Washington đã phái tàu chiến tới vùng biển có hải lộ chiến lược với nhiều quốc gia này ba lần trong năm 2018 nhưng chưa từng phái tàu sân bay tới đây trong hơn 10 năm qua. Eo biển Đài Loan là một phần của biển Đông và tiếp nối với biển Hoa Đông, ngăn cách giữa đảo Đài Loan và Trung Quốc. Còn gọi là Formosa, eo biển này chỉ rộng 180km, thậm chí điểm hẹp nhất chỉ rộng 130km.
Trong hơn một thập kỷ qua, Trung Quốc đã hiện đại hóa quân đội, các tên lửa của họ được thiết kế để có thể tấn công các tàu chiến của kẻ địch tiềm tàng, kể cả tàu sân bay.
Tuy vậy, điều này không khiến lãnh đạo hải quân Mỹ tỏ ra e ngại. “Chúng tôi không thấy bất cứ hạn chế nào đối với bất cứ loại tàu nào khi đi ngang vùng biển đó”, đô đốc hải quân Mỹ John Richardson nói với các phóng viên tại Tokyo hôm qua, khi được hỏi liệu các vũ khí tiên tiến của Trung Quốc có tạo ra mối nguy lớn đối với quân đội Mỹ hay không.
“Chúng tôi coi eo biển Đài Loan cũng như các vùng biển quốc tế khác và đó là lý do chúng tôi đi ngang qua đó”.
Các tàu sân bay, thường được trang bị với khoảng 80 máy bay và 5.000 quân nhân, là phương tiện chủ chốt để quân đội Mỹ thực thi năng lực tác chiến toàn cầu.
Hôm thứ Ba vừa rồi, một quan chức Mỹ nói với Reuters rằng Mỹ đang theo dõi chặt chẽ ý đồ của Trung Quốc đối với Đài Loan, vùng lãnh thổ Trung Quốc luôn coi là thuộc chủ quyền của mình. Các công nghệ quân sự tiên tiến giúp Trung Quốc nay có khả năng lớn hơn trong việc đánh chiếm thu hồi hòn đảo này.
Trong một bản báo cáo, Cơ quan Tình báo quân đội Mỹ gọi Đài Loan là “động lực chính” để Trung Quốc hiện đại hóa quân đội.
Đô đốc Richardson, người tới thăm Trung Quốc trước khi tới Nhật Bản, nói ông đã nói với những người đồng cấp Trung Quốc rằng Mỹ phản đối bất cứ hành động đơn phương nào của Bắc Kinh hay Đài Loan.
Ông cũng thúc giục Trung Quốc tuân thủ các luật lệ quốc tế trong những lần đối đầu hải quân không lên kế hoạch trước.
Ngày 30/9/2018, tàu khu trục Lan Châu của hải quân Trung Quốc đã đối đầu với tàu USS Decatur trên biển Đông, buộc tàu Mỹ phải đổi hướng để tránh va chạm. Sau đó, La Viện, tướng “diều hâu” của quân đội Trung Quốc dọa đánh chìm tàu sân bay Mỹ.
Tuy nhiên, ngày 7/1 vừa qua, một tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường của Mỹ đã tới gần các đảo mà Trung Quốc chiếm đóng, thách thức tuyên bố chủ quyền quá đáng của Bắc Kinh.
Ngay sau đó vài giờ, Đài CCTV của Trung Quốc đưa tin, quân đội nước này đã triển khai tên lửa đạn đạo DF-26 tại khu vực cao nguyên và sa mạc phía Tây Bắc Trung Quốc. DF-26 được nói có tầm bắn 3.000 - 4.000km.