Mẹ đẻ của Vân vẫn canh cánh nỗi lo con gái cư xử không khéo léo nên khuyên con “về bên ấy phải thật chăm chỉ vào”, hay “đừng có mua quà về cho bố mẹ phải tiết kiệm tiền”. Những lời dặn của mẹ lúc nào cũng khiến Vân rơi nước mắt: “Nhớ chú ý tới bố mẹ chồng, phải đối tốt thương yêu mẹ chồng thậm chí hơn cả mẹ đẻ”.
Bà cũng không quên dặn con gái mua quà thể hiện thành ý và tấm lòng với mẹ chồng. Chẳng thế mà dì của Vân cũng tranh thủ làm quân sư: “Mẹ đẻ là mẹ đẻ, mẹ đẻ không cần nịnh nhưng mẹ chồng cứ thật nịnh vào. Mẹ chồng nào chẳng ưa nịnh, ưa quà”. Lại được đồng nghiệp tư vấn bà nào cũng thích quà dù “lúc đầu đủng đỉnh lắm, nhưng sau đem đi khoe khắp nơi”.
Thật không may bà mẹ chồng của Vân lại thuộc típ người tiết kiệm. Bị móc ví mất gần một triệu bà kêu khóc như mất cả trăm triệu. Thấy con dâu mua chiếc túi hơn 2 triệu đồng, bà không những không vui lại mắng té tát. “Lần sau con muốn khuân cái gì về cái nhà này phải hỏi mẹ. Muốn tặng quà thì đưa tiền để mẹ mua thứ gì ngon ngon về cả nhà cũng ăn”. Xét cho cùng bà mẹ chồng của Vân cũng đại diện cho một típ mẹ chồng đơn giản nên không phải lúc nào mua chuộc bằng vật chất cũng thành công.
Nhiều cô con dâu có kinh nghiệm xương máu mách nước, lần sau muốn tặng quà cứ xé giá, cắt mác thì kiểu gì mẹ chẳng phải dùng và không có cửa đem đi trả lại. Chuyện tặng quà mẹ chồng nhiều khi cũng hài hước. Có cô con dâu còn kể mua sữa biếu mẹ tẩm bổ cố tình lấy dao "băm" vỏ hộp cho sứt sẹo, thế mà mẹ chồng vẫn mang đi bán lại với giá rẻ hơn chút đỉnh vì không dám uống.
Định kiến mẹ chồng-nàng dâu ăn sâu vào suy nghĩ người Á đông bao đời nay kiểu “Mẹ chồng-nàng dâu/Chủ nhà-người ở/Thương nhau bao giờ?”, hoặc “Chẳng có bà mẹ chồng nào coi con dâu như con đẻ” và cũng “chẳng có cô con dâu nào được lòng mẹ chồng”.