Hậu COVID-19: 'bóng ma' thất nghiệp hiện hình

Tăng vọt hồ sơ đăng ký hưởng trợ cấp

Mỗi ngày, hàng trăm lượt công nhân đến nộp hồ sơ thất nghiệp tại văn phòng Bảo hiểm thất nghiệp TPHCM ảnh: V.M
Mỗi ngày, hàng trăm lượt công nhân đến nộp hồ sơ thất nghiệp tại văn phòng Bảo hiểm thất nghiệp TPHCM ảnh: V.M
TP - Chỉ tính riêng trong hai tháng 5 - 6/2020, Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM (Sở LĐ-TB&XH TPHCM) tiếp nhận gần 50.000 hồ sơ đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp. Chưa bao giờ, số lượng người lao động mất việc làm tại TPHCM nhiều như lúc này.

Rớm nước mắt chờ trợ cấp

Trưa ngày 7/7, tại Chi nhánh Bảo hiểm thất nghiệp quận 4 (TPHCM), gần trăm công nhân, người lao động tay cầm hồ sơ xin trợ cấp mất việc ngồi la liệt dọc hai bên hành lang chờ gọi số.

Dõi theo bảng điện tử nhảy từng con số, chị Nguyễn Thị Ngọc Lai (39 tuổi), công nhân Công ty TNHH Pungkook Sài Gòn (Khu chế xuất Tân Thuận, Q.7, TPHCM) chuyên may ba-lô, túi xách, kể, chị làm việc ở nơi này đã hơn 6 năm, lương tầm 5 triệu đồng/tháng. Trong đó, hết nửa số tiền lương để dành trả tiền nhà trọ, học phí cho con. “Tôi đang một mình nuôi con nhỏ, cuộc sống tuy khó khăn nhưng ít nhất mình vẫn có việc làm. Đùng một cái, giữa tháng 5/2020, công ty thông báo giải thể, gần 1.000 công nhân mất việc. Tôi khủng hoảng vì không biết lấy gì nuôi con trong những ngày sắp tới” - chị Lai rớm nước mắt.

Trong khi chờ công ty chốt hồ sơ, chị Lai đi xin việc ở nhiều xưởng may tư nhân, hy vọng được đồng nào hay đồng đó. Đưa chúng tôi về căn phòng trọ nhỏ xíu ở tận huyện Nhà Bè, chị Lai bộc bạch: “Mỗi ngày tôi đi gần 20 cây số để đến công ty. Tuy nhà xa nhưng được giá rẻ, chỉ 1,5 triệu đồng/tháng bao luôn điện, nước. Những ngày thất nghiệp, tôi chỉ dám ăn mì gói để cầm cự qua ngày. Số tiền dành dụm phòng lúc ốm đau đã tiêu gần hết. Nếu cứ tình trạng này, không biết lấy đâu ra tiền cho con đi học năm tới”.

Ngồi ôm mớ hồ sơ thất nghiệp mà chưa biết khi nào mới được nhận tiền hỗ trợ, chị Nguyễn Thị Ly (40 tuổi, công nhân may) thở dài: “Khi công ty sa thải, tôi được hỗ trợ nửa tháng lương, tầm 3 triệu đồng. 15 năm làm công nhân, chưa bao giờ lo lắng như lúc này. Bao nhiêu khoản nợ trên vai, tôi đang vay công ty tài chính 50 triệu đồng, mỗi tháng trả cả gốc lẫn lãi tầm 3,5 triệu đồng. Bây giờ không còn lương, mỗi ngày trả chậm, tiền lãi tăng 150%. Lo lắm nhưng không biết xoay sở thế nào trong thời điểm khó khăn này”.

Lay lắt mưu sinh

Trong căn phòng trọ quây tôn, nóng hầm hập nằm sâu trong con hẻm nhỏ trên đường 47 (P.Bình Thuận, Q.7, TPHCM), là nơi ở của vợ chồng chị Lai và cũng là “xưởng may dã chiến” mùa dịch COVID-19 của chị. “Thất nghiệp kéo dài, hai vợ chồng gom hết tiền rồi vay mượn thêm để sắm chiếc máy may cũ mưu sinh. Tôi đến các cơ sở nhận hàng đồ thun về gia công, may một bộ được 10.000 đồng. Ngồi từ sáng đến nửa đêm, may được chục bộ nhận 100.000 đồng. Khi nào có hàng thì có tiền, hết hàng thì… đói” - chị Lai nói.

Trần Thị Thắm (20 tuổi), công nhân Công ty Giày da Huê Phong (Q.Gò Vấp, TPHCM) mất việc gần 2 tháng qua, kể, để chờ việc mới, cô xin chân chạy bàn, rửa chén ở quán nhậu. “Có hôm tôi đi làm tới tận 1h sáng mới về, người mệt rã rời nhưng không dám than thở với gia đình, sợ cha mẹ ở quê lo lắng. Tôi cũng không dám cho ba mẹ biết mình thất nghiệp, dù khó khăn đến đâu, mỗi tháng cũng phải có 2 triệu đồng gửi về quê phụ gia đình” - Thắm nói.

Từ ngày thất nghiệp, chị Lai chạy khắp nơi “rải” hồ sơ, nhưng ở cái tuổi 40 của chị, không dễ để có công việc phù hợp. Khuôn mặt buồn tênh, chị nói: “Người ta chỉ nhận thợ mới dưới 35 tuổi, mình quá lứa rồi, hồ sơ nộp vào đa số đều không có hồi âm…”.

Gần cuối giờ chiều ngày 7/7, tại văn phòng Bảo hiểm thất nghiệp TPHCM (Q.Bình Thạnh), lượng người ra vào nộp hồ sơ vẫn tấp nập. Giữ chặt số phiếu trên tay, anh Đỗ Văn Tĩnh (35 tuổi, tạp vụ một nhà hàng ở Q.1, TPHCM) cho biết đã chờ đợi từ sáng nhưng vẫn chưa đến lượt. “Dịch bệnh, nhà hàng đóng cửa, nhân viên nghỉ không lương. Đến khi mở lại nhưng không có khách, không đủ khả năng trả lương nhân công, ông chủ sa thải. Hai vợ chồng tôi làm chung nơi, giờ cùng thất nghiệp” - anh Tĩnh nói thêm. Sắp tới anh dự định về quê, không sống ở Sài Gòn do không có việc làm.

“Từ sau tháng 5/2020, số người nộp hồ sơ tăng cao. Dự kiến lượng lao động thất nghiệp sẽ còn tăng cao trong thời gian tới khi có thêm nhiều công ty tại TPHCM giải thể do không có đơn hàng”, ông Lê Minh Phụng, Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM

Ông Lê Minh Phụng, Trưởng phòng Bảo hiểm thất nghiệp Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM cho biết, trong tháng 5/2020, Trung tâm tiếp nhận 26.678 người lao động nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 31% so với cùng kỳ năm 2019; tháng 6/2020, có thêm 23.559 người nộp hồ sơ. Tổng 6 tháng đầu năm 2020 tiếp nhận hơn 94.000 người lao động nộp hồ sơ, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2019.

“Trung bình, các điểm tiếp nhận lên tới 2.000 hồ sơ/ngày. Mỗi nhân viên trung tâm phải xử lý khoảng 150-200 hồ sơ/ngày. Theo quy định, người lao động có thời gian nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp trong vòng 3 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.

Tăng vọt hồ sơ đăng ký hưởng trợ cấp ảnh 1 Thất nghiệp, chị Nguyễn Thị Ngọc Lai thường xuyên ăn mì gói thay cơm. Ảnh: V.M
MỚI - NÓNG