Âm thành rộn ràng của những chiếc đàn làm từ tre và gỗ, lục lạc bằng vỏ lon, trống làm bằng thùng sơn hay kèn chế tạo từ găng tay y tế... của nhóm Noridan (Hàn Quốc) đủ sức hút lôi cuốn trẻ con, người lớn. Hoạt động trên nằm trong dự án "Khi tất cả mọi thứ đều trở thành âm nhạc" giữa GaO và nhóm Noridan.
Cứ sau 5h chiều, những đứa trẻ trong cư xá 288 Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Q.3) lại rủ nhau đi chơi nhạc cụ, do nhóm Noridan (Hàn Quốc) chế tác.
Trẻ con chơi nhạc, còn các thành viên trong nhóm nhảy theo bài nhạc. Dù gặp nhiều trở ngại về ngôn ngữ, nhưng âm nhạc đã tạo nên sự thích thú cho những đứa trẻ và cả người lớn của cư xá với nhóm.
Nét đặc biệt là những nhạc cụ do nhóm Noridan tự chế ngay tại trụ sở của Ga O (288 Nam Kỳ Khởi Nghĩa) từ những vật liệu bỏ đi. Trong ảnh là chiếc đàn được làm chủ yếu từ gỗ vụn, tre... và chơi bằng búa.
Lịch trình của nhóm trong 3 tuần ở Việt Nam là buổi sáng, 6 thành viên sẽ đi khảo sát để thu thập hình ảnh, lấy cảm xúc để tương tác với cuộc sống thành phố. Trên đường đi, nhóm sẽ thu thập đồ phế thải để làm vật liệu chế nhạc cụ.
Bạn Yoon Ju Hyun nói: "Các thành viên đã đi lang thang nhiều nơi như khu Thủ Thiêm, bảo tàng, các khu chợ và cả bãi rác... để tham quan, tư duy sáng tạo". Theo Yoon Ju Hyun, có nhiều vật liệu muốn kiếm mà không có, hoặc kiếm rồi lại không sử dụng được, có lúc phải tìm đến với những người bán ve chai.
Buổi trưa và chiều, nhóm tập trung làm nhạc cụ. Chiếc đàn ống này có tên gọi Thongaphone, làm từ ống nước.
Cách chơi cũng đặc biệt: đánh đàn bằng dép.
Thành viên Park Hyun Ju đang chơi đàn đá, có tên gọi tiếng Anh là Tile Marimba, làm từ gạch bông, dây thép...
Chiếc lục lạc (Instrument) làm từ vỏ lon, nắp chai...
Trống (Tape drums) được làm bằng thùng sơn, băng keo...
Chiếc kèn làm từ găng tay y tế, ống nước...
Sau quá trinh tìm hiểu, tương tác với với thành phố, nhóm chọn chiếc xe xich lô làm nhạc cụ, xe chạy và phát ra nhạc.
Những nhạc cụ đang được hoàn thiện, có tất cả 7 nhạc cụ để tạo thành một dàn nhạc. Trước khi rời Việt Nam, nhóm sẽ biểu diễn âm nhạc trong hẻm cho mọi người dân đến thưởng thức.
Trước đó, những buổi biểu diễn ngẫu hứng mỗi chiều thu hút rất đông trẻ em, người lớn đến xem. Anh Trương Minh Quý, quản lý dự án, cho biết: "Các màn trình diễn này sẽ tương tác vào quang cảnh, cuộc sống của những người xung quanh. Hầu hết mọi người đều cảm thấy thích thú với những buổi biểu diễn này".
Mục đích của dự án là thông qua việc sử dụng những đồ vật bình thường để tạo ra âm nhạc sẽ can thiệp, đánh thức nhịp chảy của cuộc sống thường nhật. Và cũng chính lúc này, cuộc sống thường nhật sẽ trở thành nguồn chất liệu, nơi để thử nghiệm nghệ thuật. Từ đó nghệ thuật và đời sống tác động qua lại lẫn nhau.
Noridan là một tổ chức nghệ thuật, văn hoá, xã hội của Hàn Quốc, có trụ sở tại Busan. Triết lý chính của Noridan là tái chế các đồ vật cũ, bỏ đi thành nhạc cụ; sử dụng nghệ thuật như phương cách kết nối với đời sống và gắn kết những gì tưởng không thể gắn kết. Sau 3 tuần ở Việt Nam thực hiện dự án, nhóm Noridan đã về lại Hàn Quốc.
Theo NHƯ QUỲNH
Tri Thức
Theo Đăng lại