Tết này, em lại ngóng Trường Sa

Tết này, em lại ngóng Trường Sa
TP - Đã là cái Tết thứ hai, anh vẫn chưa vào đất liền. Thư gửi về từ Trường Sa, anh nói rằng mùa này biển động lắm. Trên đảo Sinh Tồn, những cây bàng non lá rung phần phật trong gió táp, những dặm muống biển mọc dày quanh đảo kiên cường bám chặt vào đất.
Tết này, em lại ngóng Trường Sa ảnh 1

Quê tôi miền Trung, cách biển chưa đầy 2 giờ đi xe máy, còn anh là trai miền biển Thanh Hóa, dân chuyên đi biển chính hiệu. Ngày còn huấn luyện ở Cam Ranh, anh đã đến nhà tôi trong đợt làm dân vận.

Mẹ tôi là cán bộ hội phụ nữ xã. Ngày nào mẹ cũng đun nước, còn tôi thì được giao việc xách ấm nước ra cho những người lính trẻ mỗi trưa nắng. Ai cũng khen ngợi và hết lòng cảm ơn bộ đội.

Các anh về làng vui như mở hội. Tối tối đàn hát vui vẻ, có anh lính trẻ còn biết nhảy rất điệu. Tôi quen anh từ ấy. Hồi đó tôi đang học lớp 11. Anh gọi tôi là cô bé. Anh nói rằng rất yêu biển nên tình nguyện viết đơn xin vào lính hải quân. Trước ngày ra Trường Sa, anh tặng tôi chiếc áo hải quân màu trắng có viền sọc xanh nước biển vắt bên bờ vai. Tôi cất giữ làm kỷ niệm.

Thư về đất liền, anh kể chuyện Trường Sa thật nhiều. Những cơn sóng biển dâng lên vỗ rung động cả ngày, bụi mặn nhuốm tràn lên đảo, nước mưa thật hiếm, có ti vi nhưng chẳng mấy khi được dùng máy phát điện, giữa biển mà phải ăn cá hộp, rau ướp, đồng đội rất thương yêu nhau, ai có chuyện gì cũng biết…

Đọc thư anh, tôi lại hình dung những người lính Trường Sa vẫn nước da sạm nắng ngày nào đang ngày đêm cầm súng bảo vệ đảo, chắc họ mong thư đất liền lắm. Tuần nào tôi cũng viết thư thăm anh. Còn thư anh gửi về mỗi lần đến cả chục lá. Bác đưa thư nói đó là do lâu lâu mới có tàu ra đảo và trở về.

Và một ngày năm cuối phổ thông trung học, thư gửi về có viền hồng, nét chữ của anh vẻ nắn nót quá. Anh nói yêu tôi.

Cả ngày hôm ấy tôi chẳng thể học được chữ nào trong sách ôn văn. Tối về, niềm vui và suy tư linh tinh rối tung, chỉ ăn một bát cơm. Mẹ hỏi. Tôi len lén nói dối không có chuyện chi. Đêm ấy hồi âm cho anh bằng một lá thư rất ngắn, tôi chỉ kể về chuyện học hành, hứa rằng quyết tâm thi đỗ đại học để trở thành cô giáo.

Và rồi tôi đỗ Đại học Sư phạm. Trong lúc niềm vui sướng chưa tan hết, anh về thăm tôi. Anh bất ngờ xuất hiện ở nhà tôi lúc trời chiều ngả nắng vàng. Trang phục hải quân thật đẹp, trông anh chững chạc và người lớn hơn.

Con ốc biển mang về tặng tôi có khắc dòng chữ “yêu thương”. Đêm ấy anh ở lại nhà một người quen cũ trong làng từ hồi về làm dân vận. Xin phép mẹ tôi thật đàng hoàng, anh đưa tôi đi ra phía rặng phi lao ven làng.

Lần đầu tiên trong đời, tôi biết đến nụ hôn, vừa cháy bỏng, vừa lạ lùng và ngượng ngùng quá đỗi. Mãi một lúc sau tôi mới gỡ tay anh ra. Chẳng thể nhớ đêm ấy hai đứa nói những chuyện gì.

Tôi bước vào giảng đường một tháng sau đó. Anh đi học sỹ quan chuyên nghiệp. Tuần tuần, anh tới trường thăm tôi, khi thì đi xe máy của bạn, khi thì đạp xe vào tận ký túc xá. Hai đứa chưa bàn gì chuyện tương lai.

Bạn bè trong lớp đã nhiều đứa biết chuyện tôi yêu chàng lính biển. Và anh nói rằng sẽ lại quay ra Trường Sa làm nhiệm vụ… Điều ấy lại đến. Lần này tôi xin nghỉ học hai hôm để về đi tiễn anh. Cầu cảng Cam Ranh chiều đó, chỉ còn một tháng nữa là đến Tết, có nhiều cô gái tiễn người thương đi xa.

Những người lính lên tàu rồi còn vẫy vào bờ mãi, họ cõng theo những cành mai chưa nở. Tôi tặng anh một chiếc áo sơ mi trắng, trong túi áo có cài chiếc khăn nhỏ mà cả mấy đêm rồi tôi thức thêu dòng chữ “Em chờ đợi anh”.

Cuộc sống sinh viên như bao người, trẻ trung, ít tiền tiêu, bận bịu sách vở và cả ham chơi. Từ trường Đại học Đà Nẵng ra biển cũng gần nhưng tôi cũng chẳng có nhiều lúc ra ngắm sóng, lâu rồi cũng bớt nhớ. Thư anh gửi về dạo này cũng thưa thớt. Rồi đã xảy ra một chuyện.

