nam chính là bức tranh đời sống. Trong khi các thành phố như Vũng Tàu, Nha Trang, các khu nghỉ dưỡng rất đông đúc thì ngược lại những nơi như Hà Nội và Sài Gòn dường như im ắng khác thường. Gần như tất cả mọi người đều ra khỏi  thành phố.  Tại Vũng Tàu, một điểm du lịch lý thú thì vô cùng đông đúc. Trên bãi biển, bên vỉa hè, tại các nhà hàng karaoke… đều có thể trở thành các bữa tiệc. Cũng tại những nơi này, bạn sẽ nghe thấy tiếng “Mot-hai-ba-YO!” suốt đêm khuya.

Dịp Tết năm nay tôi có 10 ngày miễn phí. Thời gian đó, tôi sẽ tranh thủ nghỉ ngơi và sẽ tham dự nhiều bữa tiệc để hiểu hơn văn hoá Tết Việt và những đặc trưng ẩm thực của người Việt. Tôi sẽ cố gắng tiêu thụ càng nhiều lon 333 càng tốt. 

Brit Abbott- Giáo viên dạy Tiểu học đến từ Canada: Thành phố bỗng yên bình đến lạ

Tôi sinh ra ở thành phố Toronto, một thành phố phía Nam Ontario, Canada. Hiện tôi đang dạy lớp 2 tại Trường Quốc tế Canada, ở Phú Mỹ Hưng, Quận 7, TPHCM. Tôi sống ở đây với vợ, cũng là giáo viên của Trường Quốc tế Canada. 2 con gái của chúng tôi, một cháu lên 5 và 2 tuổi. Gia đình tôi còn có một chú chó, năm nay cũng đã 12 tuổi. Nó ở với chúng tôi từ những ngày chúng tôi đặt chân tới Việt Nam, đó là tháng 7/2005.

Tết Việt với khách Tây ảnh 2 Gia đình bà Shilpa Limaye trong một kỳ nghỉ Tết.

Khi chúng tôi đến đây, Tết là thứ gì đó hoàn toàn mới lạ. Tôi gần như không có kiến thức gì về lễ mừng Năm mới âm lịch của những người ở châu Á, bao gồm cả Việt Nam.  Vì thế, Tết với chúng tôi lúc đó chỉ là “siêu kỳ nghỉ”, tức là những ngày nghỉ thật dài. Chúng tôi không biết làm gì ngoài việc đi du lịch đến các những điểm khác nhau trong khu vực như Campuchia, Thái Lan…

Tại đây, chúng tôi đã hát karaoke và thưởng thức những vòng tròn bất tận trong tiếng hô một, hai, ba... yoooooo

ooooooo

oooo....

Nhưng, không bao lâu chúng tôi sớm nhận ra, Tết là một khoảng thời gian dài trong đó mọi người chuẩn bị tiệc tùng, quà tặng, thực đơn truyền thống, đoàn tụ gia đình, chúc tụng, ca hát, pháo hoa… Tết là một giai đoạn rất bận rộn cho du lịch. Bất kể bạn du lịch ở đâu trong châu Á, giá cả vô cùng đắt đỏ. Từ những kinh nghiệm đó, chúng tôi cũng nhận ra, TPHCM bỗng trở nên yên tĩnh trong dịp Tết, khi hầu hết các cư dân trở về nhà với cha mẹ, tổ tiên của họ. Vì vậy, chúng tôi thấy thật thú vị khi trải nghiệm thành phố im ắng, thanh bình như một nơi thư giãn, chứ không phải là nơi bận rộn, hối hả mà chúng ta đã trải qua trong 50 tuần khác trong năm.

Mặc dù cả tôi và vợ tôi không thường xuyên nấu món ăn Việt Nam, tuy nhiên qua nhiều năm, chúng tôi đã được thử khá nhiều các món ăn khác nhau của ngày Tết ở đất nước này. Tôi biết bánh chưng là món ăn không thể thiếu trong các gia đình người Việt vào dịp Tết. Có rất nhiều món ăn ngày Tết  ngon và đẹp mắt. Trước đây, vào ngày nghỉ tôi cũng đã từng chế biến món bò kho và món phở, những món ăn đặc trưng của Việt Nam.

