Tàu 67 rẽ sóng xuân

Ông Nguyễn Sáu trước con tàu đang hạ thủy. Ảnh: L.V.C
Ông Nguyễn Sáu trước con tàu đang hạ thủy. Ảnh: L.V.C
TP - Chiếc tàu cá vỏ gỗ được đóng từ gói tín dụng của Nghị định 67 hạ thủy vào chiều ngày 12/2 tại cửa biển Sa Huỳnh, tỉnh Quảng Ngãi. Con tàu này lập tức trở thành số 1 của làng chài và thỏa ước nguyện của lão ngư dân Nguyễn Sáu, “giờ tàu bự hơn thì đánh bắt khỏe, chạy tốc độ cao, hết bị tàu nước ngoài ép ngay trong vùng biển chủ quyền của mình”.

“Liên kết” Mỹ - Nhật

Còn nhớ ngày 27/6/2014, hai chiếc tàu Quảng Ngãi 98723 và 98219 của ngư dân Nguyễn Sáu từ Hoàng Sa cập bến. Trước đó, 2 con tàu này đã cùng đội tàu của Quảng Ngãi, Quảng Nam và Đà Nẵng tiến ra đánh bắt tại tọa độ Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 để tuyên truyền và đấu tranh bảo vệ chủ quyền. Ông Sáu nheo mắt nhìn 2 con tàu trở về và nói với con rể là thuyền trưởng Hà Hành: “Ở nhà ba theo dõi trên tivi thấy chênh lệch quá. Tàu mình nhỏ nên bị tàu Trung Quốc chèn ép, ức hiếp. Về đóng tàu to thôi”.'

Hai cha con trở về làng chài Sa Huỳnh, huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi). Ông Sáu ra bãi tàu đứng ngóng những con tàu vỏ gỗ đang đóng có chiều dài chỉ đến 18 mét và quyết định phải đóng tàu lớn nhất. Việc đóng tàu đang chuẩn bị thực hiện thì Chính phủ ban hành Nghị định 67 về hỗ trợ cho ngư dân. Ông Sáu mừng rỡ vỗ đùi, coi như tàu mình ra khơi lại gặp luồng gió đẩy. Vậy là thiết kế con tàu được nâng cấp ở các thông số tối ưu, tốt nhất, lớn nhất, mới nhất để xứng tầm là tàu 67 có sự hỗ trợ của nhà nước.

Hai cha con lo hoàn tất các thủ tục để được tiếp cận sớm nhất gói tín dụng ưu đãi theo Nghị định 67. Thuận lợi ban đầu là việc đóng tàu đã lên kế hoạch, đồng thời có nguồn vốn đối ứng với ngân hàng. Ngân hàng giải ngân từng đợt, nhưng ông Sáu không trông chờ nhà nước mà vừa hoàn tất thủ tục, vừa tranh thủ triển khai nhanh, đóng nhanh để ăn tết xong là tàu có thể khởi hành.

Tiến độ thi công con tàu 67 này được bà con ngư dân làng chài háo hức dõi theo từng ngày. Ngư dân mê nhất là máy của tàu. Con tàu được ông Sáu lắp luôn 2 máy thủy xịn. Máy chính là Caterpillar của Mỹ, hàng nhập khẩu, công suất 405 mã lực, giá thành 1,6 tỷ đồng. Máy phụ là loại 8 Hino, hiệu Yanmar của Nhật, có công suất 360 mã lực, trị giá 450 triệu đồng. Tàu được lắp 2 chân vịt, ước tính vận tốc khoảng 12 hải lý/giờ.   

Chui xuống hầm tàu, ông Sáu choàng tay qua chiếc máy tàu của Mỹ có nước sơn vàng bóng. Ông cười sung sướng: “Anh Sáu chơi máy Mỹ, máy Nhật, tàu ra Hoàng Sa tha hồ mà đua”. Ông Sáu nhắc lại chuyện “đua”, vì khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan, ông đã đưa cả 2 tàu cá ra Hoàng Sa tham gia đấu tranh và bị 3 tàu Trung Quốc vây, ép. Con tàu gỗ nhỏ bé bị kẹp chặt, có lúc sắp chìm vì 2 tàu Trung Quốc từ 2 phía dập vào chiếc tàu gỗ tội nghiệp. Khi tàu trở về, ông Sáu phải kéo tàu lên bãi đá để đóng sửa lại, tốn chi phí vỏ tàu hơn 200 triệu đồng.

Giữ chức đến 67

Tàu 67 rẽ sóng xuân ảnh 1 Ngư dân Hà Hành làm thuyền trưởng tàu 67
Theo quy định của Nghị định 67 thì thuyền trưởng có năng lực đánh bắt sẽ được tiếp cận gói tín dụng ưu đãi. Ông Sáu chứng minh năng lực đánh bắt của mình bằng những câu chuyện mà nhiều ngư dân ở làng chài đều biết. Ông Nguyễn Sáu sinh năm 1950, là một trong những ngư dân kỳ cựu tại cửa biển Sa Huỳnh. Nhiều năm trước, ông nắm lái đưa con tàu nhỏ xíu ra tận vùng biển quốc tế để đánh bắt, dù tàu chỉ có công suất 15 mã lực. Ông Sáu kể: “Chú cứ nhắm mặt trời mà đi, gió bão tới sát lưng thì mới bỏ chạy. Chú ham nghề biển nên bây giờ vẫn quyết tâm theo cho được con tàu, hằng ngày điện đàm chỉ đạo anh em đánh bắt, tới 67 tuổi chưa chắc về vườn”.

