Tàu Thường Nga-6 được phóng lên từ trung tâm phóng tàu vũ trụ Văn Xương trên đảo Hải Nam. (Ảnh: Reuters) |
Việc con tàu đáp xuống nửa tối của Mặt trăng thành công vào ngày 1/6 đã nâng vị thế của Trung Quốc trong cuộc đua toàn cầu nhằm chinh phục Mặt trăng, nơi một số quốc gia, bao gồm Mỹ, đang hy vọng có thể khai thác khoáng sản trên đó để phục vụ các sứ mệnh có người lái trong dài hạn và xây dựng căn cứ trên Mặt trăng trong thập kỷ tới.
Tàu Thường Nga-6 mang theo hàng loạt thiết bị đáp xuống vùng lòng chảo Aitken ở cực nam lúc 6h23 sáng (giờ Bắc Kinh), Cơ quan Vũ trụ quốc gia Trung Quốc cho biết.
Theo thông cáo của cơ quan này, sứ mệnh liên quan đến nhiều công nghệ, phải vượt qua nhiều rủi ro và khó khăn lớn. “Lượng thiết bị mà tàu đổ bộ Thường Nga-6 mang theo sẽ hoạt động như kế hoạch và triển khai nhiệm vụ khám phá khoa học”, thông cáo viết.
Đây là sứ mệnh thành công thứ hai của Trung Quốc trên nửa xa của Mặt trăng. Nửa xa của Mặt trăng không nhìn về hướng Trái đất, là vùng có nhiều lòng chảo sâu và tối, khiến nhiệm vụ thông tin liên lạc và đáp xuống tự động càng khó hơn.
Với những thách thức đó, các chuyên gia về vũ trụ và Mặt trăng tham gia sứ mệnh Thường Nga-6 cho biết đáp xuống là nhiệm vụ dễ thất bại nhất.
“Đáp xuống nửa tối của Mặt trăng cực kỳ khó khăn vì bạn không thể duy trì liên lạc trực tiếp, mà phải dựa vào các thiết bị khác trong chuỗi liên lạc để kiểm soát tình hình, hoặc phải tự động hoá cả quá trình”, Neil Melville-Kenney, một chuyên gia kỹ thuật của Cơ quan Vũ trụ châu Âu làm việc với Trung Quốc trong dự án, cho biết.
Tàu thăm dò Thường Nga-6 được đưa lên bằng tên lửa Trường Chinh 5 hôm 3/5, từ trung tâm phóng tàu vũ trụ Văn Xương trên đảo Hải Nam, lên đến quỹ đạo Mặt trăng sau gần 1 tuần rồi chuẩn bị cho việc đáp xuống.
Thường Nga-6 trở thành con tàu thứ 3 của thế giới đáp xuống Trái đất trong năm nay, tiếp nối thành công của tàu đổ bộ SLIM Nhật Bản hồi tháng 1 và tàu đổ bộ của công ty khởi nghiệp Mỹ Intuitive Machines hồi tháng 2.
Ấn Độ và Liên Xô trước đây cũng đã đưa tàu lên hành tinh gần Trái đất nhất. Mỹ là quốc gia duy nhất từng đưa người lên Mặt trăng, bắt đầu vào năm 1969.
Dùng xẻng và máy khoan, tàu đổ bộ Thường Nga-6 dự kiến sẽ thu thập 2kg mẫu vật trên Mặt trăng trong 2 ngày rồi đưa về Trái đất.
Các mẫu vật sẽ được chuyển đến tên lửa đẩy trên tàu đổ bộ, sau đó sẽ phóng trở lại không gian, kết nối với một tàu vũ trụ khác trên quỹ đạo Mặt Trăng và quay trở lại, dự kiến sẽ đáp xuống vùng Nội Mông của Trung Quốc vào khoảng ngày 25/6.
Nếu những nhiệm vụ này diễn ra như dự kiến, Trung Quốc sẽ tiến hành phân tích lịch sử 4,5 tỷ năm của Mặt trăng và tìm ra những manh mối mới về sự hình thành Hệ Mặt trời của chúng ta.