Tăng phí ô tô lên 3,5 lần: Nên tìm biện pháp khác

Tăng phí ô tô lên 3,5 lần: Nên tìm biện pháp khác
Góp ý cho dự thảo thông tư về phí đường bộ qua các trạm thu phí đối với ô tô mới được Bộ Tài chính đưa ra lấy ý kiến với mức tăng dần từ 2 đến 3,5 lần so với hiện nay, nhiều DN vận tải cho rằng tình hình kinh tế khó khăn, DN đang phải đóng quá nhiều loại thuế và phí như hiện nay thì nên tìm biện pháp khác thay vì tăng phí ở các trạm đường bộ.

> Tiếp tục tăng phí đường bộ với ôtô

Nói về dự thảo tăng phí đường bộ qua trạm thu phí với mức tăng dần từ 2 đến 3,5 lần so với hiện nay, ông Đỗ Xuân Phú, Giám đốc Công ty vận tải Minh Liên cho biết doanh nghiệp vận tải đang phải chịu quá nhiều áp lực từ thuế và phí.

Từ khi mua xe đến khi đưa vào hoạt động doanh nghiệp phải đóng trên 10 loại phí, gần đây nhất là quỹ bảo trì đường bộ.

Hiện nay, gần như tất cả các tuyến đường quan trọng đã đặt trạm thu phí giao thông đường bộ. Chi phí giao thông trong giá cước vận tải đường bộ đang chiếm tỷ lệ rất cao.

Đến năm 2015, khi có thêm 21 trạm thu phí BOT trên quốc lộ 1, cộng thêm việc tăng phí lên 3,5 lần thì giá thành vận tải không chỉ tăng gấp đôi mà có thể còn gấp 3.

Trong khi tăng phí mà chất lượng đường không tốt doanh nghiệp vận tải không giảm được chi phí thì khó để doanh nghiệp chấp nhận.

Phí cầu đường tăng cao buộc doanh nghiệp vận tải phải hạch toán vào giá cước, cuối cùng sẽ được tính vào giá cả hàng hóa. Khi đó người tiêu dùng là người phải gánh chịu những chi phí này. Do vậy, Nhà nước không nên cho tăng phí cầu đường, ông Phú cho biêt.

Tương tự, ông Trịnh Châu Khánh, Giám đốc Công ty vận tải Kim Lợi Minh nói với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online rằng doanh nghiệp vận tải hiện nay quá khó khăn và đang ở trên bờ vực phá sản vì các loại thuế và phí.

Sau khi đóng phí đường bộ xong, doanh nghiệp lại phải đối mặt với nỗi lo tăng phí cầu đường. Nếu tăng phí thêm từ 2 đến 3,5 lần thì chắc chắn sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp phá sản.

“Vận tải đường bộ hiện nay có quá nhiều bất cập, những bất cập này doanh nghiệp đều phải hứng chịu. Đơn cử như việc kiểm soát xe quá tải, hiện nay container đã theo chuẩn quốc tế loại 20 feet được chở 25 tấn song Việt Nam chỉ cho chở 20 tấn. Nếu chở quá tải lái xe bị phạt và giữ bằng 2 tháng. Cả nhà lái xe chỉ trông chờ ở cái bằng mà giữ 2 tháng thì lái xe sống bằng gì”, ông Khánh nói.

Ông Khánh cho rằng, trong hoàn cảnh khó khăn như hiện nay, Nhà nước nên tìm biện pháp khác để giảm bớt gánh nặng cho dân thay vì tăng đủ các loại phí để doanh nghiệp càng thêm khó khăn.

Về phía Hiệp hội vận tải hàng hóa TPHCM, ông Thái Văn Chung, Tổng thư ký Hiệp hội vận tải hàng hóa TPHCM cũng cho rằng, trong khi kinh tế chưa có dấu hiệu phục hồi thì chưa nên tăng phí trong năm 2013 và 2014.

“Không nên đặt nặng lợi ích riêng của nhà đầu tư BOT mà chấp thuận mức thu phí giao thông quá cao vượt quá khả năng chịu đựng của các doanh nghiệp”, ông nói.

Ông Chung cho rằng, mức phí hiện nay cũng chưa đồng đều, một số trạm đang áp dụng mức thu 160.000 đồng/lượt đối với nhóm xe container, do vậy cũng nên xem xét giảm xuống một mức chung là 80.000 đồng/lượt như đang áp dụng.

Còn việc tăng phí có chăng chỉ nên thực hiện từ năm 2015 và chỉ xem xét tăng ở mức khoảng 1,5 lần so với hiện nay để giá cả hàng hóa ở mức người dân có thể chấp nhận được.

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến người dân và doanh nghiệp về dự thảo thông tư hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí hoàn vốn đầu tư xây dựng đường bộ.

Theo dự thảo, mức thu phí đường bộ qua các trạm năm 2013 sẽ áp dụng mức thu tối đa không quá 2 lần mức thu tối thiểu khung đang áp dụng hiện nay; năm 2014 mức thu tăng lên 2,5 lần mức khung (riêng nhóm xe container không quá 2 lần); năm 2015 tăng lên 3 lần (nhóm container không quá 180.000 đồng/vé lượt) và từ năm 2016 trở đi áp dụng mức thu kịch trần.

Cụ thể, xe chở người dưới 10 chỗ mức thu từ 10.000 đồng/lượt hiện nay sẽ lần lượt tăng lên 20.000 - 25.000 - 30.000 - 35.000 đồng/lượt (lộ trình từ nay đến năm 2016). Chịu phí nặng nhất là nhóm xe tải, xe chở hàng bằng container và xe ô tô chuyên dùng có trọng lượng toàn bộ từ 27 tấn trở lên, với mức phí tăng kịch trần là 200.000 đồng/lượt vào năm 2016.

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.