Techcombank đặt mục tiêu lợi nhuận 27.000 tỷ đồng năm 2022

0:00 / 0:00
0:00
Năm 2022, Techcombank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 27.000 tỷ đồng, tăng 16,2% so với mức thực hiện năm 2021. Dư nợ tín dụng dự kiến tăng trưởng 15% hoặc cao hơn trong mức Ngân hàng Nhà nước cho phép. Tỷ lệ nợ xấu mục tiêu thấp hơn 1,5%.

Đó là thông tin được đưa ra tại Đại hội đồng cổ đông Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) ngày 23/4 tại Hà Nội.

Dự kiến phát hành hơn 6,3 triệu cổ phiếu

Tại đại hội, ban lãnh đạo Techcombank đề xuất với cổ đông phương án phân phối lợi nhuận năm 2021. Cụ thể, sau khi trích 2.408 tỷ đồng cho các quỹ bổ sung vốn điều lệ, dự phòng tài chính và quỹ phúc lợi, lợi nhuận còn lại của năm 2021 là gần 13.394 tỷ đồng. Cộng với hơn 26.743 tỷ đồng chưa sử dụng của các năm trước, Techcombank sẽ có khoản lợi nhuận có thể phân phối lên tới gần 40.137 tỷ đồng. Tuy nhiên, ngân hàng tiếp tục đề xuất với cổ đông không chia lợi nhuận để phục vụ cho hoạt động kinh doanh.

Techcombank đặt mục tiêu lợi nhuận 27.000 tỷ đồng năm 2022 ảnh 1

Ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT Techcombank trao đổi câu hỏi của cổ đông

Năm 2022, Techcombank tiếp tục có kế hoạch phát hành cổ phiếu ESOP. Theo đó, ngân hàng dự kiến phát hành hơn 6,3 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cp cho người lao động. Sau khi phát hành thành công, vốn điều lệ của ngân hàng dự kiến tăng lên trên 35.172 tỷ đồng.

Cổ phiếu phát hành mới bị hạn chế chuyển nhượng một năm theo quy định kể từ ngày kết thúc đợt phát hành. Thời gian dự kiến phát hành trong năm 2022 sau khi được NHNN, Uỷ ban Chứng khoán chấp thuận. Tổng số tiền thu được sau khi phát hành dự kiến sử dụng để bổ sung vốn hoạt động của ngân hàng.

Techcombank đặt mục tiêu lợi nhuận 27.000 tỷ đồng năm 2022 ảnh 2

Ông Jens Lottner - CEO Techcombank trình bày kết quả kinh doanh của ngân hàng.

HĐQT ngân hàng cũng trình cổ đông thông qua kế hoạch chuyển trụ sở chính từ 191 Bà Triệu, phường Lê Đại Hành, quân Hai Bà Trưng về số 6 phố Quang Trung, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Trả lời câu hỏi của cổ đông về giá cổ phiếu thời gian qua, ông Jens Lottner - CEO Techcombank cho biết, năm 2021, ngân hàng đã đạt được những kết quả kinh doanh ấn tượng. Trong đó, lợi nhuận trước thuế đạt hơn 23.000 tỷ đồng, tăng 47% so với năm 2020.

Chi phí huy động vốn của Techcombank luôn giữ được thấp nhất thị trường khi ngân hàng nâng được tỷ lệ CASA lên mức kỷ lục trên 50%.

Trong bối cảnh thách thức khi nền kinh tế chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, chất lượng tài sản của Techcombank được kiểm soát ở mức tốt, nợ xấu thuộc nhóm thấp nhất trên thị trường, chỉ 0,7%. Bao phủ nợ xấu đạt 163%. Năm 2020, nợ tái cấu trúc là 2,8% nhưng hiện nay chỉ còn 0,5% cho thấy nợ tái cấu trúc giảm rất mạnh, phản ánh nền kinh tế phục hồi, khách hàng của Techcombank cũng đang phục hồi tốt.

