Tàu tiền tỷ nằm bờ vì vướng... quy định

Tàu cá của ngư dân Phạm Ngọc Hoàng phải nằm bờ vì chất lượng tàu kém
Tàu cá của ngư dân Phạm Ngọc Hoàng phải nằm bờ vì chất lượng tàu kém
TP - Nhằm nâng cấp đội tàu cá, tàu hậu cần đủ sức ra khơi xa đảm bảo an toàn và nâng cao hiệu quả kinh tế, ngư dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng đóng mới tàu theo Nghị định 67. Thế nhưng, đến nay nhiều tàu đang phải nằm bờ, vì sao vậy?

Theo phân bổ của Bộ NN&PTNT, Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) được phép đóng mới 96 tàu khai thác (tàu cá)  và 25 tàu dịch vụ hậu cần (DVHC) theo Nghị định 67. Từ năm 2015 đến nay, BR-VT đã đóng mới 68 tàu cá (33 tàu vỏ thép, 8 tàu composite, 27 tàu vỏ gỗ), nâng cấp 1 tàu cá và 9 tàu DVHC. Hoạt động vài năm,  những chiếc tàu DVHC phải nằm bờ vì vướng quy định, trong khi tàu cá bộc lộ chất lượng kém.  

Tàu tiền tỷ nằm bờ vì vướng... quy định ảnh 1 Một chiếc tàu vỏ thép đóng theo diện Nghị định 67 xuống cấp

Tiếp cận dự án nâng cấp tàu dịch vụ nghề cá theo Nghị định 67, ông Thuận Huệ ở TP Vũng Tàu đầu tư đóng mới chiếc tàu DVHC vỏ thép trị giá hàng chục tỷ đồng, trong đó vốn vay ngân hàng cũng chiếm hơn phân nửa. Tàu của ông Huệ có nhiệm vụ đưa nước đá, xăng dầu, thực phẩm ra khơi cung cấp cho nhiều tàu cá và mua hải sản của các tàu này đưa vào bờ tiêu thụ.

Qua các tàu DVHC trên biển, các tàu cá tiếp tục có thời gian đánh bắt hải sản dài ngày giảm được chi phí ra vào bờ. Thế nhưng, cả năm nay ông Huệ phải cho tàu nằm bờ vì…vướng quy định tàu DVHC “không được bán xăng dầu trên biển”. Neo đậu dài ngày, chiếc tàu của ông Huệ cũng đã xuống cấp. Ông cho hay: “Tàu không hoạt động, trong khi vốn vay ngân hàng, lãi suất phải trả, rồi tiền lương trả cho hàng chục nhân công…”. Nhiều chủ tàu DVHC khác ở TP Vũng Tàu và huyện Đất Đỏ cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Theo ông Huệ, tàu dịch vụ nằm bờ, khiến các tàu cá cũng bị ảnh hưởng phát sinh chi phí cho các chuyến ra khơi.

 Theo Sở NN&PTNT tỉnh BR-VT, thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ, tỉnh đã phê duyệt đóng mới, đưa vào hoạt động 9 tàu DVHC thủy sản vỏ thép, với tổng kinh phí là 324 tỷ đồng, trong đó, ngư dân vay các ngân hàng thương mại để đầu tư đóng mới 298 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện nay các tàu DVHC thủy sản đóng mới theo Nghị định 67 của tỉnh đang phải nằm bờ, ngừng hoạt động do vướng các quy định của Luật Thủy sản năm 2017, Nghị định 26/2019 của Chính phủ về thi hành một số điều Luật Thủy sản năm 2017 và Thông tư số 47/2015 của Bộ Công Thương về điều kiện cấp giấy phép kinh doanh xăng dầu trên biển.

