Tạo niềm tin, xây dựng ý thức trách nhiệm cho thanh niên

TP - Trong dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIII, Đảng nhận định, những năm tới, tình hình thế giới sẽ tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp, khó lường. Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song đang đứng trước nhiều trở ngại, khó khăn.

Ở trong nước, sau 35 năm đổi mới, thế và lực, sức mạnh tổng hợp quốc gia, uy tín quốc tế của đất nước ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, bốn nguy cơ mà Đảng ta đã chỉ ra vẫn còn tồn tại, có mặt còn gay gắt hơn. Tham nhũng, lãng phí, quan liêu, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ cũng như những mâu thuẫn xã hội còn diễn biến phức tạp. Những yếu tố đó tác động mạnh mẽ đến thanh thiếu niên và đặt ra yêu cầu cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ.

Dự thảo Văn kiện cũng xác định, để xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, cần tăng cường giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội cho thanh niên. Thực hiện những giải pháp đột phá nhằm ngăn chặn có hiệu quả sự xuống cấp về đạo đức, lối sống, đẩy lùi tiêu cực xã hội và các tệ nạn xã hội.

Để làm được điều này, theo tôi, Văn kiện cần xác định các cấp lãnh đạo Đảng và Nhà nước cần quan tâm, thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:

Thứ nhất, tiếp tục dành sự quan tâm đến việc lãnh đạo hệ thống chính trị thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 42-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015 - 2030”. Thường xuyên nắm bắt tâm tư, tình cảm, định hướng tư tưởng, giải quyết nhu cầu, nguyện vọng chính đáng và chăm lo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của thế hệ trẻ, tạo niềm tin, động viên, cổ vũ, xây dựng ý thức trách nhiệm cho thanh niên đối với các vấn đề chính trị, xã hội. Đồng thời, kịp thời đấu tranh, phê phán, uốn nắn nhận thức lệch lạc, biểu hiện sai trái và tình trạng “nhạt Đảng, khô Đoàn, xa rời chính trị” trong thanh niên.

Thứ hai, cần dành sự quan tâm đặc biệt đến đời sống vật chất và tinh thần của thanh thiếu nhi, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, miền núi; quy hoạch, đầu tư các thiết chế văn hóa, nơi vui chơi, giải trí cho thanh thiếu nhi. Quan tâm đầu tư hoàn thiện cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị học tập. Tập trung giải quyết các vấn đề bức xúc trong xã hội; tăng cường công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội.

Thứ ba, thường xuyên nắm bắt tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của thanh niên; gặp gỡ, đối thoại với thanh niên; quan tâm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của thanh thiếu nhi trong học tập, lập thân, lập nghiệp.

Thứ tư, quan tâm đặc biệt tới tài năng trẻ, có chính sách bồi dưỡng, đào tạo các tài năng trẻ trở thành chuyên gia trên các lĩnh vực. Qua đó, tạo động lực cho thanh niên xung kích trong học tập, lao động sáng tạo, khởi nghiệp, làm chủ các kiến thức khoa học, công nghệ hiện đại, phát huy vai trò trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.