Tết sớm ở Trường Sa

Các chiến sĩ gói bánh chưng đón Tết ở Trường Sa. Ảnh: Trường Phong.
Các chiến sĩ gói bánh chưng đón Tết ở Trường Sa. Ảnh: Trường Phong.
TP - Còn một tháng nữa mới tới Tết Nguyên đán 2016, nhưng ở Trường Sa những ngày này đang rộn ràng không khí chào năm mới. Các chiến sĩ gói bánh chưng, tổ chức lễ đón giao thừa, chơi trò chơi đầu Xuân và chúc nhau những lời ý nghĩa.

Xuân về nơi đầu sóng

Có lẽ chuyến tàu 561 là “cánh én” báo hiệu mùa Xuân đến sớm ở Trường Sa. Hải trình thuận lợi khiến tàu 561 cập bến Trường Sa chỉ 2 ngày sau khi rời cảnh Cam Ranh. Hàng hóa mang theo đủ cả, từ nhu yếu phẩm đến lá dong, gạo nếp, thịt lợn, su hào, bắp cải, hành khô…đến những ống giang làm lạt buộc bánh chưng. Phải mất cả buổi sáng, những chuyến ô tô mới vận chuyển xong hàng từ cầu cảng vào đảo. Di chuyển hàng trăm hải lý, những cánh hoa sứ, hoa giấy, hoa cúc…từ đất liền vẫn tươi nguyên như khi ở đất liền. Những chú lợn mệt lả vì say sóng bỗng chốc đi lại bình thường, chạy tung tăng trên đường vào đảo. Theo đại tá Bùi Đình Dương, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146, Trưởng đoàn công tác tàu 561, tất cả những món hàng mang ra đảo để chuẩn bị một cái Tết no đủ, đầm ấm không khác đất liền cho anh em chiến sĩ.

Theo đại tá Dương, Tết cổ truyền dân tộc là dịp vui vẻ, sum họp gia đình. Đối với huyện đảo Trường Sa, nơi tuyến đầu Tổ quốc, để bảo đảm được Tết đến với toàn quân và dân trên đảo, Quân chủng Hải quân, Vùng 4 và Lữ đoàn 146 đã chuẩn bị cả tháng trời để có đủ vật liệu, hàng quà Tết cho anh em.

“Sự đầm ấm của đất liền đã được chuyển đến và tặng cho chiến sĩ, quân và dân trên đảo. Chúc huyện đảo đón Tết Nguyên đán theo đúng phong tục Tết cổ truyền và trên tinh thần vui xuân mới không quên nhiệm vụ của những chiến sĩ ở nơi tuyến đầu. Tổ quốc, nhân dân đã giao phó, các đồng chí có trách nhiệm bảo vệ vững chắc chủ quyền Tổ quốc, không được để bất ngờ …”, đại tá Dương nói.

Nhận quà Tết từ đất liền, trung tá Đỗ Thế Tuyến, Chỉ huy trưởng đảo, Chủ tịch UBND thị trấn Trường Sa chia sẻ, dịp này, đảo tổ chức rất nhiều hoạt động như xây dựng vườn hoa Hồ Chí Minh, cổng đảo mới, xây khu hoạt động CLB quân nhân, các công trình sân bóng chuyền, bóng đá... “Đây là các công trình để anh em chiến sĩ vui xuân mới. Ngoài ra, chúng tôi cũng chuẩn bị trang trí trên đảo. Có ban thờ Bác Hồ, ban thờ tổ tiên ngày Tết rất gần gũi với đất liền. Trên đảo cũng có những hoạt động tâm linh ở chùa Trường Sa, nghĩa trang các Anh hùng liệt sĩ”, anh Tuyến nói. Cũng theo anh Tuyến, bên cạnh những chuyến hàng từ đất liền, đảo đã chuẩn bị tốt về lương thực thực phẩm, có đầy đủ thịt ngan, thịt gà, vịt, thịt heo, cá tươi, rau củ quả… cho ngày Tết. “Nguồn thực phẩm này chúng tôi phát huy nội lực từ quân, dân trên đảo tăng gia sản xuất, tự đánh bắt để có đầy đủ thực phẩm dịp Tết”, anh Tuyến chia sẻ.