Lớp trưởng Tuấn đẹp trai, quê gốc TP Đà Nẵng, học tạm được và cũng cộm tiếng ga lăng. Bạn gái tôi bảo có mấy em xinh đẹp trong trường học khóa sau đã “mết” lớp trưởng của bọn tôi lắm, thỉnh thoảng họ lại thì thụt đến tận lớp tôi “nháy anh Tuấn” chuyện gì đó.

Ban đầu tôi chẳng quan tâm gì nhiều về Tuấn. Nhưng rồi trong một buổi tối, Tuấn cùng mấy cậu bạn trai bao cả nhóm chúng tôi đi ăn hải sản, tôi mới hay rằng Tuấn quả là… đáng ngưỡng mộ.

Lúc ra về, Tuấn còn mua tặng mấy đứa bạn gái chúng tôi, đứa thì có đôi giày, đứa thì nhận chiếc túi da. Không ai muốn hỏi vì sao Tuấn có nhiều tiền, chỉ biết nhà anh ta còn có cả một trang trại và Cty riêng.

Tối ấy, chẳng biết Tuấn có giả vờ say không, cứ sán lại gần tôi cụng ly và nói là thích tôi nhất. Trái tim tôi bắt đầu hơi… choáng. Rõ ràng Tuấn không say, vì hôm sau ở lớp lúc giờ ra chơi, Tuấn mời tôi xuống căng tin uống nước để hỏi thật nhiều chuyện. Tuấn cũng mời tôi đi chơi tối. Vừa tò mò, và cũng… hơi thích, tôi nhận lời.

Ra đến biển, gió lộng lên khác thường. Tôi xa xăm nhìn ra phía đêm đen ngoài khơi có những ánh đèn câu. Tôi bảo Tuấn chở về ngay. Tôi sợ và bất giác nhớ đến anh, cứ như gió từ Trường Sa dội về đang giám sát tất cả.

Tuấn quay xe. Nhưng mãi gần nửa đêm mới về đến ký túc xá vì tôi đã trót ngồi với Tuấn rất lâu ở khuôn viên nhà trường. Tuấn cũng là người đáng yêu và rất giàu tham vọng. Cậu bảo vào học ngành Sư phạm là để vui lòng mẹ, còn sau này sẽ đi làm kinh doanh thiết bị trường học.

Mời tôi đến nhà chơi mấy lần, cậu cứ liều miệng giới thiệu tôi là… người yêu tương lai. Mẹ Tuấn có vẻ mến tôi lắm, lại gọi tôi là con. Bà bảo rất mong tôi cuối tuần về đây ăn cơm.

Thư Trường Sa bất ngờ lại về. Anh nói nhớ tôi nhiều, viết thư nhiều nhưng không thấy hồi âm. Còn Tuấn đã mấy lần rủ tôi đi chơi xa, lần này muốn vào tận TPHCM ba ngày để dự đám cưới người quen.

Đúng dịp Đài Truyền hình Việt Nam và Quân chủng Hải quân tổ chức đêm giao lưu với chiến sỹ Trường Sa (giáp Tết năm ngoái). Hai tiếng Trường Sa thân yêu văng vẳng.

Thế là nhận lời Tuấn vào thành phố một phen để mong đi xem đêm giao lưu. Tuấn đã giữ lời hứa đưa tôi đến đó. Tiết mục có hai ca sỹ hát bài “Chút thơ tình của người lính biển”, tôi xấu hổ đến choáng váng, thầm giấu giọt nước mắt để Tuấn khỏi biết.

Sáng hôm sau tôi đòi Tuấn đưa tôi về Đà Nẵng ngay. Trường Sa vẫn là của tôi. Trên đường về, tôi ân hận xin Tuấn tha lỗi và xin rút lại lời hứa yêu đương đêm qua…

Thư về mới đây, tôi biết bố anh ở quê đang bị ốm nặng. Vì nhiệm vụ ở Trường Sa, anh không thể về thăm gia đình. Một tối, tôi chủ động mời Tuấn đi chơi và kể hết mọi chuyện. Tuấn lặng người hồi lâu, nhưng rồi cũng nhẹ nhàng nói “tùy em”, và sẵn sàng đưa tôi ra tận Thanh Hóa đến thăm gia đình người lính đảo.

Bố anh cũng từng là bộ đội. Ông bị thương khá nặng từ một trận đánh trong cuộc chiến đấu ở biên giới phía Bắc năm 1979. Nhà anh nghèo lắm. Cái sân nhỏ có nhiều lá chanh rơi rụng. Hàng xanh táo ven rào ở cổng mọc um tùm. Trong nhà có bộ bàn ghế cũ kê chắc chắn và cái bàn thờ có mấy bát hương to. Tôi xúc động và chẳng biết nói gì nhiều hôm đó. Tuấn thì tài cán lạ thường, lại còn biết giúp mẹ của người yêu tôi mổ gà thật nhanh.

Trên đường về, Tuấn vẫn nói yêu và chờ tôi cho đến khi tôi không còn yêu người lính Trường Sa kia nữa. Tôi cũng biết chuyện nhiều người lính Trường Sa chỉ qua mục Kết bạn trên báo mà đã nên duyên với con gái đất liền. Huống hồ chi tôi và anh đã từng…

Đã mấy đêm rồi tôi khóc. Tết này anh lại không về. Làm thế nào đây? Không! Lúc này, và mãi mãi, tôi vẫn yêu, vẫn ngóng ra đảo xa đợi anh về. Chiếc khăn tay thêu chữ chờ đợi tặng người lính biển vẫn còn đó, phải không anh?

Ghi theo lời kể của Nguyễn Thị Vân Anh, ĐH Đà Nẵng

MỚI - NÓNG