Tên lửa khủng của Trung Quốc khó cản Mỹ trên biển Đông

Tên lửa DF-26 của Trung Quốc. (Ảnh: News.cn)
Tên lửa DF-26 của Trung Quốc. (Ảnh: News.cn)
TPO - Sau khi Mỹ đưa tàu khu trục vào biển Đông khẳng định tự do hàng hải, Trung Quốc thông báo triển khai loại tên lửa “có khả năng tấn công các tàu cỡ lớn và cỡ vừa”. Nhưng có ý kiến hoài nghi về sức mạnh thực sự của tên lửa mới DF-26.

Thời báo Hoàn cầu (Global Times) dẫn thông tin từ đài truyền hình trung ương CCTV đưa tin hôm 9/1 rằng tên lửa đạn đạo DF-26, có tầm bắn 3.000-4.000km, được đưa đến vùng sa mạc và cao nguyên tây bắc của Trung Quốc,

Global Times dẫn lời một chuyên gia giấu tên nói rằng hoạt động triển khai tên lửa “là một lời nhắc nhở tốt rằng Trung Quốc có khả năng bảo vệ lãnh thổ của mình”.

“Ngay cả khi được phóng từ sâu trong nội địa của Trung Quốc, tầm bắn của DF-26 đủ xa để bao trùm cả biển Hoa Đông”, chuyên gia Trung Quốc nói. Bài báo này gọi DF-26 là “thế hệ tên lửa đạn đạo liên lục địa mới, có thể tấn công các tàu cỡ lớn và cỡ vừa trên biển”.

Tuy nhiên, nhà phân tích quân sự Carl Schuster, cựu giám đốc chiến dịch của Trung tâm tình báo phối hợp thuộc Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, hoài nghi liệu DF-26 có thực sự là vũ khí chống hạm. Việc sử dụng loại vũ khí như vậy đòi hỏi quá trình tập luyện nhiều và những chiến thuật mà Trung Quốc có thể chưa có.

“Hãy nhớ, Liên Xô chưa bao giờ phát triển thành công tên lửa đạn đạo chống hạm, và chưa nước nào ở phương Tây làm được điều này”, CNN dẫn lời ông Schuster.

Chuyên gia này cho rằng Trung Quốc tung tin về việc triển khai DF-26 có thể nhằm chứng tỏ với dư luận trong nước rằng họ có ý chí và khả năng bảo vệ đòi hỏi chủ quyền của họ trên biển Đông.

Bài báo của Global Times dẫn lời một chuyên gia giấu tên nói rằng DF-26 được đưa đến vùng tây bắc của nước này nhưng tầm bắn của nó có thể bao trùm cả biển Đông, biển Hoa Đông và xa hơn nữa.

Nhưng bất chấp cảnh báo từ Trung Quốc, Mỹ sẽ khó có khả năng dừng thách thức các đòi hỏi chủ quyền quá mức của Bắc Kinh trên biển Đông, các chuyên gia đánh giá.

Washington nói rằng việc Trung Quốc bồi đắp, quân sự hóa các đảo nhân tạo trên biển Đông khiến tuyến vận tải của hàng nghìn tỷ đô la thương mại, đi lại và thông tin liên lạc bị đặt dưới bàn tay của Bắc Kinh.

“Chính quyền Trump sẽ không lùi bước trước sức ép của Trung Quốc”, ông Malcolm Davis, một nhà phân tích cấp cao về chiến lược quốc phòng tại Viện chính sách chiến lược Úc ở Canberra, nói với CNN.

Nếu Mỹ rút khỏi vùng biển này sẽ “làm suy giảm nghiêm trọng uy tín của Mỹ và khuyến khích Trung Quốc hung hăng và táo bạo hơn”, ông nói.

Chiến dịch của tàu khu trục McCampbell hôm 7/1 là chuyến tuần tra tự do hàng hải đầu tiên của Mỹ trong năm 2019. Các nhà phân tích nói rằng, trong năm ngoái, cứ 8 tuần Mỹ lại thực hiện một chiến dịch như vậy.

Tháng 9 năm ngoái, đợt tuần tra của tàu USS Decatur đã suýt dẫn đến va chạm khi Trung Quốc phái tàu ra thách thức.

Hai tàu đó đã tiến sát đến mức chỉ cách nhau 41m khi đang ở trong vùng biển gần quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Hải quân Mỹ nói rằng khi đó tàu chiến Mỹ “có hàng loạt hành động hung hăng sau khi cảnh báo tàu Decatur ra khỏi khu vực”.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi đầu năm 2019 bằng việc yêu cầu quân đội tăng cường năng lực sẵn sàng chiến đấu. Phát biểu trong cuộc họp với Quân ủy trung ương hôm 4/1, ông Tập nói rằng quân đội nên “nâng cao năng lực tác chiến, phát triển các lực lượng chiến đấu mới, và nâng cao huấn luyện quân đội trong điều kiện chiến đấu”, báo chí nhà nước Trung Quốc dẫn lời ông Tập.

Hôm 9/1, một sĩ quan hải quân Trung Quốc ngang nhiên nói rằng nước này có thể tiếp tục củng cố các đảo nhân tạo trên biển Đông, tùy thuộc vào những mối đe dọa mà lực lượng trên các đảo nhân tạo mà nước này đang chiếm đóng phải đối mặt.

 “Nếu các cơ sở và nhân lực trên các đảo của chúng tôi bị đe dọa trong tương lai, chúng tôi sẽ có các biện pháp tăng cường năng lực phòng vệ của mình”, Navy Times dẫn lời ông Zhang Junshe, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện nghiên cứu quân sự thuộc Hải quân Trung Quốc, nói tại một cuộc họp báo.

Việc liên tục nâng cấp và triển khai các hệ thống vũ khí, nhân lực ra các cấu trúc tranh chấp trên biển Đông vấp phải sự chỉ trích của nhiều nước vì cho thấy Trung Quốc không thực hiện cam kết mà ông Tập Cận Bình đưa ra năm 2015 rằng sẽ không mở rộng hoạt động trên khu vực tranh chấp ở biển Đông, nơi Bắc Kinh đã xây dựng trái phép 7 đảo nhân tạo bằng cách đổ cát và xi măng lên các vỉa san hô.

Theo theo CNN, Navy Times
MỚI - NÓNG