Tập trung cải cách hành chính, chống sách nhiễu doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với đại diện các doanh nghiệp tại hội nghị. Ảnh: Nhật Minh
Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với đại diện các doanh nghiệp tại hội nghị. Ảnh: Nhật Minh
TP - Chủ trì Hội nghị trực tuyến với cộng đồng doanh nghiệp trong sáng 26/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, nếu chỉ tập trung chống dịch thì sẽ hết nguồn lực, còn chỉ lo kinh tế sẽ không bảo vệ được sức khỏe của nhân dân. Do đó, chủ trương của Chính phủ là chuyển trạng thái từ “không COVID” sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19.

Sớm phục hồi, phát triển sản xuất

Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, do ảnh hưởng của đại dịch, mỗi tháng qua đi là cả chục ngàn doanh nghiệp phải đóng cửa, rời khỏi thị trường, chuỗi sản xuất bị đứt gãy. Tại các tỉnh thành phía Nam chỉ còn khoảng 30% doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến và xuất khẩu thủy sản hoạt động; trên 50% doanh nghiệp ngành Gỗ ở vực Đông Nam bộ dừng sản xuất và đang đối diện nguy cơ phá sản. Từ thực trạng trên, Chủ tịch VCCI kiến nghị, thay vì dồn toàn lực tập trung cho mặt trận phòng, chống dịch, từ nay sẽ tập trung cho cả mặt trận duy trì, phát triển kinh tế. “Thời chiến tranh, dù bom đạn ác liệt chúng ta cũng không ngừng sản xuất, thì nay dù COVID thế nào, cũng phải tìm cách để duy trì sản xuất an toàn”, ông Công nói và phản ánh: “Nếu giãn cách xã hội mãi, các doanh nghiệp sẽ sụp đổ”.

Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam Vũ Tiến Lộc cho biết, sức chịu của doanh nghiệp và nền kinh tế hiện nay đã đạt giới hạn. Trong khi đó, các biện pháp giãn cách xã hội tại địa phương đang khiến doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp rất nhiều khó khăn.

Tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp kiến nghị các địa phương bãi bỏ ngay các quy định riêng của địa phương về hạn chế, kiểm tra, kiểm soát vận tải hàng hóa giữa các vùng, chỉ kiểm tra tại các điểm giao nhận hàng hóa; không phân biệt hàng hóa thiết yếu; lái xe chỉ cần xét nghiệm âm tính, tuân thủ 5K và các biện pháp an toàn khác…

“Chúng tôi mong muốn hủy bỏ giấy đi đường để giảm gánh nặng cho doanh nghiệp, có thể thay vào đó là chứng nhận đã tiêm chủng”, ông Tetsu Funayama, đại diện cho Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) kiến nghị.

Giảm giá điện, không thêm “giấy phép con”

Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, chương trình phục hồi kinh tế sẽ được trình Chính phủ vào tháng tới. Bộ này đang gấp rút hoàn thiện chương trình phục hồi kinh tế bền vững tới năm 2023, trong đó có các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi. Ông Dũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế tiếp thu kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp, sớm ban hành hướng dẫn lộ trình trở lại trạng thái bình thường mới, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp có thể sản xuất kinh doanh sớm nhất. Chính phủ chỉ đạo đánh giá và xem xét phương án giảm chi phí các dịch vụ thiết yếu như điện, xăng với mức 10-30%.

Thống nhất kiến nghị của các hiệp hội, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, sẽ tiếp tục nghiên cứu giảm giá điện để hỗ trợ doanh nghiệp. Về tình hình chung, ông Diên cho rằng, kinh tế thế giới đang trên đà hồi phục, nếu không giữ vững thị trường lúc này thì sẽ mất rất nhiều cơ hội khác và sẽ bị tụt lại phía sau. Vì thế, cộng đồng doanh nghiệp hãy đồng hành cùng nhà nước, các cơ quan chức năng trong việc thực hiện “mục tiêu kép”. Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đề nghị các địa phương cân nhắc và xem xét cẩn thận trước khi ban hành các quy định, không tạo thêm giấy phép con cho doanh nghiệp. Đặc biệt, ông Thể lưu ý các địa phương trong việc kiểm tra việc thực hiện đối với các chốt cấp huyện, cấp xã, không để ùn tắc, gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong vận chuyển hàng hóa.

Thủ tướng nhấn mạnh, chủ trương của Chính phủ là chuyển trạng thái từ “không COVID” sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19”. Thủ tướng yêu cầu các địa phương, bộ, ngành khẩn trương xây dựng kịch bản có sự tham gia ý kiến của doanh nghiệp. Đặc biệt, tập trung cải cách hành chính, chống gây phiền hà, sách nhiễu cho doanh nghiệp. Thủ tướng khẳng định, Chính phủ sẽ đẩy mạnh phân cấp, phân quyền tối đa để chính quyền gần dân, gần doanh nghiệp hơn, để doanh nghiệp đến với chính quyền nhanh hơn. Cùng với đó đẩy mạnh hợp tác công-tư để các doanh nghiệp, doanh nhân nghiên cứu tham gia sâu hơn, nhất là trong đầu tư phát triển hạ tầng chiến lược, năng lượng tái tạo, nâng cao năng lực y tế... Tinh thần là những gì người dân làm được, doanh nghiệp làm được và làm tốt hơn, thì người dân, doanh nghiệp thực hiện, Nhà nước chỉ làm những gì cần kiểm soát về mặt an ninh, quốc phòng và các cân đối lớn, vĩ mô...

MỚI - NÓNG