Tăng tuổi nghỉ hưu mức nào là phù hợp?

ĐBQH Ngọ Duy Hiểu. Ảnh: Như Ý
ĐBQH Ngọ Duy Hiểu. Ảnh: Như Ý
TPO - Đại biểu Quốc hội Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, tăng tuổi nghỉ hưu nên áp dụng với hầu hết công chức, phần lớn viên chức và một bộ phận người lao động.

Chiều 29/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Lao động sửa đổi. Đại biểu Đào Tú Hoa (đoàn Hà Nội) cho rằng, đồng ý mở rộng giờ làm thêm không quá 400 giờ/năm để bù đắp sự thiếu hụt lao động.

Về đề xuất tăng tuổi hưu, bà Hoa cho là cần thiết, vì thể lực, trí tuệ, sức khỏe của người dân tốt hơn, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam ngày càng tăng. Tuy nhiên, phải cân nhắc để đảm bảo tính thống nhất về pháp luật với những quy định của Luật Cán bộ công chức, Luật Viên chức.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) cũng đồng tình với phương án tăng tuổi nghỉ hưu, tuy nhiên, vẫn còn những băn khoăn vì có sự khác biệt giữa các ngành nghề, lĩnh vực lao động khác nhau, nên cần phải đưa ra tuổi nghỉ hưu linh hoạt.

“Nếu một phụ nữ làm trong môi trường bình thường như giáo viên, bác sĩ thì phải kéo dài hơn thời gian làm việc, nhưng những người lao động tay chân thì phải nghỉ hưu sớm hơn”, ông Trí nói.

Tuy nhiên, theo ông Trí, nếu xét kỹ thì vẫn có những điều không hợp lý, vì không phải giáo sư nào cũng giỏi, cũng biết hết nên khi công nghệ đã lạc hậu, nếu cứ tiếp tục ở lại thì sẽ cản trở các thế hệ kế cận.

Trong khi đó, về năng lực quản lý, lãnh đạo, nhiều khi không theo độ tuổi, có những người chưa già đã trì trệ...

Cũng theo ông Trí, mặt trái của việc tăng giờ làm thêm sẽ khiến cho các đơn vị sử dụng lao động trì trệ, không chịu đổi mới công nghệ để giảm giờ làm...

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng đồng tình với chủ trương tăng tuổi nghỉ hưu, tuy nhiên, cần nghiên cứu kỹ, đối chiếu luật.

Ông Hiểu cũng cho rằng, cần xác định cụ thể độ tuổi nghỉ hưu cho từng ngành nghề, lĩnh vực cụ thể. Đặc biệt, trong bối cảnh thời kỳ tinh giản biên chế; mỗi năm hơn 1 triệu lao động, trong đó có vài trăm nghìn cử nhân thất nghiệp; tuổi thọ trung bình tăng nhưng số năm bệnh tật lớn, mắc nhiều bệnh; nhiều ngành nghề là lao động cơ bắp; doanh nghiệp không muốn sử dụng lao động lớn tuổi..., việc tăng tuổi nghỉ hưu sẽ gây ra tác động xã hội lớn.

“Nói chung là bản thân người lao động trực tiếp không muốn tăng tuổi hưu. Đây là một thực tế. Chúng ta đang ở giai đoạn dân số vàng nhưng cũng là thời kỳ già hóa dân số. Tôi đề nghị quan điểm là hầu hết công chức, phần lớn viên chức và một bộ phận người lao động, còn sau này Chính phủ sẽ thiết kế danh mục ngành nghề sau này trên cơ sở đánh giá và tính toán”, ông Hiểu nói.

Đại biểu Phạm Quang Thanh (đoàn Hà Nội) cho rằng, việc tăng tuổi nghỉ hưu sẽ tác động lớn tới tình hình kinh tế- xã hội. Ông Thanh cho rằng, mỗi năm có khoảng 1,2 triệu người tham gia lao động và 400 nghìn người nghỉ hưu. Nếu đồng ý việc tăng tuổi nghỉ hưu, có nghĩa là lực lượng lao động trẻ sẽ phải chờ thêm thời gian. Hơn nữa, phải có đánh giá thực sự khoa học về đề xuất độ tuổi nghỉ hưu mới, chứ không phải “nói ang áng hay theo nước nọ nước kia”.

“Tôi chỉ đồng ý là người Việt hiện nay 60, 62 tuổi vẫn còn khỏe, nhưng đó không phải là cơ sở khoa học để tăng tuổi nghỉ hưu. Tác động về mặt xã hội đối với hàng triệu người lao động mới bị dư ra thế nào, nếu hai năm, ba năm thì gánh nặng đối với xã hội cực kỳ lớn”, ông Thanh nói.

Ông Thanh cũng cho rằng, việc tăng giờ làm thêm sẽ được các chủ sử dụng lao động tận dụng, không đầu tư vào công nghệ, không tuyển người mới, thúc đẩy nhanh việc thải loại lao động... Người lao động không có thời gian cho mình, cho gia đình, làm gánh nặng cho một thế hệ, bởi vài ba năm con cái lớn rồi lúc đó đã định hình nhân cách, không ai quản lý thì đẩy gánh nặng về cho địa phương, cho xã hội.

Ông Thanh cũng lo ngại về việc tăng giờ làm thêm trong khu vực công. “Rõ ràng cũng có những nơi thừa nhưng cũng có những nơi thiếu. Ở đây bàn đến câu chuyện tiêu cực. Khu vực công ăn vào ngân sách. Ở khu vực tư người ta tính sát lắm, một giờ là một giờ nửa giờ là nửa giờ. Khu vực công Thứ bảy cũng đi làm, Chủ nhật cũng đi làm rồi tính giờ làm thêm. Mà bây giờ đang tinh giản bộ máy, cắt giảm chi thường xuyên. Cái này không kiểm soát chặt chẽ thì ở khu vực công thì lại phát sinh nhiều câu chuyện”, ông Thanh nói.

MỚI - NÓNG