Trong những năm tháng ở lại TPHCM đón Tết, chúng tôi thường đi dạo phố hoa Nguyễn Huệ, hoặc đi bộ đường Hồ Con Rùa, hoặc dành thời gian trong các nhà hàng yêu thích. Chúng tôi cũng đã có được trải nghiệm 3 ngày Tết với gia đình người dân bản địa, một sinh viên cũ của vợ tôi tại TPHCM. Có rất nhiều hoạt động được chuẩn bị khá công phu, sẵn sàng cho dịp đón năm mới, ánh sáng và hoa được trang trí đẹp mắt. Tại đây, chúng tôi đã hát karaoke và thưởng thức những vòng tròn bất tận trong tiếng hô một, hai, ba ... yoooooooooooooooo…

Những ngày Tết  dài đã được bổ sung thêm vào danh sách các ngày nghỉ trong năm của chúng tôi. Trước đây, khi đang ở Canada, chúng tôi chỉ đón Giáng sinh và kề đó là năm mới vào 31/12. Nhưng bây giờ, chúng tôi hiểu, Giáng sinh mới chỉ là một khởi động cho sự kiện chính, đó là Tết.

Tết Việt với khách Tây ảnh 3 Ryan cùng cô dâu rạng ngời trong ngày cưới của mình.

Ryan Jack Preece quốc tịch Úc: Trái tim tôi ở lại nơi này

Chứng kiến chàng Ryan Jack Preece, 30 tuổi, quốc tịch Úc rạng ngời hạnh phúc bên cô dâu Nguyễn Thị Quyên trong đám cưới vào đầu năm 2018 mới cảm được tình yêu con người và đất nước Việt Nam đã “lậm” vào chàng trai ngoại quốc này như thế nào.

Bên cô dâu trong bộ khăn đóng áo dài truyền thống Việt Nam màu đỏ tươi, ánh mắt và nụ cười rạng ngời, Ryan lõm bõm vài câu tiếng Việt xin chào, cảm ơn, tuyệt vời… khách đến dự đám cưới của mình mới thấy anh chàng ở miền Adelaide, một thành phố ở miền Nam nước Úc hạnh phúc thế nào bên cô vợ xinh tươi và gia đình vợ chan hoà, đầm ấm.

“Con gái Việt Nam, mà người yêu và nay là vợ tôi là tiêu biểu nhất. Quá đẹp, quá xinh và có những đức tính thật hoàn hảo cho một gia đình đầm ấm, hạnh phúc, sống với nhau đến “đầu bạc, răng long”, Ryan tâm sự không giấu được nụ cười hạnh phúc.

Ryan cho biết mình làm chuyên viên sàn giao dịch chứng khoán. Anh làm việc khắp thế giới, gặp nhiều cô gái và cũng đã yêu nhưng lại chọn vợ Việt Nam vì quá yêu con người và đất nước này. “Con gái Việt Nam, mà người yêu và nay là vợ tôi là tiêu biểu nhất. Quá đẹp, quá xinh và có những đức tính thật hoàn hảo cho một gia đình đầm ấm, hạnh phúc, sống với nhau đến “đầu bạc, răng long”, Ryan tâm sự không giấu được nụ cười hạnh phúc.

Quyên, vợ của Ryan hiện đang làm trong ngành du lịch, có dịp tiếp xúc với khách nước ngoài nhiều. Cô quen Ryan cũng rất tình cờ, cả hai quyết định gặp gỡ và hẹn hò tại Sài Gòn. Ryan gặp Quyên và cảm nhận sự chân tình, thân thiết và phóng khoáng một cách tự nhiên của bạn gái và gia đình vốn là dân miền Tây, quê ở Trà Vinh. Từ đây, Ryan say đắm cô gái có quê ở miền sông nước. Và Việt Nam, Sài Gòn, Trà Vinh là quê hương thứ hai của chàng trai này.

