Dĩ nhiên chuyện phản đối này còn vì giá của đồng hồ kỹ thuật số. Bỗng nhiên phải chi 3.000 euro mua cái thứ đầy tọc mạch trên từng cây số, dù thủ đô hứa trả giúp một phần ba chi phí và giảm thuế 350 euro/năm cho các bác tài, vẫn là gánh nặng thời khủng hoảng.
Ba lần đi taxi ở châu Âu cũng đủ cho tôi thấy Sài Gòn và Hà Nội là thiên đường taxi. Những chiếc đồng hồ đo mét và tính tiền bên này chạy êm ru, không hề có tiếng khọt khẹt chói tai hay lời ong bướm giữa anh taxi với cô nàng trực tổng đài “người ơi khó ở hay sao mà giọng chua thế” “có mà vợ anh đang khó ở ấy”.
Nhưng chính vì ngồi taxi bên này xe sang êm máy, tài xế thân thiện đến mấy cũng hết sức kiệm lời, khi trả tiền lại choáng. Tháng trước, từ sân bay ở Zaventem về nhà chỉ 30km, giữa hàng xe siêu sang trật tự đón khách, tôi lên đúng chiếc Mercedes, ngây thơ nghĩ có lẽ nhẹ giá hơn chiếc BMW bóng loáng phía sau? Ai ngờ đến cổng nhà, bác tài người Thổ nhẹ nhàng quay lại “91 euro, thưa quý cô”. Về nơi đồng euro mạnh có khác, chi cũng mạnh tay ghê.
Tôi than thở với Lisa - giáo viên dạy lái xe của mình rằng “Ở Việt Nam, đi khoảng 30 km từ Hà Nội về quê tớ chỉ phải trả khoảng 10 euro”, Lisa bĩu môi kèm nhún vai ra ý chưa tin, tôi cả quyết “hè vừa rồi về Sài Gòn, ra đường nóng quá tớ vẫy taxi đi ăn trưa, trả 1 euro tương đương hơn 20.000 đồng họ cũng gật”. Đến đây, Lisa không chịu nổi “Tớ sang Việt Nam chắc thất nghiệp, taxi rẻ thế ai muốn học lái nữa”.
Chuyện học lái ở châu Âu, cực kỳ gay go, tôi sẽ nói vào dịp khác. Còn đi taxi nước mình, tiện lợi kèm phiền hà có một không hai trên thế giới, phải kể ngay bây giờ.
Không đề cập taxi dù nữa, kém hiểu biết chọn nhầm xe phải chịu, nhưng có thứ biết trước mà vẫn phải chịu đựng, đó là văn hoá giao tiếp của nhiều bác tài. Mùa hè xứ mình nóng vã mồ hôi, lên taxi cũng là để hưởng chút khí mát điều hoà, cuốc bộ còn phải đi chéo đi xuyên qua siêu thị hoặc trung tâm thương mại tránh nóng nữa là. Thế mà bác tài cứ tràng giang đại hải. Càng nói nhiều càng ít tập trung lái, cánh lái xe châu Âu thường hạn chế giao tiếp tối đa.
Biết khách là Việt kiều, đề tài càng mở rộng, từ thông báo tình hình địa ốc nước nhà cọc sắt vẫn vươn lên trời cao mà chẳng còn tiền đổ bê tông, cho đến nông dân bây giờ cũng lắm tiểu xảo “Vào tận vườn mua mít cả quả vẫn bị lừa, họ mời nếm thử miếng mít chín kín đáo lắp vừa khít vào quả mít xanh đã khoét lỗ”.
Rồi hỏi “Chị ở vùng tiêu euro à?” “Vâng, sao hả anh?” “Người Việt mình không chuộng euro, nhà chị có ai ở Mỹ không tôi mách cách làm ăn chứ về tay không phí tiền vé lắm. Chị bảo người nhà sang Mỹ gom tờ 2 đô la, càng sê- ri cũ càng tốt, mang về đây tôi trả mỗi tờ 200 nghìn đồng, sê-ri những năm 70 trở về trước thì cả triệu đồng. Tết bán cho người ta mua mừng tuổi, trúng lắm. Hàng xách tay kiểu này vừa nhẹ lại vừa ngon ăn”.
Và taxi đã có ở làng. Tức là từ làng tôi có thể sang hàng xóm gọi taxi để lên thành phố. Đường làng bê tông hoá nhưng lại hẹp hơn đường đất thời bao cấp, và mỗi lúc một chật chội vì rác thải, cống lộ thiên đọng nước bẩn, các móng nhà cao tầng đua nhau lấn chiếm. Vậy mà taxi lại nhiều lên. Đột nhiên nông dân lái taxi, chả thấy ai hỏi bằng lái, hồn nhiên tin tưởng “Ấy, nó là thằng Z, còn ông X ngày xưa lái công nông”.
Tôi đi thử taxi làng rồi, cẩn thận đặt trước một ngày, hôm sau vừa chui vào cái xe bốn chỗ nhỏ xíu cũ kỹ đã thấy cô gái ngồi ngay ghế trước. Anh taxi làng quay lại hì hì “Tiện đường anh cho con gái lên Hà Nội khám răng”. Nhỡ nhà tôi đi 4 người thì sao, “Ôi, người mình nhỏ, ngồi chật một tí chuyện trò càng vui”. Lại chuyện trò gì nữa đây?!