Chuẩn bị sớm để không lỡ nhịp
Chiều 11/9, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Cộng hòa Phần Lan, tại Thủ đô Helsinki, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các thành viên Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã dự Tọa đàm Doanh nghiệp Việt Nam – Phần Lan. Tham dự buổi Toạ đàm còn có Bộ trưởng phụ trách Ngoại thương và Hợp tác phát triển Phần LanVille Skinnari, một số quan chức Chính phủ Phần Lan và đông đảo doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực.
Bộ trưởng Ville Skinnari nhấn mạnh, Việt Nam không chỉ là đối tác ưu tiên mà còn là người bạn tốt của Phần Lan trong nửa thế kỷ qua. Quan hệ thương mại song phương thời gian qua đạt khoảng 5 tỷ Euro. “Nhờ có những dấu hiệu phát triển tích cực của khu vực tư nhân của hai nước, chúng ta đã có những cơ hội mới rất to lớn. Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU đã được phê chuẩn tạo ra cơ hội rất lớn về thương mại tự do giữa Việt Nam và Phần Lan”, ông nói.
Bộ trưởng Ville Skinnari cho rằng, đổi mới sáng tạo và tăng trưởng năng suất là những yếu tố chính để hai bên hợp tác, đóng góp cho nỗ lực xây dựng nền kinh tế tuần hoàn và phát triển giáo dục trong những thập kỷ tới đây của Việt Nam. Nhấn mạnh điều này, Bộ trưởng Ville Skinnari cũng cho biết, Phần Lan đã thông qua kế hoạch hỗ trợ các khoản vay ưu đãi cho dự án đầu tư vào Việt Nam hơn bất kỳ quốc gia nào.
“Đây là ưu tiên rất lớn của Phần Lan. Hy vọng, các doanh nghiệp Phần Lan tham gia đầu tư tại Việt Nam có thể tận dụng nguồn vốn này để đem lại những lợi ích cho cả hai bên”, ông nói.
Đồng ý với Bộ trưởngVille Skinnari về xu hướng phát triển của nền kinh tế, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Việt Nam coi trọng phát triển nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, tăng cường tái chế, tái sử dụng, sử dụng các công nghệ ít cacbon, cắt giảm khí nhà kính và đẩy mạnh khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội cho người dân… Đây là những lĩnh vực hợp tác rất tiềm năng mà doanh nghiệp Phần Lan có thể đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam.
Đặc biệt, 17 Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương mà Việt Nam đã ký kết, sẽ tạo cơ hội, thu hút các nhà đầu tư từ nhiều quốc gia. Chủ tịch Quốc hội mong muốn nghị viện các nước thành viên EU sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA) để bảo vệ quyền và lợi ích của các nhà đầu tư Việt Nam và EU. Do đó, các doanh nghiệp Phần Lan cũng cần chuẩn bị sớm để không bị lỡ nhịp xu hướng đầu tư trong thời gian tới.
Ngay sau khi kết thúc Toạ đàm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các thành viên Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã dự Lễ trao tặng vật tư, thiết bị y tế phòng, chống dịch COVID – 19 và các biên bản thỏa thuận hợp tác kinh tế giữa các doanh nghiệp Việt Nam và châu Âu về chuyển giao công nghệ sản xuất và mua kít xét nghiệm COVID-19, hợp tác về thử nghiệm lâm sàng và mua bán vắc-xin COVID-19.
Thay mặt Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đã tiếp nhận hỗ trợ vắc-xin, vật tư y tế phòng, chống dịch của Chính phủ, doanh nghiệp dành tặng Việt Nam. Trong đó, Chính phủ Slovakia tặng Việt Nam 100.000 liều vắc-xin Astrazeneca; một tập đoàn của Pháp trao tặng 1 triệu kít xét nghiệm nhanh kháng nguyên COVID- 19 cho Việt Nam, trị giá 5 triệu euro, tương đương 135 tỷ đồng…
Đáng lưu ý, một công ty về dược phẩm của Việt Nam đã ký thỏa thuận hợp tác chuyển giao công nghệ và sản xuất các kít xét nghiệm tại Việt Nam với công ty của Đức; ký kết thỏa thuận hợp tác về thử nghiệm lâm sàng và mua vắc-xin phòng chống COVID-19 HIPRA SARS-CoV-2 với số lượng dự kiến 50 triệu liều, tổng giá trị hợp đồng khoảng 375 triệu Euro, tương đương với 10.500 tỷ đồng…
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Thủ tướng Cộng hoà Phần Lan Sanna Marin. Ảnh: Doãn Tấn |
Đề nghị hỗ trợ tiếp cận nguồn cung vắc-xin
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Cộng hòa Phần Lan, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đã hội kiến với Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin. Thủ tướng Sanna Marin khẳng định, Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng của Phần Lan trong ASEAN và tại châu Á -Thái Bình Dương, hai nước đã hợp tác thành công về kinh tế, giáo dục, hợp tác phát triển, môi trường… Tuy nhiên, còn có nhiều lĩnh vực tiềm năng mà Phần Lan mong muốn thúc đẩy hợp tác với Việt Nam trong thời gian tới và muốn được sự ủng hộ của Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, rất vinh dự dẫn đầu đoàn Đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam thăm chính thức Phần Lan, đây cũng là chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam sau 28 năm (kể từ năm 1993), thể hiện mong muốn và quyết tâm của Lãnh đạo Việt Nam thúc đẩy và làm sâu sắc hơn quan hệ hai nước, hai Quốc hội.
Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Phần Lan hỗ trợ Việt Nam tiếp cận nguồn cung vắc-xin, nhượng lại vắc-xin chưa cần sử dụng, hỗ trợ cung cấp vật tư y tế, giúp Việt Nam ứng phó với tình hình khó khăn do dịch bệnh hiện nay. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đề nghị Chính Phủ Phần Lan tiếp tục hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam, tăng số lượng học bổng cho sinh viên Việt Nam sang học tập, nghiên cứu, bổ sung vào cộng đồng 2.500 sinh viên Việt Nam hiện đang được đào tạo tại Phần Lan…
Hai Nhà lãnh đạo cũng trao đổi về hợp tác trong các cơ chế đa phương, khẳng định hai nước đều tham gia và có vai trò tích cực ở EU và ASEAN, cần tiếp tục duy trì phối hợp và ủng hộ lẫn nhau, tham gia vào nỗ lực chung kết nối ASEAN – EU, góp phần củng cố quan hệ đối tác chiến lược ASEAN – EU vừa mới được thiết lập.
Hai bên tái khẳng định nguyên tắc thượng tôn pháp luật ở các vùng biển và đại dương, duy trì hòa bình, ổn định, tự do, an toàn, an ninh hàng hải và hàng không và giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982).