Tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát

Công nghiệp tiếp tục vai trò đầu tàu của nền kinh tế
Công nghiệp tiếp tục vai trò đầu tàu của nền kinh tế
TP - Ngày 29- 12, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 12 nhằm đánh giá toàn diện tình hình kinh tế- xã hội năm 2010, kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành chung của Chính phủ, từ đó xác định những nhiệm vụ trong năm 2011.
Công nghiệp tiếp tục vai trò đầu tàu của nền kinh tế
Công nghiệp tiếp tục vai trò đầu tàu của nền kinh tế.

Theo đó, Việt Nam đã sớm ra khỏi tình trạng suy giảm, từng bước phục hồi và tăng trưởng khá nhanh, nhất là về cuối năm. Cụ thể, GDP quý I tăng 5,84%, quý II 6,44%, quý III 7,18% và quý IV ước tăng 7,34%. Tính chung cả năm, GDP cả nước đạt 6,78%, cao hơn chỉ tiêu Quốc hội đề ra (6,5%), trong đó, tất cả các ngành, lĩnh vực đều đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn so với năm trước.

Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2010 đạt 71,6 tỷ USD, tăng 25,5% so với năm 2009, vượt xa kế hoạch của Quốc hội đề ra là 60 tỷ USD (tăng trên 6%) cũng như mức đỉnh 62,7 tỷ USD năm 2008. Nhập siêu hàng hóa khoảng 12,4 tỷ USD, bằng 17,3% kim ngạch xuất khẩu, thấp hơn mức 20% của kế hoạch và thấp hơn nhiều so với mức 22,5% của năm trước. Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 18,6 tỷ USD, giảm so với cùng kỳ 2009 nhưng có nhiều điểm đáng lưu ý là vốn giải ngân thực tế đạt 11 tỷ USD, tăng 10% so với năm trước.

Sản xuất công nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò trụ cột khi duy trì mức tăng trưởng cao trong nhiều tháng liên tiếp. Riêng tháng 12 đạt tốc độ ngang với mức trước khủng khoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới (16,2%). Ước chung cả năm, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 14% và vượt kế hoạch năm (12%)…

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, các thành viên Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá những yếu tố không thuận lợi, những khó khăn, thách thức và cả những tồn tại, bất cập cần khắc phục trong điều hành phát triển kinh tế- xã hội.

Giá cả hàng hóa trên thị trường thế giới tăng mạnh, tạo áp lực lên giá cả hàng tiêu dùng, lương thực, thực phẩm trong nước, nhất là dịp Tết Nguyên đán, gây khó khăn cho việc kiềm chế lạm phát, khiến chỉ số giá cả 2010 tăng khá cao. Lãi suất của các ngân hàng còn ở mức khá cao ảnh hưởng đến việc huy động nguồn vốn vay của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.

Năm 2011, dự báo tình hình kinh tế thế giới sẽ tiếp tục phục hồi ở phần lớn các nước nhờ sự cải thiện các lĩnh vực đầu tư, việc làm và sức mua nhưng vẫn tiềm ẩn những bất ổn với những mâu thuẫn ngày càng phức tạp. Với tình hình đó, kinh tế - xã hội Việt Nam sẽ có những thuận lợi và thách thức đan xen. Năm 2011, Việt Nam có triển vọng đạt mức tăng trưởng 7- 7,5%. Đây sẽ là bước chạy đà quan trọng để thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển giai đoạn 5 năm cũng như chiến lược phát triển 10 năm tới.

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ ra những vấn đề được coi là động lực, nguyên nhân của những thành tựu “vượt khó khăn, hoàn thành hầu hết các chỉ tiêu kinh tế - xã hội cơ bản”, cũng như các vấn đề còn bất cập trong điều hành, quản lý.

Thủ tướng yêu cầu Chính phủ nghiêm túc kiểm điểm các chỉ tiêu còn chưa đạt, như môi trường, hiệu quả một số lĩnh vực, giá cả, lạm phát,… trong bài toán ổn định kinh tế vĩ mô. “Đây chính là nhiệm vụ chúng ta phải tập trung, quyết liệt, sát sao hơn trong chỉ đạo, điều hành. Mà trọng tâm là nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, trong đó hết sức chú ý các chính sách tiền tệ, chính sách tài chính”- Thủ tướng nói.

Bước sang năm 2011, Thủ tướng yêu cầu tập trung nâng cao năng lực dự báo tình hình, từ đó xác định đúng nhiệm vụ trọng tâm trong từng lĩnh vực, thời điểm của Chính phủ nói chung và từng ngành, địa phương nói riêng. Phải phát hiện nhanh nhạy các vấn đề mới phát sinh để chủ động xử lý, hạn chế tối đa những trường hợp như giá vàng, USD thời gian qua. Chủ động thông tin, tuyên truyền, tạo kênh thông tin thường xuyên để các bộ trưởng đối thoại với người dân và doanh nghiệp.

Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành quan tâm hơn công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, nhất là 3 lĩnh vực quản lý còn yếu là đất đai, khoáng sản, đầu tư xây dựng và doanh nghiệp nhà nước, tăng cường hợp tác, phối hợp trong xây dựng chính sách, điều hành các vấn đề kinh tế quan trọng.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Phát triển nghề đông y trên phố Lãn Ông gắn với du lịch Hà Nội
Phát triển nghề đông y trên phố Lãn Ông gắn với du lịch Hà Nội
TPO - Ngày 20-4, tại Trung tâm Giao lưu Văn hoá Phố cổ Hà Nội số 50 Đào Duy Từ, Hoàn Kiếm đã diễn ra buổi toạ đàm “Nghề Đông y Hoàn Kiếm gắn với sự phát triển phố nghề Lãn Ông”. Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động văn hóa “Giữ nghề xưa trên phố”, nhằm tôn vinh nghề đông y cổ truyền và Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.