Gói bánh chưng ở Trường Sa

Sáng 8/1, đảo Trường Sa tổ chức gói bánh chưng đón Tết. Những tệp lá dong, gạo, đỗ, thịt được chuẩn bị từ rất sớm và đều được mang ra từ đất liền. Trung tá Đỗ Thế Tuyến trực tiếp gói bánh cùng anh em chiến sĩ. Đến gần trưa, số bánh đã được gần trăm cái, trong đó có nhiều cái được gói bằng lá bàng vuông trên đảo. “Gói bánh chưng bằng lá bàng vuông cũng như gói bằng lá dong, lá chuối ở đất liền. Vị bánh hơi lạ nhưng vẫn xanh như bánh chưng bình thường”, vừa nói, thượng úy Lê Hồng Dũng vừa ngắt một ít lá bàng vuông về gói bánh cùng với lá dong.

Với nhiều người ở Trường Sa, bánh chưng bàng vuông là một món quà đặc biệt dịp năm mới. Năm thứ hai công tác tại Trường Sa và đón Tết xa nhà, Thượng úy Nguyên Công Hoằng (Vĩnh Bảo, Hải Phòng) chia sẻ, anh đã quen với vị ngăm ngăm của bánh chưng gói bằng lá bàng vuông và một khi đã quen với vị mặn mòi của biển thì vị lạ này lại càng tuyệt vời. “Tết ngoài này có nhiều khác biệt so với ở quê. Đầu tiên là thiếu không khí lạnh của miền Bắc, và cũng không thể ngồi cạnh bếp lửa như ngoài đó được”, anh Hoằng nói. Anh Hoằng chia sẻ, dịp Tết cũng nhớ gia đình, vợ con, nhưng nhiệm vụ luôn đặt lên hàng đầu.

Ngày Tết ở Trường Sa cũng có những trò chơi dân gian như kéo co, nhảy sạp, bịt mắt bắt heo, nhảy bao bố, chơi cờ tướng, cờ vua, chọi gà…tạo niềm vui, phấn khởi dịp năm mới cho anh em chiến sĩ.

Có mặt từ rất sớm để tham gia gói bánh, Nguyễn Minh Khang (SN 1996), trợ lý chỉ huy trên đảo cho biết, đây là lần đầu tiên được gói bánh chưng ngày Tết. Dù thế, chàng trai trẻ quê TPHCM học rất nhanh từ các anh, các chú đi trước để gói được hơn 10 cái. “Từ bé đến giờ em chưa ăn Tết xa nhà, đây là lần đầu tiên đón Tết ngoài đảo với các anh em, nên dù hơi buồn, em vẫn thấy rất hạnh phúc”, Khang nói.

Hỗ trợ anh em chiến sĩ gói bánh, chị Lê Thị Trúc Hà (34 tuổi), người dân trên đảo chia sẻ, dù Tết ở ngoài đảo không rộn ràng như ở đất liền, nhưng gần như tất cả những phong tục cổ truyền vẫn được thực hiện đầy đủ. “Ngày Tết có đi tảo mộ cho các liệt sĩ trên đảo, đi thắp hương nhà tưởng niệm Bác Hồ, thắp hương chùa, các anh hùng liệt sĩ, rồi sau đó chúc Tết chỉ huy đảo, các chiến sĩ, chúc Tết các hộ dân…”, chị Hà nói. Cũng theo chị Hà, ngày Tết, đảo sẽ tổ chức lễ đón giao thừa, liên hoan văn nghệ tới giây phút chuyển giao năm. “Dù không có pháo hoa, nhưng những tiếng cười trong đêm giao thừa đã giống với pháo hoa rồi”, chị Hà nói. 

“Vui xuân mới, chúng tôi quán triệt huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo Tổ quốc là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Chúng tôi có nhiều phương án, nhiều kế hoạch để thực hiện vừa đón xuân vui vẻ, vừa bảo vệ vững chắc chủ quyền Tổ quốc để đồng bào, chiến sĩ nơi đất liền an tâm về chủ quyền biển đảo, đón xuân mới an vui, đầm ấm, hạnh phúc”, trung tá Đỗ Thế Tuyến, Chỉ huy trưởng đảo, Chủ tịch UBND thị trấn Trường Sa nói.

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ tháng. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10. 
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.