Hồi tháng ba, một cuộc thử nghiệm diễn ra trên tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Porter, đóng tại căn cứ Rota, Tây Ban Nha, có sự tham gia của Tên lửa Thân xoay (RAM) Block 2 cùng hệ thống phóng và theo dõi mục tiêu mang tên SeaRAM đã mở ra một cơ chế bảo vệ tàu hoàn toàn mới cho hải quân Mỹ, theo Popular Mechanics.
RAM là hệ thống vũ khí siêu thanh hạng nhẹ do nhà thầu quốc phòng Raytheon, Mỹ, chế tạo. Nó được thiết kế để tiêu diệt tên lửa chống hạm cũng như các nguy cơ từ trên không khác đối với tàu chiến ở khoảng cách gần, thông thường là dưới 16 km.
Giống như đạn bắn ra từ nòng súng trường, tên lửa RAM Block 2 cũng xoay quanh trục trong suốt hành trình bay. Tên lửa được dẫn đường bởi một thiết bị dò tìm bằng tần số vô tuyến hoặc hồng ngoại, sử dụng chuyển động ở phần cánh đuôi để điều chỉnh hướng bay.
Từ thập niên 1990, tên lửa RAM đã chứng tỏ được độ tin cậy của mình trong việc bảo vệ tàu chiến, và cho thấy tính hiệu quả khó có thể thay thế. Nó hiện được triển khai trên khoảng 165 tàu của 8 lực lượng hải quân khác nhau. Bên cạnh đó, RAM cũng đóng vai trò như một lớp phòng vệ vô cùng quan trọng trong hệ thống phòng thủ ba tầng mà một số chiến hạm Mỹ đang trang bị.
Trấn giữ vòng ngoài cùng là các tên lửa hộ vệ tàu mang tên Sea Sparrow có tầm bắn xấp xỉ 50 km. Nếu mục tiêu vượt qua lớp phòng thủ đầu tiên và đi vào phạm vi 16 km quanh tàu, nhiệm vụ giữ an toàn cho chiến hạm sẽ được giao phó cho RAM. Trấn giữ tuyến phòng thủ cuối cùng là một hệ thống pháo cực nhanh 20 mm Phalanx dẫn đường bằng radar, có thể tiêu diệt mọi mối đe dọa trong phạm vi ba km quanh tàu.
"Những mục tiêu phải đối phó ngày càng hiện đại và nhanh hơn, vì thế chúng ta cần đến RAM Block 2 để có thể kịp thời ngăn chặn chúng", ông Alan Davis, giám đốc quản lý các dự án hệ thống phòng thủ tầm gần của Raytheon, cho biết.
RAM Block 2 sở hữu một động cơ mạnh mẽ cùng khả năng điều khiển được tối ưu hóa, khiến nó trở nên nhanh và cơ động hơn so với mẫu RAM Block 1. Theo Davis, những cải tiến mới không những gia tăng tốc độ bay của tên lửa mà còn cho phép nó giữ nguyên vận tốc khi thực hiện thao tác chuyển hướng ở tốc độ cao để đánh chặn mục tiêu, vốn đốt cháy rất nhiều năng lượng. Tầm bắn của Block 2 còn lớn gấp đôi RAM Block 1 và được cho là có khả năng đánh chặn hiệu quả trong phạm vi 9 km.
Phiên bản RAM mới nhất sở hữu cả đầu dò tiên tiến hơn giúp nó phát hiện ra cả những tên lửa chống hạm trang bị bộ tiếp nhận tín hiệu khó bị đánh chặn.
Một bộ phận cấu thành khác trong gói nâng cấp năng lực phòng thủ cho chiến hạm của hải quân Mỹ là hệ thống SeaRAM đi kèm với RAM Block 2. SeaRAM là một hệ thống hỗn hợp bao gồm bệ phóng tên lửa RAM 11 ống được gắn trên bộ khung gầm cùng một đơn vị radar độ phân giải cao của Phalanx. Tổ hợp trên có nhiệm vụ theo dõi mục tiêu và điều khiển hỏa lực.
Cuộc thử nghiệm hồi tháng ba đánh dấu lần đầu tiên RAM Block 2 và SeaRAM cùng được tích hợp trên một tàu khu trục của hải quân Mỹ. Chuyên gia nhận định sự kết hợp giữa RAM Block 2 và SeaRAM sẽ nâng cao cơ hội để chiến hạm Mỹ đánh bại những mối đe dọa tiếp cận tàu trước khi chúng kịp chạm đến lớp phòng thủ cuối cùng trong cơ chế ba tầng.
"Nó sẽ khiến bạn thấy dễ thở hơn", Ed Lester, giám đốc chương trình SeaRAM, đồng thời là cựu chỉ huy tàu khu trục USS Leyte Gulf của Mỹ, cho hay. "Khi bạn có mặt trong phòng chỉ huy hay Trung tâm Thông tin Tác chiến của một con tàu và biến cố xảy ra, tất cả những gì bạn muốn chỉ là có thêm thời gian. Đây chính xác là thứ mà tên lửa này mang lại".