Mê Việt Nam, lấy vợ theo phong tục nhà vợ. Chàng trai Ryan về Úc “rước” mẹ của mình là bà Preece Lynne Maree (60 tuổi) qua dự đám cưới với tư cách đại diện nhà trai. “Tôi hiện có bốn người con, Ryan có hai anh trai và một em gái. Nhiều năm rồi, con tôi đi khắp nơi trên thế giới nhưng chưa khi nào tôi thấy nó lại yêu cuồng nhiệt, say đắm như khi nó đến Việt Nam và gắn bó đời mình với một nàng dâu xinh xắn ở đất nước này. Thấy con trai rạng ngời hạnh phúc như vậy tôi cũng hạnh phúc lây”, bà Preece cười nói.

Tết Việt với khách Tây ảnh 4 Vợ chồng Ryan cùng mẹ vợ và mẹ ruột trong ngày cưới.

Đến Việt Nam, “nhập gia tuỳ tục”, Ryan cũng được gia đình vợ “huấn luyện” nấu cơm và một vài món Việt đơn giản như: Trứng chiên, canh, cơm chiên hải sản… Trong câu chuyện của mình, Ryan cũng thành thật “tự thú” là mình chưa quen nhiều với các món ăn Việt, nhất là cách thưởng thức các vị nước chấm. Trà Vinh vốn là miền đất nổi tiếng với món bún nước lèo đậm đà vị mắm. Ryan cho biết đó là món “tủ” của quê vợ nên cũng phải làm quen dần dần, bởi tất cả là vì… yêu vợ.

Chàng trai từ nước Úc này cũng tiết lộ kế hoạch sau đám cưới của mình: “Tôi sẽ đưa vợ đi du lịch khắp thế giới trong tháng trăng mật của mình để vợ có dịp nhìn ngắm những thành phố, thắng cảnh nổi tiếng thế giới, tiếp xúc với người dân sở tại và trau dồi kiến thức nghề nghiệp. Sau đó, tôi sẽ “đóng đô” ở TPHCM làm ăn và sinh con”.

Cũng theo Ryan, kết thúc tuần trăng mật, cái “hơi xuân” của Sài Gòn  sẽ hây hẩy phả vào chàng rể ngoại quốc. Anh rất háo hức muốn hòa vào cái không khí Tết Việt với “bánh chưng xanh, dưa hành, câu đối đỏ” cùng với cái tục lì xì của Tết cổ truyền. Hẳn rằng, bên cô vợ mới cưới, Tết này cùng với gia đình vợ và đất nước Việt Nam sẽ là một cái Tết “để đời” với Ryan. Nhìn cử chỉ, lời nói, ngôn ngữ cơ thể của Ryan từ ánh mắt, nụ cười, gương mặt rạng rỡ, sáng ngời, có thể giải thích theo lời tâm tình, chàng trai này đã đánh rơi trái tim mình ở Việt Nam mất rồi!

Kevin Moore và Carlos Padilla, quốc tịch Mỹ: Rất đặc biệt, rất thích!

Sau hơn 10 năm chọn Việt Nam làm điểm dừng chân, an cư lạc nghiệp nơi này, họ đã xem Việt Nam là “ngôi nhà” thực sự của mình.

Năm nay, ông Kevin Moore, giám đốc điều hành Cty VWS tròn 12 năm đón Tết ở Việt Nam. Người đàn ông 51 tuổi này đến Việt Nam vào năm 2006 và gắn bó từ đó đến nay. Ít ai biết được trước khi chọn Việt Nam làm quê hương thứ 2, Kevin Moore đã tìm hiểu về đất nước này rất nhiều. “Khí hậu, con người và ẩm thực của bạn đều hợp với tôi”- ông chia sẻ.

Tết Việt với khách Tây ảnh 5 Ông Kevin Moore, đến từ Mỹ đã có 12 năm ăn Tết cổ truyền tại Việt Nam.

