Tập trung nguồn lực bảo tồn, tôn tạo các công trình kiến trúc Pháp ở quận Hoàn Kiếm

0:00 / 0:00
0:00
TP - Thành phố Hà Nội là một di sản đô thị, với khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long, khu Phố cổ, khu phố cũ (còn gọi là khu phố Pháp), khu vực ngoài đê sông Hồng. Khu phố cũ có một vị trí chiến lược trong thành phố Hà Nội bởi đó là không gian kết nối giữa nhiều khu khác nhau với những nét đặc trưng riêng.

Phát huy giá trị di sản của không gian phố cũ

Cấu trúc ô phố bàn cờ rộng, mật độ không gian xanh cao, những con đường rợp bóng cây, những ngôi biệt thự xinh xắn đã tạo nên nét rất riêng cho khu phố cũ ở Hà Nội. Các nhà quy hoạch người Pháp thời kỳ đầu thế kỷ XX đã khéo léo kết hợp kiến trúc phương Tây với những điều kiện khí hậu bản địa để tạo nên một không gian đô thị độc đáo, từ đó tạo cho Hà Nội một bản sắc duy nhất mà không đô thị nào khác ở khu vực Đông Nam Á có được.

Tập trung nguồn lực bảo tồn, tôn tạo các công trình kiến trúc Pháp ở quận Hoàn Kiếm ảnh 1

Sau tôn tạo, trùng tu, công trình trụ sở Công an quận Hoàn Kiếm nằm trên ngã 4 Lê Thái Tổ - Bà Triệu - Hàng Khay - Tràng Thi vẫn giữ được phong cách kiến trúc xây dựng từ cuối thế kỷ 19. Ảnh: Duy Phạm

Tuy nhiên, diện mạo khu phố cũ đang chịu tác động bởi thời gian, khí hậu, thời tiết, do quá trình đô thị hóa, sự phát triển kinh tế, gia tăng dân số... khiến nhiều công trình bị xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều công trình có nguy cơ sụp đổ, gây nguy hiểm cho người sử dụng. Trước tình trạng trên, Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội rất quan tâm đến việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản của không gian phố cũ này bằng những chương trình, đồ án cụ thể như: Chương trình số 03-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025”, Đồ án Quy hoạch phân khu H1-1C (Khu phố cũ) tỷ lệ 1/2000 được ban hành kèm theo Quyết định số 1357/QĐ-UBND ngày 19/3/2021 của UBND thành phố Hà Nội, Quyết định số 1845/QĐ-UBND ngày 02/6/2022 của UBND thành phố Hà Nội về việc ban hành danh mục nhà biệt thự cũ được xây dựng từ trước năm 1954 trên địa bàn thành phố Hà Nội...

Là địa bàn sở hữu nhiều công trình kiến trúc Pháp đặc trưng, Quận Hoàn Kiếm xác định gìn giữ và phát huy các di sản là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Quận đã ban hành các Chương trình số 03-CTr/QU ngày 06/8/2021 của Quận ủy Hoàn Kiếm về “Tạo sự chuyển biến mạnh và bền vững về quản lý đô thị; bảo tồn, phát huy các giá trị di sản đô thị quận Hoàn Kiếm hiện đại, văn minh, tiến tới đô thị thông minh”; Chương trình số 04-CTr/QU ngày 06/8/2021 của Quận ủy về “Cải tạo, chỉnh trang và phát triển đô thị quận Hoàn Kiếm”... Để cụ thể hóa các nội dung trên, UBND quận Hoàn Kiếm đã xây dựng kế hoạch và giao Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tiến hành trùng tu, tôn tạo một số công trình mang giá trị kiến trúc Pháp. Mục tiêu của quận Hoàn Kiếm là cố gắng gìn giữ những di sản quý báu ấy - dấu ấn của lịch sử phát triển đô thị Thủ đô, cải tạo bộ mặt đô thị, đảm bảo an toàn cho người sử dụng, mang lại điều kiện sinh hoạt tốt hơn cho cộng đồng và góp phần phát triển kinh tế, du lịch chung của Thành phố. Nguyên tắc thực hiện trùng tu các di sản này là giữ tối đa yếu tố gốc, khôi phục những yếu tố có giá trị đã bị thay đổi, biến mất trên cơ sở khoa học.

