Tàu sắt tông chìm tàu cá, bỏ mặc 4 ngư dân giữa biển đêm

Các ngư dân kể lại sự việc với lực lượng biên phòng. Ảnh: Nguyễn Thành.
Các ngư dân kể lại sự việc với lực lượng biên phòng. Ảnh: Nguyễn Thành.
TP - Ngày 9/4, lực lượng biên phòng Trạm biên phòng cửa khẩu cảng Đà Nẵng triển khai lực lượng cùng ngành chức năng truy tìm tàu sắt đâm chìm tàu cá QNa 09191 tối 8/4 rồi bỏ đi, mặc cho 4 ngư dân chới với giữa biển.

Bơi trong đêm tìm giúp đỡ

Khoảng 22h tối ngày 8/4, nhóm sinh viên khoa Y dược – ĐH Đà Nẵng đang cắm trại tại bãi biển Tiên Sa hoảng hốt khi một người đàn ông ốm yếu, gần như kiệt sức cố bơi từ biển vào. Người đàn ông đó chính là ông Phan Thanh Phụng (58 tuổi, trú tại Tam Tiến, Núi Thành, Quảng Nam), thuyền viên trên tàu QNa 09191 bị tàu vỏ sắt đâm chìm khi cách bờ khoảng gần 1 km vào tối 8/4 tại khu vực gần cảng Tiên Sa. Vì quá lạnh nên ai hỏi gì ông cũng không thể nói mà chỉ tay về phía biển, mặt hoảng loạn, miệng run lập cập. Các bạn sinh viên dìu ông đến bên bếp lửa trại, sửa ấm, rồi báo trạm biên phòng gần đó. Phải gần 10 phút, sau khi được sưởi ấm ông Phụng mới cho hay tàu cá bị tàu sắt đâm chìm, đang còn 3 người ở ngoài biển, không biết sống chết thế nào.

Ông Phụng được đưa tới Trạm biên phòng cửa khẩu cảng Tiên Sa để chăm sóc. Lúc này, lực lượng biên phòng đã tung 2 xuồng ra khơi phối hợp với tàu cá ngư dân cứu được 3 ngư dân còn lại. Một lúc sau cả 3 ngư dân còn lại cũng được đưa về đây. Cả 4 ngư dân tàu QNa 09191 ôm nhau mừng tủi, bởi ông Phụng nghĩ rằng chỉ còn mình sống sót, 3 ngư dân còn lại nghĩ rằng ông Phụng đã bỏ mạng.

Ông Phụng kể, tàu chìm nhanh, lúc đó hoảng quá dù có phao cứu sinh nhưng chẳng kịp lấy. Tàu chìm 4 người nhảy xuống, trong đêm tối gọi quanh chẳng thấy ai trả lời. Lúc này cứ nghĩ 3 người kia đã chìm theo tàu hoặc bị sóng cuốn đi nên ông Phụng quyết định bơi vào bờ. Trong giây lát ông lấy lại bình tĩnh, định hướng rồi nhằm đất liền mà bơi. Vị trí trí tàu chìm theo các ngư dân cách cảng Tiên Sa khoảng gần 1km, ông Phụng cho biết: Gần 1 tiếng đồng hồ ông mới bơi được vào bờ. Vì lạnh buốt nên toàn thân ông tê cứng, lạnh buốt thấu xương. “Tàu chìm, anh em còn sống sót là may mắn lắm rồi”, ông Phụng nói.

Thủ phạm là tàu chở dầu?

Ông Nguyễn Hữu Mười (1967, Tam Tiến, Núi Thành) thuyền trưởng chủ tàu QNa 09191, cho biết: tàu cá có công suất 280CV, xuất bến từ ngày 4/4. Sau 4 ngày đánh bắt, cá trên tàu được giá trị khoảng 30 triệu, anh em trên đường quay vào bờ để bán cá, tiếp nhiên liệu thì bị đâm khi cách bờ khoảng 1km. Cả 4 ngư dân đều cho biết tàu đâm chìm tàu cá là tàu sắt, dạng tàu chở dầu.

Theo ông Mười, thời điểm xảy ra sự việc khoảng từ 20h30 đến 21h tối ngày 8/4. Phát hiện tàu vỏ sắt, dù tàu cá của ông đã chạy né nhưng vẫn bị đâm ngay phía trước. Sau khi đâm, mũi tàu cá chúi xuống nước rồi nghiêng dần. Biết tàu bị đâm sắp chìm, ông Mười thả tay lái ra ngoài hét lớn và vẫy tay kêu cứu nhưng tàu vỏ sắt vẫn bỏ đi.

“Thấy tàu sắp chìm, tôi với lấy điện thoại gọi cho tàu bạn QNa 091324 gần đó ứng cứu. Tàu chìm, cả 4 anh em nhảy xuống biển. Rất may tàu QNa 091324 kịp thời có mặt nên anh em mới được cứu sống”, ông Mười cho biết. Một lúc sau, tàu biên phòng cũng có mặt, anh em cho tàu chạy quanh khu vực tàu chìm tìm kiếm ông Phụng gần 1 tiếng nhưng chẳng thấy nên quyết định vào bờ. Đến khoảng 22h20, cả 3 ngư dân được đưa vào bờ, vào đến nơi thấy ông Phụng còn sống anh em ai cũng mừng.

Thượng tá Nguyễn Thành Đính, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy Biên phòng cửa khẩu cảng Đà Nẵng, cho biết: Ngay khi nhận được tin báo, lực lượng biên phòng đã lập tức huy động 2 phương tiện ứng cứu kịp thời. Cả 4 ngư dân ban đầu đều hoảng loạn, nhưng sau khi được chăm sóc đã dần bình tĩnh và kể lại sự việc với lực lượng chức năng. Hiện đơn vị đang triển khai truy tìm tàu vỏ sắt đã đâm chìm tàu cá của ngư dân.

“Tàu cá đi từ ngoài biển vào, trong khi tàu sắt đi từ cảng ra nên tôi đã cho các lực lượng của đơn vị cũng như đội thủ tục của trạm Sông Hàn, trạm Tiên Sa kiểm tra lại toàn bộ phương tiện gồm tàu hàng, tàu chở cát, tàu hút bùn trên toàn phạm vi để xem có tàu nào xuất phát tối ngày 8/4 hay không. Đồng thời phối hợp với cảng vụ Đà Nẵng để xem trên hệ thống có phương tiện nào rời cảng thời điểm đó. Ngoài ra, sẽ làm việc với 4 ngư dân để có nhận dạng phục vụ quá trình điều tra”.

Thượng tá Nguyễn Thành Đính 

MỚI - NÓNG