Tàu bay ở chợ Lầu Đèn

Làng Thanh Khê xưa nơi có ấp Lầu Đèn Ảnh: TL
Làng Thanh Khê xưa nơi có ấp Lầu Đèn Ảnh: TL
TP - “Rùng rùng máy nổ thất kinh/Chiếc tàu cất cánh thình lình bay lên”, bài vè dân gian kể về sự kiện chiếc tàu bay của Pháp từ Lầu Đèn thực hiện chuyến bay biểu diễn đầu tiên trên bầu trời Tourane (Đà Nẵng) cách đây tròn 107 năm…

Bài vè “Coi tàu bay tại Lầu Đèn” cùng với địa danh hiếm hoi sót lại từ thời Pháp thuộc hơn trăm năm trước ấy giờ đã chìm khuất vào lãng quên, ít ai còn nhớ. Dấu tích duy nhất là cái chợ xép giờ đây nằm sâu trong con hẻm cụt trên đường Trần Cao Vân (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) còn mang tên Lầu Đèn. Nhưng người Đà Nẵng, kể cả nhiều người nhà gần thường xuyên đi chợ ấy cứ thuận miệng gọi là chợ “Lò Đèn”, rồi “Lò Rèn”! Cho đến mới đây viên quản lý chợ này bị dính COVID-19, báo chí nhao vào đưa tin, thì cái tên “Lầu Đèn” mới khiến nhiều người “a” lên.

Lầu Đèn, cái tên đầy thi vị, hoài cổ, gợi đôi câu thơ “Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo/Nền cũ lâu đài bóng tịch dương” của Bà huyện Thanh Quan. Những tưởng “Lầu Đèn” chỉ gắn với những chốn phồn hoa đô hội, kiểu như Faifo Hội An, hay ít ra tại những khu phố Tây ít nhiều nhộn nhịp quanh mấy đường Bạch Đằng, chợ Hàn của Tourane thời ấy? Nhưng kỳ thực, đó lại địa danh của bãi cát hoang khổng lồ hàng trăm năm trước ở ven vịnh Thanh Bình, Đà Nẵng.

Dò dẫm đi tìm sự tích cái tên Lầu Đèn, thì may mắn được vài người hoài cổ nhắc lại giúp.

Ông Tôn Hưng Hảo, hưu trí, từng sống ở quanh đấy, thuật lại lời ông bà kể, rằng thời xưa nơi đây chỉ là trảng cát hoang sơ với những nỗng cát cao và dài, chạy từ biển vào đến khu vực sân bay bây giờ. Người Pháp sau khi chiếm được nhượng địa Tourane, đã lợi dụng địa hình xây trên nỗng cát một cái lầu cao, bên trên đêm đêm có người lên đốt đèn, như một ngọn hải đăng định vị cho các tàu thuyền gần đó ra vào. Cư dân địa phương bắt đầu gọi đó là Lầu Đèn. Rồi hình thành ấp Lầu Đèn, có người còn gọi là Lầu Đèn xứ (thuộc xã Thạch Thang, Hòa Vang thời trước, nay là phường Xuân Hà, quận Thanh Khê).

Giữa cồn cát cách tháp Lầu Đèn chừng non cây số về hướng tây bắc có một bàu nước lớn tự nhiên. Dân chài từ thuyền lên đây lấy nước, bán cá và rồi dần hình thành cái chợ, gọi là chợ Lầu Đèn, giữ nguyên vị trí đến bây giờ. 

Anh Trần Văn Dũng, đang công tác tại phường Xuân Hà (Thanh Khê), nhớ lại: Đến mãi giữa thập niên 80 của thế kỷ trước, cái lầu đèn ấy vẫn còn, ở vị trí ngã ba đường Lê Quang Sung - Lê Độ bây giờ. Sau đó nó bị phá dỡ nhường chỗ xây kho lương thực. “Hồi nhỏ tôi với tụi nhóc trong xóm vẫn đi hái trái cây ma dương mọc hoang trên cát để ăn, nhiều bữa ngủ trưa luôn dưới chân lầu tháp này”, anh Dũng kể. Theo trí nhớ của anh, Lầu Đèn cao chừng 10 mét, đường kính đế 4 mét, xây bằng gạch thẻ loại lớn bọc kín bo tròn dần lên cao, mái hình chóp nón. Chân lầu có 2 cửa nhỏ để vào bên trong, có cầu thang bằng sắt chôn vào tường để leo lên. Tường gạch bên dưới xây dày tới nửa mét, càng lên cao càng mỏng dần. Khi ấy không nhớ bên trên có còn treo cây đèn hay không nữa.