Trước vấn đề này, UBND tỉnh BRVT có văn bản kiến nghị Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT tháo gỡ vướng mắc về hoạt động kinh doanh xăng dầu đối với tàu DVHC thủy sản đóng mới theo Nghị định 67. Tuy nhiên, Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT cho rằng, việc cấp giấy phép hoạt động kinh xăng dầu cho các tàu DVHC nghề cá của tỉnh vẫn phải tuân thủ theo các quy định pháp luật; ngoài ra, cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên mặt nước còn phải phù hợp với vùng nước hoạt động do Bộ GT-VT quy định.

 Ông Trần Văn Cường, Giám đốc sở NN&PTNT tỉnh BR-VT cho biết: “Trước đây, tàu DVHC vận chuyển dầu, nước đá, nhu yếu phẩm cho đội tàu đánh bắt và đồng thời đưa hải sản vào bờ giúp tiết kiệm chi phí khai thác. Thế nhưng từ ngày 1/1/2019, khi Luật Thủy sản 2017 có hiệu lực, có quy định tàu DVHC đóng theo nghị định 67 sẽ không được cấp phép kinh doanh vận chuyển xăng dầu. Kết quả là những tàu vỏ thép DVHC không được ra khơi để tiếp tế cho đội tàu đánh bắt”.

Theo ông Cường, do các bộ chưa có sự thống nhất để giải quyết các khó khăn, vướng mắc trên, mới đây UBND tỉnh tiếp tục giao Sở NN&PTNT phối hợp với Sở Công Thương chủ trì tổng hợp các ý kiến của các sở, ngành và ngư dân, doanh nghiệp tham mưu UBND tỉnh có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ để có hướng giải quyết những vướng mắc này đối với tàu DVHC đóng mới theo Nghị định 67.

Tàu cá cũng “mắc cạn”

Ngư dân Phạm Ngọc Hoàng (ngụ tại TP Vũng Tàu) đầu tư đóng chiếc tàu vỏ thép theo Nghị định 67 trị giá hơn 10 tỷ đồng, đưa vào hoạt động năm 2016, nhưng đã phải nằm bờ từ  gần 2 năm nay  vì xuống cấp trầm trọng.

Theo chủ tàu, sau vài chuyến ra khơi,  tàu đã bộc lộ nhiều hạn chế, công suất máy 608CV quá yếu, tàu di chuyển chậm và không kéo nổi lưới nên việc đánh bắt không hiệu quả, đành đưa tàu về nằm bờ cầu cứu cơ quan chức năng. Hiện tàu đã tàu xuống cấp. Theo ông Hoàng, để tàu hoạt động trở lại bình thường, những ngư dân như ông cần phải được hỗ trợ kinh phí thay máy, sửa chữa vỏ tàu.

Theo phân bổ của Bộ NN&PTNT, Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) được phép đóng mới 96 tàu khai thác (tàu cá)  và 25 tàu dịch vụ hậu cần (DVHC) theo Nghị định 67. Từ năm 2015 đến nay, tỉnh BR-VT đã thực  hiện đóng mới 68 tàu cá (33 tàu vỏ thép, 8 tàu composite, 27 tàu vỏ gỗ), nâng cấp 1 tàu cá và 9 tàu DVHC. Hoạt động vài năm, hầu hết tàu DVHC phải nằm bờ vì vướng quy định.  

MỚI - NÓNG
Bản tin Hình sự: Ông Lê Tùng Vân có quan hệ loạn luân với con ruột
Bản tin Hình sự: Ông Lê Tùng Vân có quan hệ loạn luân với con ruột
TPO - TIN NÓNG ngày 19/4: Chiếm đoạt hơn 1.000 tỷ đồng của nhà đầu tư, hai lãnh đạo Công ty CP tập đoàn Tâm Lộc Phát bị bắt giữ; Cơ quan chức năng vào cuộc xác minh vụ thất thoát hơn 53 tỷ đồng quỹ di tích làng Đồng Kỵ; Biến tướng chiêu trò lừa đảo liên quan giải chạy marathon; Tạm giữ đối tượng sàm sỡ nữ sinh trên phố...