Phiên họp thứ 14 ủy Ban Thường vụ Quốc hội Khóa XII:

Tăng thuế xuất khẩu tài nguyên, giảm thuế nông sản

Tăng thuế xuất khẩu tài nguyên, giảm thuế nông sản
TP - Đó là hai nội dung quan trọng đựơc nhiều thành viên UBTVQH quan tâm thảo luận tại phiên họp hôm qua (22/11), trước khi thông qua Dự án Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung điều 6 Pháp lệnh thuế tài nguyên sửa đổi và dự thảo NQ sửa đổi biểu khung thuế xuất khẩu.

Theo Tờ trình của Chính phủ, khung thuế xuất khẩu được điều chỉnh theo hướng tăng mức sàn và mức trần so với mức đang áp dụng, đồng thời mở rộng biên độ khung.

Đáng lưu ý, ngô, lúa gạo có khung thuế xuất khẩu là 0 – 3%, Chính  phủ đề nghị nâng lên 0 – 50% với lý do đảm bảo an ninh lương thực, điều tiết hoạt động xuất khẩu trong những tình huống đặc biệt, như khi giá lúa gạo tăng cao.

Trong khi đó, than hiện có khung thuế xuất khẩu 1 – 20%, được nâng lên 5 – 45%; dầu thô được đề xuất nâng từ 0 – 20% và 2 – 20% như hiện nay lên 5 – 50%…

Tại Báo cáo Thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội (TC-NS) Phùng Quốc Hiển cho biết: Hầu hết các ý kiến của Ủy ban này đều cho rằng, việc quy định khung thuế suất với biên độ quá rộng như Dự thảo Nghị quyết là chưa hợp lý, dẫn đến áp dụng thuế tùy tiện, không công bằng.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Văn Thuận cũng đề nghị chia nhỏ các mặt hàng ra khi xác định khung thuế. Giải trình, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cho rằng: Việc sắp xếp những mặt hàng gần giống nhau có chung một khung thuế suất lại là sự cố gắng của Bộ Tài chính, để tránh việc gian lận thương mại, áp thuế tùy tiện.

Ngoài ra, ông Thuận cũng băn khoăn với biểu khung thuế xuất khẩu sửa đổi với nông sản: “Ngô, lúa gạo, thủy sản cần đẩy mạnh xuất khẩu, vì đây là lợi thế của chúng ta. Thế nhưng, biểu thuế lại nâng  trần từ 0-3% lên 0-50% thì sẽ rất khó khăn cho người dân, do tăng trần gấp hơn 13 lần!”.

Về thuế xuất khẩu đối với khoáng sản, ông Thuận và nhiều thành viên UBTVQH đề nghị hạn chế xuất khẩu các khoáng sản quý, hiếm, kể cả mặt hàng than, bằng cách nâng sàn trong khung thuế. 

Nhiều ý kiến của Ủy ban Tài chính – Nhân sách đề nghị, quy định khung thuế đối với mặt hàng gạo, ngô là 0 –15%, hoặc giữ khung hiện hành là 0 – 3%.

Cần kìm giữ tài nguyên

Lo ngại về hoạt động khai thác khoáng sản hiện nay, cũng như nguy cơ cạn kiệt nguồn tài nguyên, Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Văn Cường cho biết: Thống kê chưa đầy đủ, hiện có tới 3.000 dự án về khai mỏ.

Theo ông Cường, nếu không có lợi nhuận lớn, các DN sẽ không đổ xô vào. “Nên có chính sách kìm lại, như nâng sàn đối với thuế tài nguyên, đặc biệt với kim loại, đá quý”- Ông Cường đề nghị.

Với thuế xuất khẩu khoáng sản, Ủy ban Tài chính – Ngân sách đề nghị tăng mức sàn của khung thuế suất đối với dầu thô và than  từ 5% (tờ trình của Chính phủ) lên tối thiểu 10% (hiện hành là 0-20%).

“Khoáng sản không tự tái tạo, vậy đề nghị tăng thuế đối với quặng như vàng, các loại quặng kim loại quý”- Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước nhấn mạnh. Tương tự, theo ông Ksor Phước, với mặt hàng gỗ, nên khuyến khích với gỗ rừng trồng, hạn chế tối đa gỗ tự nhiên để bảo vệ môi trường, sinh thái.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cho rằng: “Quy định khung rộng nhằm tạo điều kiện để điều hành được linh hoạt, chứ cũng chưa áp dụng mức cao ngay, mà cần lộ trình”.

Bộ trưởng Vũ Văn Ninh giải trình: Nếu giá gạo xuất khẩu ổn định ở mức 500 USD/tấn trở xuống thì không điều chỉnh thuế (giữ nguyên như hiện nay), nhưng nếu lên tới trên 1.000 USD thì cần điều chỉnh, nhằm điều tiết lợi nhuận của DN.

Với thép, vừa qua Bộ Tài chính phải điều chỉnh rất linh hoạt, đảm bảo cung cầu và DN có lãi. “Cần có khung rộng để điều hành khi cần thiết, còn nếu nâng sàn ngay đối với khoáng sản, DN sẽ khó khăn vì họ còn chịu nhiều loại thuế khác nữa. Cũng phải tính để DN có lãi”- Ông Ninh nói.

Do có những ý kiến khác nhau, UBTVQH đã nhất trí thông qua về mặt thủ tục Nghị quyết về sửa đổi Biểu khung thuế xuất khẩu và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung điều 6 Pháp lệnh thuế tài nguyên sửa đổi.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên yêu cầu Bộ Tài chính, Ủy ban Tài chính – Ngân sách rà soát, thống nhất lại biểu khung thuế, trước khi trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành. Theo đó, hai văn bản thuế nói trên sẽ có  hiệu lực vào ngày 1/1/2009, chậm hơn dự kiến khoảng 1 tháng.

Đề nghị tăng mức thuế sàn đối với than, dầu mỏ

Dự thảo Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung biểu khung thuế suất thuế tài nguyên đề nghị điều chỉnh mức trần thuế suất với khoáng sản kim loại tăng gấp 6 lần, than tăng gấp 7 lần, khí đốt tăng 2,5 lần (so với mức trần hiện nay).

Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội đề nghị, cùng với việc tăng mức thuế suất trần cần tăng mức thuế suất sàn: than nâng khung thuế suất từ 3% - 20% (dự thảo) lên 5% - 20%; dầu mỏ 6% –30% (dự thảo) lên 10% – 40%, nhóm khí thiên nhiên từ 0 – 25% (dự thảo) lên 5 – 25%. 

MỚI - NÓNG