Tây Nguyên loay hoay với bạch hầu bùng phát

Nhiều người Mông sống bên trong ổ dịch xã Quảng Hòa
Nhiều người Mông sống bên trong ổ dịch xã Quảng Hòa
TPO - Từ một ổ dịch bạch hầu, sau đó bùng phát thêm 2 điểm mới ở tỉnh Đắk Nông khiến 1 người tử vong, 1 người đang trong tình trạng nguy kịch… Tây Nguyên dường như loay hoay với bạch hầu trong bối cảnh bệnh còn xuất hiện thêm điểm mới ở TP Hồ Chí Minh, Kon Tum...

Vai trò Bộ Y tế ở đâu?

Ngày 26/6 Bộ Y tế có công văn đề nghị UBND tỉnh Đắk Nông chỉ đạo Sở Y tế triển khai công tác kiểm soát dịch bệnh tại các ổ dịch bạch hầu, tăng cường các hoạt động giám sát, lấy mẫu xét nghiệm, phát hiện sớm các trường hợp mắc mới, ổ dịch mới phát sinh, cách ly kịp thời các trường hợp mắc, khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lan rộng và kéo dài…

Điều đáng nói, công văn chỉ đạo của Bộ Y tế đưa ra sau gần 1 tháng dịch bệnh bùng phát ở tỉnh Đắk Nông. Ngành y tế địa phương đang loay hoay chưa xác định được nguồn lây thì đã ghi nhận có 12 trường hợp dương tính với bệnh bạch hầu; 1 ca tử vong; 1 ổ dịch ở huyện Krông Nô được khoanh vùng, khống chế; 2 ổ dịch còn lại ở xã Đắk R’măng, xã Quảng Hòa, cùng huyện Đăk Glong.

Nhiều câu hỏi được đặt ra với chính quyền và cơ quan chức năng địa phương khi số lượng bệnh nhân tăng nhanh. Thậm chí một lãnh đạo Sở Y tế Đắk Nông còn có ý đổ lỗi do người dân không đi tiêm chủng.

Kon Tum khống chế 5 ổ dịch

Ngày 26/6, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Kon Tum cho biết, trên địa bàn hiện đã có 5 ổ dịch bạch hầu tại TP Kon Tum, huyện Đắk Hà, huyện Sa Thầy và huyện Đắk Tô (2 ổ dịch). Các ổ dịch trên xuất hiện từ cuối tháng 1/2020 đến giữa tháng 6/2020. Tổng cộng 6 trường hợp mắc bệnh, những người này đều có triệu chứng ban đầu là sốt, viêm họng, viêm Amydal, họng nhiều giả mạc. Ngay khi phát hiện, các ca bệnh đều được điều tra tiền sử tiêm chủng và tiến hành cách ly, điều trị tích cực. Tất cả ca bệnh đã hoàn toàn bình phục và xuất viện.

Ngành y tế tỉnh Kon Tum tiếp tục điều tra, lập danh sách các trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh để điều trị dự phòng và hạn chế tiếp xúc với người xung quanh. Đối với vùng dịch, ngành y tế tỉnh Kon Tum đã triển khai các biện pháp phòng chống như hạn chế đi lại, cho uống kháng sinh điều trị dự phòng, vệ sinh môi trường; truyền thông theo nhóm về tác dụng và lợi ích của việc tiêm vắc-xin phòng bệnh bạch hầu. Ngoài ra, địa phương này tổ chức rà soát, tiêm vét vắc-xin DPT-VGB-Hib cho trẻ em từ 2 đến 18 tháng tuổi chưa được tiêm hoặc chưa đủ mũi và tiêm nhắc vắc-xin DPT4 cho các đối tượng 18 đến 48 tháng tuổi chưa được tiêm.

Bệnh viện Quân y 175-Bộ Quốc phòng (TP Hồ Chí Minh) cho biết, đơn vị này đang điều trị cho một bệnh nhân với các biểu hiện sốt, đau họng, khó thở, vùng hàm sưng to… Kết quả xét nghiệm từ Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh xác định bệnh nhân mắc bạch hầu. Nhiều nhân viên y tế và các bệnh nhân tiếp xúc gần với trường hợp mắc bệnh trên đã được cách ly.    

MỚI - NÓNG