Trùng tu giữ gìn nét đặc trưng riêng cho Thủ đô

Tập trung nguồn lực bảo tồn, tôn tạo các công trình kiến trúc Pháp ở quận Hoàn Kiếm ảnh 2

Dự án trùng tu biệt thự số 49 phố Trần Hưng Đạo - 46 phố Hàng Bài đang bước vào những công đoạn hoàn thiện cuối cùng - Ảnh: Duy Phạm

Cụ thể, dự án trùng tu biệt thự mẫu tại số 49 phố Trần Hưng Đạo - 46 phố Hàng Bài được nghiên cứu từ năm 2016, trong khuôn khổ hợp tác giữa Thành phố Hà Nội và vùng Ile-de-France, quận Hoàn Kiếm và Cơ quan hợp tác quốc tế vùng Ile-de-France (PRX). Sau nhiều nỗ lực của chính quyền các cấp, tháng 4/2022, UBND quận Hoàn Kiếm đã khởi công dự án và dự kiến hoàn thành vào Quý I/2023. Vùng Ile-de-France hỗ trợ kỹ thuật, giám sát thực hiện dự án, quận Hoàn Kiếm đầu tư kinh phí bảo tồn, cải tạo. Đây là một biệt thự mang kiến trúc công trình kiến trúc Pháp đầu thế kỷ 20. Diện tích khuôn viên biệt thự rộng khoảng 1000m2, diện tích xây dựng 145m2 với 2 tầng và 1 đế chống ẩm. Việc hoàn thành bảo tồn, cải tạo, chống xuống cấp công trình sẽ đánh dấu quá trình hợp tác hiệu quả giữa thành phố Hà Nội và vùng Ile-de-France, có ý nghĩa quan trọng trong dịp kỷ niệm 50 năm hợp tác giữa Việt Nam và Pháp. Sau khi hoàn thành, quận Hoàn Kiếm sẽ phát huy giá trị công trình trở thành Trung tâm giao lưu văn hóa khu phố cũ của Hà Nội. Đây là một địa điểm thuận lợi để giới thiệu về lịch sử hình thành và phát triển của khu phố cũ; là nơi gặp gỡ, trao đổi, kết nối giữa các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu và người dân trong việc tìm hiểu, nghiên cứu, tham quan về các giá trị di sản văn hóa - lịch sử - kiến trúc của khu phố cũ Hà Nội. Bên cạnh đó, thông qua dự án này sẽ giới thiệu những kỹ thuật cơ bản cho việc bảo tồn, trùng tu một công trình kiến trúc Pháp, qua đó nâng cao ý thức của cộng đồng về bảo tồn di sản.

Tập trung nguồn lực bảo tồn, tôn tạo các công trình kiến trúc Pháp ở quận Hoàn Kiếm ảnh 3

Mặt trước phố Tràng Tiền đem lại diện mạo mới cho khu phố cũ sau khi được cải tạo. Ảnh: Duy Phạm

Đồng thời, trong thời gian từ năm 2019 đến nay, quận Hoàn Kiếm đã và đang tập trung nguồn lực, nguồn kinh phí để trùng tu, tôn tạo các công trình kiến trúc Pháp như trụ sở Công an quận Hoàn Kiếm số 2 phố Tràng Thi, trụ sở Công an phường Cửa Đông số 18 phố Nguyễn Quang Bích, trường Mầm non 1-6 số 23 Nguyễn Quang Bích... Các công trình này đều mang nét đặc trưng kiến trúc Pháp là được sơn bằng vôi màu vàng nhạt với cửa gỗ màu xanh với lối kiến trúc khá cầu kì, mang tính mỹ thuật cao, có đỉnh mái vươn cao hoặc nhô lên vừa phải và có hoa văn viền quanh, lan can được trang trí khá đơn giản kiểu con tiện và được đắp các hình nổi phía trên bằng vữa hoặc xi măng tạo thành những hình nổi tạo hiệu quả thẩm mỹ cao.