*

Trở lại vụ coi tàu bay Pháp tại Lầu Đèn năm 1913. May mắn lục tìm được bài vè kể trên do nhà nghiên cứu xứ Quảng Nguyễn Sinh Duy (1936-2016) sưu tầm được. Theo ông Nguyễn Sinh Duy, thì năm đó, thực dân Pháp đưa sang xứ An Nam một chiếc tàu bay nhằm “phô diễn nền văn minh mẫu quốc” trước dân bản xứ. Và bãi Lầu Đèn được chọn làm nơi biểu diễn tàu bay. Để chuẩn bị cho sự kiện này, tòa đốc lý sức dân các xã nhượng địa thuộc thành phố Đà Nẵng, và tỉnh Quảng Nam tư về các phủ, huyện đóng góp tiền để “coi tàu bay” tại bãi cát chợ Lầu Đèn.

Tìm hiểu về sự kiện “tàu bay mẫu quốc” tại Việt Nam trên các tư liệu nước ngoài, thì được biết đó là chiếc máy bay hiệu Blériot XI. Đây là loại máy bay một người lái dài 7,62m, cao 2,69m, sải cánh 7,79m, nặng 230kg, vận tốc 75,6km/h, trần bay 1.000m.

Chủ nhân của chiếc máy bay này là Marc Pourpe, viên phi công trẻ vốn nổi tiếng về những chuyến bay mạo hiểm nhiều nơi trên thế giới. Tại Đông Dương, anh chàng từng chinh phục nhiều nơi, có lần gặp tai nạn suýt chết. Thế chiến thứ nhất lúc này đang rập rình, để thị uy xứ thuộc địa và đồng minh, Toàn quyền Pháp đã thuê Marc Pourpe bay biểu diễn trên kinh thành Huế. Ngày 9/8/1913, trước sự chứng kiến của triều đình và đông đảo người dân, Marc Pourpe điều khiển chiếc Blériot XI bay lượn hai vòng trước Kỳ đài. Sau đó, người Pháp điều Marc Pourpe vào Đà Nẵng tiếp tục bay biểu diễn.

Vậy là từ bãi cát chợ Lầu Đèn, lần đầu tiên chứng kiến cảnh máy bay trên bầu trời Đà Nẵng. Ngoài việc nộp tiền để “coi tàu bay”, dân địa phương còn phải đốt rơm hun khói để làm tín hiệu cho viên phi công đáp xuống. Như bài vè kể lại “Khắp nơi cổ động rần rần/Sức rơm un khói cực dân ba bốn ngày”.

Giờ kể lại chuyện này, ai cũng thấy “lạ”. Lịch sử đôi khi như món đồ cổ, hiếm hoi đắt đỏ hơn nhờ bởi sự quên lãng?

Tàu bay ở chợ Lầu Đèn ảnh 1 Máy bay của Pourper tại kinh thành Huế 8/1913 Ảnh: TL
Tàu bay ở chợ Lầu Đèn ảnh 2 Chợ Lầu Đèn bị phong tỏa trong thời điểm dịch COVID Ảnh: Trần Tuấn

Về số phận Marc Pourpe, chỉ hơn một năm sau, ngày 2/12/1914, viên phi công tài ba này tử nạn ở tuổi 27 trong trận chiến tại mặt trận Somme miền bắc nước Pháp, khi Thế chiến I mới khởi sự được 5 tháng. Tại Đà Nẵng, Marc Pourpe được người Pháp đặt tên đường (Rue Marc Pourpe, nay là đường Phan Châu Trinh). Tại Huế trước kia cũng có một con đường ngắn mang tên ông.  

Coi tàu bay tại Lầu Đèn
Đời xưa chí những đời nay/Đời này mới thấy tàu bay nửa lừng/Nguồn đào hải khẩu tứ tung/Từ Hàn chí Phố rùng rùng đi coi/ Quan gia chầu chực hẳn hòi/Sức bàn sức ghế lại đòi đến dân/Khắp nơi cổ động rần rần/Sức rơm un khói cực dân ba bốn ngày/Ai ai cũng ức tàu bay/Dân canh lính gác tự ngày chí đêm/Kẻ bán rượu, người bán nem/Kẻ lận bạc giác người đem bạc đồng/Đàn bà chí những đàn ông/Bà già con nít cũng bồng ra đi/Mười giờ tàu lại một khi/Cò đánh lính ví ra gì nữa đâu/Kẻ bán nước, người bán trầu/Một xu một bát nhào đầu vô mua/Người ta như rác họ đùa/Hai bên đàng cái không thua kiến bò/Ở gần trong bụng còn no/Ở xa bụng đói không lo mà về!/Ra về mệt mỏi tay chưn/Dẫu mà có đói cũng thấy cái đời văn minh/Rùng rùng máy nổ thất kinh/Chiếc tàu cất cánh thình lình bay lên/Bay lên trên mọi trên Lào/Nghe tiếng ào ào ở tại trên mây/Không ai mà giỏi như Tây!...
          (Vè dân gian Đà Nẵng, 1913)

MỚI - NÓNG