Chia sẻ về Tết cổ truyền của người Việt, Kevin Moore nói rằng: “Tết ở Việt Nam rất đặc biệt! Tôi rất thích”. Theo ông Kevin Moore, nếu như ở các nước khác trên thế giới, khoảng thời gian chuẩn bị và đón năm mới thường rất ngắn, không có gì hào hứng thì ở Việt Nam gần như ngược lại. Mọi người thường có khoảng thời gian dài để chuẩn bị một cách rất chu đáo. “Tết gần đến, dù mọi người đi làm hay ở nhà, tôi thấy người Việt tràn đầy năng lượng, tâm trạng rất hào hứng”, ông Kevin Moore nói.

Nhìn nhận về người Việt, Kevin Moore cho rằng “họ lạc quan hơn và chấp nhận hơn các nền văn hóa khác. Rất dễ chịu khi làm việc với họ. Họ luôn có thái độ ủng hộ bạn, đặc biệt là các đại diện của cơ quan nhà nước. Thật khích lệ khi nhận được sự tôn trọng và hỗ trợ từ nhiều người như vậy”. 

Tết với ông Kevin Moore là khoảng thời gian rất yên bình. Mọi người trong gia đình đoàn tụ, sum vầy bên nhau. Họ tận hưởng không khí của ngày Tết rất ấm cúng. Họ cùng nhau ăn uống, vui vẻ bên nhau. Con cháu chúc tết ông bà, cha mẹ. Bạn bè đến thăm, chúc tết nhau tạo cảm giác rất thân mật. Ông Kevin Moore rất thích ngày tết ở TPHCM. Đường phố bình yên, không nhiều xe cộ, không ồn ào náo nhiệt như ngày thường. Vì thế ông có sở thích đạp xe dạo phố trong những ngày Tết. Khi trở về nhà, ông sẽ tự tay nấu những món ngon để tiếp đãi bạn bè.  Nói về dự định đón Tết lần thứ 12 ở Việt Nam, ông Kevin Moore vui vẻ cho biết: “Nếu kế hoạch của tôi không có gì thay đổi, Tết Nguyên đán năm 2018 này, tôi dự định thực hiện một chuyến du xuân ra miền Bắc để tận hưởng không khí đón Tết ngoài đó”.

Cách đây 10 năm Carlos Padilla đến TPHCM làm việc. Chuyên gia cao cấp, đồng thời là kỹ sư trưởng của một công ty ở TPHCM nói ông bị hấp dẫn với đất nước hình chữ “S”. Trong suy nghĩ của Carlos Padilla, TPHCM là nơi bình lặng, nhưng khi đặt chân xuống thành phố của 10 triệu dân này, ông đã ngạc nhiên. “Khi đến TPHCM tôi thấy thật ấn tượng. Khí hậu Việt Nam khá giống rừng nhiệt đới Guatemala, nơi tôi làm việc cho Công ty Vector Engineering ở Mỏ Vàng MONTANA”- Carlos Padilla, chia sẻ. Theo ông, người Việt Nam vui vẻ và tử tế tương tự như người Chi-lê, nơi ông từng có thời gian gắn bó. “Bây giờ tôi đã sống và làm việc tại Việt Nam hơn 10 năm rồi. Hiện giờ, tôi có một gia đình Việt Nam, nhiều bạn bè. Và dĩ nhiên, tôi thật sự hạnh phúc”- Carlos Padilla tâm sự.

Người đàn ông trung niên này luôn nở nụ cười khi được hỏi về Tết. “Tết ư! Rất tuyệt vời. Đó là thời gian mà chúng tôi được quây quần bên nhau đúng nghĩa. Chúng tôi được đi thăm thú bà con và nhận nhiều lời chúc may mắn”-  Carlos Padilla cười nói. Ông mong muốn Tết cổ truyền Việt Nam cần được duy trì và phát huy hơn nữa những giá trị truyền thống. Bên cạnh đó, cần phải sôi nổi hơn nữa, có nhiều sự kiện hơn nữa trong khoảng thời gian chuẩn bị đón Tết. “Tôi nghĩ Việt Nam cũng cần có những hoạt động này. Tuy nhiên, đây cũng là một thách thức với các bạn”, ông nói. 

