Nga đã cho triển khai tổ hợp S-400 ở Syria vào cuối tháng trước, sau khi xảy ra vụ việc 2 tiêm kích F-16 của Thổ Nhĩ bắn hạ cường kích Su-24 của Nga hôm 24/11. Hệ thống tên lửa đất đối không này có đích đến là sân bay quốc tế Bassar al-Assad ở tỉnh duyên hải Latakia, nơi đặt một căn cứ hỗn hợp của cả Nga và Syria.
Theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở ở Washington (Mỹ), với tầm bắn 400km, S-400 dư sức theo dõi và “nhắm bắn” một loạt các căn cứ tại khu vực, trong đó có hai căn cứ không quân thiết yếu của Mỹ là Incirlik (Thổ Nhĩ Kỳ) và Al-Shaheed Muwaff¬aq Salti (Jordan). “Hệ thống tên lửa đất đối không S-400 có khả năng kiểm soát toàn bộ không phận Syria, miền nam Thổ Nhĩ Kỳ, miền nam Jordan, một phần không phận quan trọng của Israel cùng với Lebanon và đảo Cyprus. Với tầm bắn 400 km, S-400 đủ khả năng định vị, ngắm bắn các máy bay chiến đấu đậu đỗ tại một số căn cứ không quân của Mỹ và Liên quân ở khu vực, trong đó có Incirlik”, báo cáo của ISW nêu rõ.
Giới chức quân sự Lầu Năm góc tỏ ra quan ngại trước mối đe dọa tiềm ẩn từ tên lửa Nga đối với phi công Mỹ - những người trực tiếp thực hiện các cuộc không kích nhằm vào quân khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Iraq và Syria. Jeff David, phát ngôn viên Lầu Năm góc từng bình luận, Moskva cho triển khai “một tiềm lực quân sự” không hiệu quả trong cuộc chiến chống IS. “Dù là tên lửa không đối không đặt trên máy bay hay tên lửa đất đối không, thì đó không phải là vũ khí chống IS, vì quân khủng bố đâu có máy bay chiến đấu nào. Đến nay, tên lửa Nga chưa có ảnh hưởng gì đến chiến dịch của Mỹ ở Syria, nhưng thực sự chúng tôi cảm thấy lo ngại, nhất là đối với số tên lửa đất đối không”, ông David nói.
Nga “được” khá nhiều
Phát biểu tại cuộc họp báo marathon hôm 17/12 vừa qua, Tổng thống Vladimir Putin đã ca ngợi màn trình diễn “không thể” tốt hơn của lực lượng quân sự Nga ở Syria, kèm theo đó là một thông điệp rằng Moskva có thể duy trì chiến dịch không kích trong một thời gian kéo dài mà không cần phải quá lo lắng đến gánh nặng ngân sách.
Ông chủ điện Kremlin không hề nói quá. Mark Kramer, Giám đốc chương trình Nghiên cứu Chiến tranh Lạnh tại Trung tâm David về Nga và Trung Á nhìn nhận, chiến dịch quân sự dài hơi của Nga ở Syria là khả thi. “Một hình thái tác chiến như vậy khó có thể kéo dài đối với nước Nga ở thời điểm 10 năm trước. Nhưng chương trình hiện đại hóa quân đội khởi động từ năm 2009 đã giúp tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu cũng như triển khai binh lực của quân đội Nga. Chỉ khi đối đầu thực sự leo thang và buộc phải triển khai bộ binh quy mô lớn ở Syria, lúc đó Nga với gặp phải những thách thức thực sự”, chuyên gia này bình luận.
Còn theo Giáo sư Andrei Korobkov, tại Đại học Middle bang Tenessee (Mỹ), tuy chưa thể tạo ra những chiến thắng bước ngoặt trên chiến trường theo hướng có lợi cho quân đội của Tổng thống Bashar al-Assad, nhưng ông Putin cũng đã thu được những thành quả lớn. “Với bước đi tại Syria, ông Putin đã khôi phục vị thế cường quốc cho Nga, trở thành người chơi chính ở khu vực Trung Đông. Ông ấy đã quyết định đưa hệ thống tên lửa S-400 tới Syria, cho phép Moskva ‘đóng băng’ một vùng không phận rộng lớn. Cùng với đó còn là cách quảng bá hiệu quả cho vũ khí Nga trên thị trường thế giới khi đưa vào kiểm nghiệm trên thực tế chiến trường. Xem xét những sự kiện gần đây sau chuyến thăm của ông Kerry tới Moskva, ông Putin đã buộc phương Tây phải nhượng bộ”, giáo sư Korobov nói.
Trong chuyến thăm Moskva hồi tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã phát biểu rằng Washington không tìm kiếm việc “thay đổi thế chế ở Syria”, ca ngợi nỗ lực của Nga trong việc chấm dứt cuộc nội chiến đã kéo dài hơn 4 năm qua ở quốc gia Trung Đông này.