Nếu tính từ lần đầu khởi công, tới khi đưa vào sử dụng như kế hoạch hiện nay, dự án đường sắt đô thị (metro) Hà Nội (đoạn Nhổn- ga Hà Nội) phải mất 13 năm thi công. Nhiều người gọi đây là dự án “rùa” thập kỷ...
“Rùa” đến bao giờ
Tuyến metro thí điểm Nhổn-ga Hà Nội (UBND thành phố Hà Nội làm chủ đầu tư) khởi công lần đầu năm 2006, được xác định xong vào cuối năm 2010. Nhưng cuối năm 2010, thay vì khánh thành, dự án lại được đưa ra khởi công lại lần 2, cùng với đó “di dời” tiến độ về cuối năm 2015. Nhưng rồi, việc thi công vẫn gặp khó, dự án tiếp tục di dời tới cuối năm 2016, rồi 2017, và nay chốt lại là cuối năm 2018 xây dựng xong, để năm 2019 chạy thử và đưa vào sử dụng. Như vậy, nếu tính từ lần khởi công đầu tiên dự án thí điểm mở đường này mất 13 năm xây dựng (nếu mốc năm 2019 không tiếp tục bị lùi lại).
Cùng việc lùi tiến độ, những năm qua UBND Thành phố Hà Nội đã nhiều lần ra văn bản và cả họp với các bên để chỉ đạo, xử lý vướng mắc và thúc tiến độ dự án. Thậm chí, chủ đầu tư phải thay cả đơn vị thi công khu depot (khu điều hành, bảo trì tàu điện), nhưng tới nay gói thầu này vẫn chưa có nhiều chuyển biến, dù theo kế hoạch trước đó, gói thầu này phải xong từ cuối 2012.
Trong các cuộc họp chỉ đạo, đáng chú ý ngày 24/2/2014, để kiểm điểm tiến độ dự án metro Nhổn - ga Hà Nội, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã phải gay gắt: “Các anh cứ ngồi đấy mà cãi nhau, tiền đằng nào cũng phải trả nên dự án không thể chậm hơn được nữa. Đã đến lúc phải đột phá, phải đẩy nhanh tiến độ. Tại sao TPHCM làm tàu điện nhanh thế mà chúng ta không làm được?”. Theo ông Thảo, nếu không rõ địa chỉ trách nhiệm, dự án sẽ tiếp tục kéo dài không biết bao giờ mới xong. Do đó, ông Thảo yêu cầu phải chấn chỉnh lề lối làm việc, tăng cường trách nhiệm, không đùn đẩy.
Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, tới hết tháng 4/2015, gói thầu về trụ trên cao đã khởi công vào tháng 7/2014, hiện hoàn thành 26% khối lượng cọc khoan nhồi, đổ được 16/270 bệ trụ, thi công xong 2 thân trụ, hoàn thành đúc thử 1 dầm (dự kiến năm nay sẽ thi công xong các trụ). Về gói thầu các ga trên cao đã khởi công tháng 5/2014, hiện hoàn thành 17% khối lượng công việc của gói thầu. Còn khu depot, dự kiến tháng 5/2015, nhà thầu tổ chức thi công khu kỹ thuật.
Đáng chú ý, gói thầu thi công hầm, các ga ngầm và gói thầu thiết kế, cung cấp, lắp đặt hệ thống đường sắt đi ngầm tới nay mới được đánh giá tài chính, đang đợi các nhà tài trợ, đơn vị tư vấn cho ý kiến. Riêng với gói thầu hệ thống bán vé vẫn đang trong quá trình xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật và chờ phê duyệt tiêu chuẩn kỹ thuật.
Vướng mắc lớn nhất với việc triển khai dự án hiện vẫn là giải phóng mặt bằng cho 4 ga đi ngầm (S9 tới S12). Hiện mới xong phần kiểm đếm, xác định nguồn gốc đất, đang phải đợi UBND thành phố Hà Nội phê duyệt cơ chế, chính sách, giá đất, tái định cư. “Chúng tôi phấn đấu trong tháng 5 này sẽ có giá đền bù giải phóng mặt bằng các ga ngầm, sau đó mới bắt đầu thực hiện các thủ tục thu hồi, tái định cư”, ông Lê Huy Hoàng, Phó trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (đại diện chủ đầu tư) nói.
Đội vốn quá cao
Năm 2009, tổng mức đầu tư của tuyến metro Nhổn-ga Hà Nội được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt là 783 triệu Euro (khoảng 18.408 tỷ đồng). Tuy nhiên, tháng 6/2013, thành phố duyệt tổng mức đầu tư mới tăng lên 1,176 tỷ Euro (khoảng 32.910 tỷ đồng), tăng 393 triệu Euro. Tính ra, bình quân tuyến đường sắt này ngốn 94,08 triệu Euro mỗi km (khoảng 2.300 tỷ đồng/km).
Sau khi tăng vốn, Hà Nội phải vay thêm các nhà tài trợ trên 246,68 triệu Euro. Vốn đối ứng từ ngân sách thành phố là 276,02 triệu Euro.
Ông Lê Huy Hoàng cho biết, hồ sơ nghiên cứu khả thi dự án được Cty tư vấn Systra (Pháp) lập từ năm 2008. Nhưng sau đó lập thiết kế kỹ thuật, chi tiết các gói thầu, cập nhật các tiêu chuẩn bổ sung, quy hoạch tổng mặt bằng tỷ lệ 1/500; tư vấn Systra đã đề xuất điều chỉnh, sửa đổi bổ sung đáng kể các hạng mục dự án. “Tư vấn tính toán thiếu 1 số đoạn và khối lượng công việc, nên khi thực hiện chi tiết đã phải điều chỉnh, bổ sung khiến chi phí tăng thêm”, ông Hoàng nói. Ngoài ra, theo ông Hoàng, qua thời gian, một số cơ chế chính sách thay đổi; công nghệ mới hơn; những biến động tỷ giá, giá xây dựng trên địa bàn… làm tăng chi phí.
Đặc biệt, do bàn giao mặt bằng chậm, tư vấn không có mặt bằng để thực hiện thiết kế nên hợp đồng phải kéo dài thêm và tăng chi phí thuê tư vấn. “Hợp đồng trọn gói với tư vấn Systra đáng ra phải kết thúc năm 2010, nhưng tới nay vẫn chưa kết thúc được. Lý do có nhiều, như phần quy hoạch mãi tới năm 2012 mới được phê duyệt để tư vấn thiết kế”, ông Hoàng nói.
Còn theo tư vấn Systra, sau khi cập nhật các đơn giá, chế độ chính sách mới, tổng mức đầu tư của dự án tăng rất mạnh. Trong đó, phần vốn dành cho xây lắp và thiết bị tăng thêm gần 292 triệu Euro (gồm cả chi phí dự phòng); phần vốn giải phóng mặt bằng, chi phí quản lý dự án và các chi phí khác tăng thêm 200 triệu Euro.
(Còn nữa)
Thay đổi giữa nghiên cứu khả thi và triển khai chi tiết dự án metro Nhổn-ga Hà Nội, do Cty tư vấn Systra lập có nhiều khác biệt, như: Tư vấn đề xuất đi ngầm từ Voi Phục đến ga Hà Nội, nhưng thực tế đi ngầm từ đầu Kim Mã, nên kéo dài phần đi ngầm gần 2 km; chỉ rà soát trên giấy vốn đã tăng vọt gấp đôi lên 1,1 tỷ USD.