Jesse Peterson, quốc tịch Canada: Ðừng ép tôi uống nhiều rượu...

Làm việc ở Việt Nam và năm nào họ cũng ở lại để thưởng thức Tết Việt. Với những người này, Tết có nhiều cảm xúc khác nhau.

Anh là giáo viên dạy tiếng Anh tại một số trung tâm ngoại ngữ ở TPHCM. Jesse Peterson rất thích du lịch và khám phá văn hoá tại Việt Nam. Trong 7 năm sống tại xứ sở này, Jesse Peterson nói tốt tiếng Việt, và đi qua hầu hết các tỉnh thành trong nước. Chia sẻ về Tết Việt Jesse Peterson nói rằng, Tết Nguyên đán năm 2010 tôi thực sự cô đơn trên đất khách do tôi không biết tiếng Việt, và cũng là năm chân ướt chân ráo tới đây. “Tết năm đó, khi ra đường tôi thấy hoảng vì Sài Gòn không có nhiều người như ngày thường. Tôi gọi điện cho Trúc, một người bạn, hỏi mọi người đi đâu hết rồi”. Trúc bảo tôi: “Tết mà””- Jesse Peterson nhớ lại.

Tết Việt với khách Tây ảnh 6
Tết Việt với khách Tây ảnh 7 Jesse Peterson cùng mọi người đón Tết 2017 tại Việt Nam.

Ở Sài Gòn năm ấy là thời gian cô đơn với Jesse Peterson. May lúc ấy Trúc đã mời Jesse Peterson về Bến Tre. “Ở đó có ruộng, tôi thấy Tết khá là vui. Mọi người cùng ăn uống vui vẻ, chúc tụng nhau. Chỉ tiếc là tôi không hiểu hết mọi người đang nói chuyện gì nên tôi quyết định cố gắng học tiếng Việt”- Jesse Peterson kể lại.

Những mùa Tết sau đó, Jesse Peterson cũng dành thời gian để chu du khắp các vùng miền từ Cà Mau đến Hà Nội. Jesse Peterson kể có năm anh đến Đắk Lắk theo lời mời của một cô gái. “Đón Tết ở Đắk Lắk tôi được đi chơi, được xem nhiều cảnh đẹp nhưng nhiều nhất vẫn là ăn uống. Tôi gặp bố mẹ cô gái và phát hiện ra một điều là hình như những bố mẹ người Việt thích người họ có thể nói chuyện được. Chính vì thế tôi quyết “cày” ngôn ngữ này”- anh chia sẻ.

Jesse Peterson kể: “Năm 2015 tôi đón Tết ở Hà Nội. Năm đó tôi có quen thân với một cô gái, và gia đình cô nấu ăn rất ngon. Còn năm nay tôi sẽ lại đón Tết ở Sài Gòn vì tôi thích không khí Tết nơi đây, không lạnh và đường phố sẽ vắng người. Tôi hy vọng sẽ không gặp ai ép tôi ăn bánh chưng, uống nhiều rượu hay là hỏi tôi chừng nào lập gia đình. Có thể tôi sẽ tới các khu vui chơi để chụp hình, ngắm người đẹp, cảnh đẹp thôi”.

MỚI - NÓNG
Thúy Diễm lo ngại về Hồng Diễm
Thúy Diễm lo ngại về Hồng Diễm
TPO - Khác với nhiều phân cảnh căng thẳng, đấu đá trên phim "Trạm cứu hộ trái tim", diễn viên Thúy Diễm (vai Mỹ Đình) cho biết hậu trường quay phim luôn tràn ngập tiếng cười. Nữ diễn viên cũng tiết lộ người người hay bày trò nhất lại là người có vai diễn trầm nhất.