Tết Việt trong con mắt người nước ngoài

Tết Việt trong con mắt người nước ngoài
“Đối với mỗi người dân đất Việt, Tết vừa thiêng liêng vừa gần gũi với tình cảm quê hương gia đình. Còn với những người nước ngoài đã nhiều lần đón năm mới ở Việt Nam như tôi, sau sự tìm hiểu và  khám phá thú vị là tình cảm yêu mến và những cảm xúc với từng đổi thay của Tết Việt" - Anh William Denjoy, một người Pháp đã đón năm mới 7 lần trong 8 năm ở Việt Nam tâm sự

Hình ảnh ấn tượng nhất của William về ngày tết Việt Nam là cảnh cả gia đình trên một chiếc xe máy đem theo cá sống trong chiếc túi nilon đầy nước để thả ở ao hồ vào ngày tiễn Táo quân về trời. Cũng chỉ trên một chiếc xe máy, người ta còn chở cả một cây quất, một cây hoa đào màu hồng hoặc cây mai hoa vàng hoặc trắng từ nơi mua về nhà.

William vẫn nhớ một kỷ niệm rất xúc động về Tết, đó là khi anh đến Việt Nam lần đầu tiên vào năm 1996 chỉ vài ngày trước Tết âm lịch. Năm đó anh đã ăn Tết ở Nha Trang, trong một bầu không khí nồng ấm khiến anh cảm thấy rất yêu mến đất nước này. Anh nói điều đem lại cho anh sự dễ chịu nhất là những người dân mà anh gặp trên tàu, trên bờ biển đều rất cởi mở và tận tình giải thích những điều anh hỏi.

William nói ngày Tết cũng là lúc mọi người cùng cả gia đình đến xem pháo hoa bên bờ hồ Hoàn Kiếm. "Điều khiến tôi không thể quên được đó là sự khác nhau giữa những đám đông người trong các cửa hàng những ngày trước tết và cảnh vắng vẻ trên đường phố vào sáng mùng một Tết. Các cửa hàng đóng cửa trong khi người ta đã quen nhìn thấy hàng hóa bày bán suốt cả năm." Tuy nhiên William nói, anh có cảm giác những năm gần đây, các cửa hàng mở cửa bán hàng trở lại sau Tết ngày càng sớm. Năm 1999 khi còn là sinh viên, William đã phải tích trữ đồ hộp để ăn sau ngày Tết vì người bán mỳ xào ở gần nơi anh ở đã báo trước rằng cửa hàng sẽ đóng cửa trong mấy ngày Tết.

Tết ở Việt Nam cũng là dịp đến thăm bạn bè, người thân hoặc thầy cô giáo. Trong những ngày tết Việt Nam, William rất thích ăn hạt bí, hạt dưa nhưng điều duy nhất mà anh rất ngại trong những ngày này là bánh chưng, một món ăn mà William chưa thể quen nhưng đôi khi rất khó từ chối.

Ông Serge Cao, sinh ra tại Pháp cách đây đã gần nửa thế kỷ, được cha mẹ đưa về Việt Nam khi mới được 9 tháng tuổi, rồi sau đó lại trở về sống tại Pháp từ lúc 10 tuổi, cho biết  ấn tượng về Tết Việt của ông chính là những hình ảnh gắn với ký ức tuổi thơ.

Serge Cao tự hào nói rằng ông là một người Việt hơn là một người Pháp bởi vì ông đã được nuôi dưỡng bằng những món ăn Việt Nam và lớn lên với những câu chuyện về đất nước này qua lời kể của người cha.

Ông kể lại cha mẹ ông đã đem ông về Việt Nam vào năm 1956. Bố ông, một bác sĩ người Việt Nam sống tại Pháp, đã quyết định trở về xây dựng đất nước quê hương theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cùng về với cha ông lúc đó là mẹ ông - một bác sĩ nha khoa người Pháp và hai con còn rất bé - chị ông và ông.

Sống và học tại Hà Nội cho đến năm gần 10 tuổi. Thời kỳ Sơ tán năm 1965, cả gia đình ông đã phải chạy về nông thôn. Ông xúc động kể lại rằng chính ông đã tận mắt nhìn thấy Hà Nội bị bom Mỹ bắn phá. Sau đó, cha mẹ ông quyết định gửi hai chị em ông về Pháp sống với họ hàng còn họ thì ở lại Việt Nam.

Ông Serge Cao đã trở lại Việt Nam rất nhiều lần kể từ sau ngày Việt Nam hoàn toàn thống nhất còn cha ông trở về sống tại quê hương ở miền Nam Việt Nam từ ngày 1/5/1975. Ông đã được gặp ông bà nội của mình ở đó khi họ đã 81 và 89 tuổi. Từ năm 1990 đến nay, ông ở lại Việt Nam và làm việc trong lĩnh vực giảng dạy và phát triển tiếng Pháp.

Ông Serge Cao nhớ rất rõ đã ăn 9 cái Tết ở Việt Nam. Ông nói vào những năm 60, hình ảnh Tết sâu đậm nhất trong tâm trí ông là cảnh bố ông mua một cây quất về bày ở ban công. Sau đó, quả quất được đem ướp đường trong một chiếc liễn sứ để làm mứt quất. Ông còn nhớ giống như bao cậu bé cùng tuổi thời đó, ngày tết ông cũng rất thích chơi pháo.

Được hỏi về ấn tượng đối với những phong tục cũng như các món ăn của tết cổ truyền Việt Nam, ông nói đó có lẽ là những cảm nhận riêng, vừa của một người Việt vừa của một người Pháp. Serge Cao nói cùng với thời gian , phong tục ngày Tết ở Việt Nam đã có nhiều thay đổi. Ông nhớ ba ngày Tết rất quan trọng, ngày mùng một tết dành cho gia đình với sự sum họp của mọi thành viên trong gia đình, mùng hai tết dành cho bạn bè còn mùng ba tết đi chơi và thăm những người xa hơn.

Ông Serge Cao rất thích những món ăn Việt Nam. Không những thế ông còn có thể nói rất rõ bằng tiếng Việt các đồ ăn ngày Tết mà ông thích như Bánh Chưng hay Bánh Tét. Nói đến Bánh Chưng, ông thoáng buồn khi nói rằng bây giờ người ta có thể ăn bánh Chưng quanh năm chứ không chỉ chờ đến ngày Tết như trước đây. Điều đó đã làm cho món ăn này mất đi nét độc đáo riêng của nó. Ông nói ông đã từng cảm nhận được không khí ấm cúng khi cả gia đình quây quần quanh nồi bánh chưng trong một lần ăn Tết ở vùng nông thôn miền Nam. Bây giờ, ở thành phố người ta có thể mua Bánh Chưng quanh năm và ở bất kỳ cái chợ nào.

Ông Serge Cao nói cũng giống như ở Việt Nam, món thịt ngỗng - một món ăn Pháp chỉ dùng trong bữa ăn lúc giao thừa - cũng đã mất đi sự thi vị của nó trước đây. Cánh đây khoảng 15 năm, đó là một món ăn hiếm và đắt còn bây giờ thì khác. Bữa ăn đêm Noel tại Pháp vẫn không thể thiếu món thịt ngỗng, nhưng hiện nay món ăn truyền thống này chỉ là một đĩa nhỏ trên bàn tiệc năm mới, bên cạnh các món sò hay gà tây.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.