Techcombank đặt mục tiêu lợi nhuận 27.000 tỷ đồng năm 2022 ảnh 3

Ngân hàng ghi nhận thu nhập từ dịch vụ tăng trưởng rất tốt trong năm qua. Nguồn thu này giúp không bị phụ thuộc vào việc NHNN cấp cho Techcombank hạn mức tín dụng bao nhiêu.

“Chúng tôi đang có nền tảng vốn mạnh mẽ, thanh khoản dẫn đầu thị trường. Tỷ lệ an toàn vốn của Techcombank rất cao, CAR đạt 15% cao hơn nhiều so với yêu cầu 8%. Nhiều cổ đông sẽ đặt câu hỏi với kết quả kinh doanh như vậy thì giá cổ phiếu đã được phản ánh đầy đủ hay chưa. Tôi cho rằng chưa phản ánh đầy đủ”, ông Jens Lottner cho biết.

Ông Jens Lottner chia sẻ, năm 2025, Techcombank muốn lọt top 10 ngân hàng tốt nhất ASEAN. Không chỉ dẫn đầu ở Việt nam mà còn trong khu vực. Năm 2021, ngân hàng đã khởi động chiến lược 5 năm. Mục tiêu đến năm 2025, giá trị vốn hoá TCB sẽ đạt 20 tỷ, CASA 55%,…

Ngân hàng sẽ tiếp tục thực hiện những gì mà ngân hàng đang làm tốt, chẳng hạn phân khúc dành cho khách hàng thu nhập cao, thu nhập khá. Techcombank cũng sẽ phát triển hệ sinh thái giúp đa dạng hoá thu nhập, tối ưu hoá tiềm năng tăng tưởng của Techcombank.

Techcombank thẩm định kỹ khi đầu tư vào trái phiếu

Tại ĐHĐCĐ, nhiều cổ đông đã đặt câu hỏi với lãnh đạo ngân hàng về việc đầu tư trái phiếu và cho vay bất động sản của Techcombank bị ảnh hưởng thế nào khi cơ quan quản lý có động thái siết lĩnh vực này. Ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT Techcombank cho biết, Thủ tướng vừa qua đã nêu rõ quan điểm của Chính phủ là phát triển thị trường vốn lành mạnh. Thực tế, cơ quan quản lý không hạn chế thị trường vốn mà đang làm sạch và một số vấn đề tiêu cực xảy ra vừa qua là thiểu số. Do đó, việc phát triển thị trường vốn là chiến lược phù hợp mà Techcombank đã lựa chọn.

Khi đầu tư vào vào trái phiếu, ngân hàng phải thẩm định như một khoản cho vay. Nhiều người có thể cho là khác biệt. Nhưng với ngân hàng thì đó như khoản cho vay trung và dài hạn và vẫn được thẩm định về khả năng trả nợ. Đây cũng là cơ hội để Techcombank giúp nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư trái phiếu tốt. Với quan điểm như vậy, chúng ta làm rất chặt chẽ và kết quả được thể hiện những năm qua khi tỷ lệ nợ xấu rất thấp.

“Tôi cho rằng, dùng từ siết trái phiếu là hơi mạnh, chính xác là tạo cơ hội cho những doanh nghiệp làm việc chuyên nghiệp, đầy đủ mang sản phẩm tốt cho thị trường vốn”, ông Hồ Hùng Anh cho biết.

Theo ông Hồ Hùng Anh, thông điệp của Chính phủ về trái phiếu, bất động sản rất rõ ràng, những trái phiếu không được thẩm định rõ ràng, không minh bạch hoặc đầu cơ bất động sản mới bị siết. Trong khi đó, Techcomank những năm qua đã làm cẩn thận, rất tốt và hiệu quả. Techcombank cho vay những người có nhu cầu mua nhà, tập trung các dự án tốt, hạn chế tối đa việc cho vay khu đất không mang lại giá trị. Các dự án BĐS tốt còn kéo theo lĩnh vực xây dựng, vật tư, thiết bị,... mang theo nhiều giá trị cho người dân, cho xã hội.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.