Công trình Trụ sở công an quận Hoàn Kiếm nằm trên ngã 4 Lê Thái Tổ - Bà Triệu - Hàng Khay - Tràng Thi với diện tích khuôn viên rộng khoảng hơn 2.359,1m2 được xây dựng từ cuối thế kỷ 19 theo phong cách kiến trúc thịnh hành của Pháp những năm thuộc địa ở Đông Dương. Điều dễ nhận biết là các công trình kiến trúc quan trọng đều được bố trí ở chính đầu các trục chính, tạo thành các điểm nhấn quan trọng trong tổng thể không gian của đường phố. Công trình Trụ sở công an phường Cửa Đông số 18 phố Nguyễn Quang Bích được xây dựng từ cuối thế kỷ 19 theo phong cách kiến trúc thịnh hành của Pháp những năm thuộc địa ở Đông Dương. Gần đó, công trình trường Mầm non 1-6 và khối nhà dân diện tích khoảng trên 500m2 cũng được quận đã khảo sát, lập phương án và bảo tồn, tôn tạo trên cơ sở nguyên trạng. Các dự án hoàn thành đã đem lại diện mạo mới cho những công trình mang dấu ấn kiến trúc của một thời, qua đó để giới thiệu, quảng bá giá trị di sản của Hà Nội đến cộng đồng nhân dân.

Cùng với đó, quận Hoàn Kiếm đang tiến hành cải tạo kiến trúc, cảnh quan mặt trước phố Tràng Tiền, tuyến phố có vị trí chiến lược, nối giữa khu Nhượng địa phía Bắc và khu Thành Hà Nội phía Nam. Ngay từ khi xây dựng khu phố năm 1883, bên cạnh vai trò quan trọng là phố kết nối giữa hai khu vực, phố Tràng Tiền còn có vai trò kinh tế rất quan trọng. Tất cả các tòa nhà thương mại và dịch vụ đầu tiên được hình thành tại đây. Trải qua thời gian hàng trăm năm, phố Tràng Tiền vẫn luôn là khu phố có giá trị kinh tế, mang nhiều ý nghĩa về lịch sử, văn hóa. Hiện quận Hoàn Kiếm đã khảo sát, đánh giá tổng thể tuyến phố, phân loại các phong cách kiến trúc và đưa ra những giải pháp cụ thể cho tuyến phố. Dự án bước đầu mới triển khai từ sự tham gia của các cơ quan, đơn vị và người dân trên tuyến phố nhưng đã thấy những kết quả khả quan như công trình số 30 Tràng Tiền, 56 Tràng Tiền, 51 -53 Tràng Tiền... đang có diện mạo mới.

Các dự án đã bước đầu đem lại diện mạo mới cho khu phố cũ, cải thiện điều kiện làm việc, kinh doanh tốt hơn. Quận Hoàn Kiếm mong muốn thông qua các dự án sẽ dần dần thay đổi nhận thức của cộng đồng, kêu gọi sự tham gia của các cá nhân, tổ chức vào việc gìn giữ giá trị di sản, tạo điểm đến mới cho người dân và du khách khi tới thăm quận Hoàn Kiếm, thăm Thủ đô Hà Nội.

MỚI - NÓNG
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến (bên phải) trao Quyết định cho bà Nguyễn Vũ Bích HIền.
Thành ủy Hà Nội trao quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quyết định chuẩn y bà Nguyễn Vũ Bích Hiền (SN 1975), Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, tham gia Ban Thường vụ, giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng uỷ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, nhiệm kỳ 2020 - 2025.