Đến khi có trong tay 2 chiếc tàu làm nghề lưới rút vây, ông Sáu có thêm trợ thủ đắc lực là thuyền trưởng Hà Hành, con rể. Nổi tiếng nhất là phiên biển đầu năm 2014, hai chiếc tàu ra vùng biển Trường Sa và quây trúng luồng cá. Cá ngừ đen đặc quần đảo trên mặt nước. Các ngư dân ước tính luồng cá này phải lên đến 150 tấn cá ngừ, trong khi sức chở của mỗi tàu chỉ được 15-17 tấn. Suốt gần 10 ngày đêm, 2 chiếc tàu thay phiên nhau, một chiếc chở cá vào cửa biển Nha Trang, một chiếc ở lại canh giữ luồng cá. Chở đến 4 chuyến vẫn không hết cá. Phiên biển đó, 2 tàu thu về hơn 60 tấn cá, mỗi ngư dân đi bạn được chia phần 20 triệu đồng. 

Đánh bắt giỏi, ông Sáu còn là người cầm cương, lèo lái rất tốt đội ngư dân 24 người, truyền cho ngư dân lòng yêu biển đảo quê hương. Khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, ông Sáu thể hiện ngay tài năng của một lão ngư lên giây cót tinh thần cho anh em: “Mình ra đấu tranh tới cùng là nó phải rút. Anh em cứ đi theo đoàn Quảng Ngãi, không sao hết, Đà Nẵng, Quảng Nam ra đó đấu tranh giữ biển thì mình đi. Phải giữ biển cho đời con cháu mình còn biển mà làm”. Vậy là 2 con tàu chở các ngư dân tiến thẳng ra Hoàng Sa góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Mô hình tàu 67 là nhà   

Tàu 67 rẽ sóng xuân ảnh 2 Tàu chạy bằng 2 máy xịn của Mỹ và Nhật
Con tàu 67 hạ thủy, những người thợ đóng tàu vẫn nấn ná không muốn rời chiếc tàu mà mình đã đóng từ ngày 20/11/2014. Vì con tàu 67 này có rất nhiều điểm mới mà tàu ngư dân trước đây không có. Thân tàu dài hơn 22 mét, rộng 6,8 mét và cao 3,5 mét (các tàu khác chỉ dài khoảng 17-18 mét). Thân tàu được phủ 4 lớp nhựa composite. Tàu được đóng rộng rãi nên trong ca bin bố trí được 7 chiếc giường cá nhân, một giường tập thể. Mỗi giường đều có ngăn tủ cá nhân cho ngư dân. Còn trước đây, ngư dân đều ngủ chung một dãy trên sàn ca bin. 

Phía sau tàu được thiết kế nơi nấu ăn và nhà vệ sinh. Hiện nay, năm nào cũng xảy ra việc ngư dân đi vệ sinh phía đuôi tàu và rơi xuống nước chết nhưng trên tàu không ai hay biết, nhất là thời điểm sóng to gió lớn và đêm tối. Vì vậy, tàu gỗ nhưng thiết kế đủ nhà vệ sinh, là một sự thay đổi rất lớn, giúp cho ngư dân đi biển được an toàn.

Ông Sáu cho biết, tổng chi phí cho tàu hiện nay là 6,3 tỷ đồng (vỏ tàu, máy tàu là 5 tỷ, lưới 1,3 tỷ). Trong đó chủ tàu được vay ưu đãi là 4,4 tỷ; Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giải ngân gói tín dụng cho chủ tàu là hơn 3,1 tỷ, còn 1,2 tỷ đồng.

Hầm tàu có thể chở được gần 2.000 cây đá, 100 tấn cá. Để đánh bắt thành công và hoàn vốn vay cho nhà nước, ông Sáu đã vạch “chiến lược” cho con tàu 67. Đó là tàu mẹ ra Hoàng Sa, Trường Sa đánh bắt, tàu con đi kèm gần tọa độ làm tàu hậu cần.

Việc đóng tàu đang chuẩn bị thực hiện thì Chính phủ ban hành Nghị định 67 về hỗ trợ cho ngư dân. Ông Sáu mừng rỡ vỗ đùi, coi như tàu mình ra khơi lại gặp luồng gió đẩy.

Suốt gần 1 tháng trụ bám, đương đầu với những con tàu sắt của Trung Quốc, nhiều lần đôi tàu cá của ông Sáu bị những tàu Trung Quốc số hiệu 16852, 16851, 11209, 11260, 16826 chèn ép. Ngày 6/6/2014 là ngày dữ dội nhất khi con tàu của ông Sáu bị đâm va từ 2 phía. Sau chuyến đi đó, ông Sáu và người con rể là thuyền trưởng Hà Hành rút ra một điều: “Về nhà phải đóng tàu lớn thôi”.

MỚI - NÓNG