Tăng giá thuốc, không 'xử' được

Giá thuốc đã lách luật để tăng vô tội vạ Ảnh: P.V
Giá thuốc đã lách luật để tăng vô tội vạ Ảnh: P.V
TP - Kiểm tra các gian hàng kinh doanh thuốc ở Hà Nội sáng qua cho thấy, nhiều loại thuốc tăng giá thoải mái trong những năm qua nhưng không sao xử lý được chỉ vì doanh nghiệp đã bám vào một lỗ hổng luật pháp.

>> Không bán thuốc do nhà sản xuất đẩy giá lên cao

Giá thuốc đã lách luật để tăng vô tội vạ Ảnh: P.V
Giá thuốc đã lách luật để tăng vô tội vạ. Ảnh: P.V.

Dựa vào lỗ hổng luật pháp, các doanh nghiệp dược chỉ cần đăng ký mức giá bán ban đầu cao ngất ngưởng. Bước tiếp theo, chỉ cần giá bán thực tế không vượt trần giá đăng ký cao đến mức phi lý ấy là chẳng ai làm được gì doanh nghiệp.

Giá đăng ký cao ngất ngưởng

Ông Nguyễn Việt Cường, Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội, cho biết vừa nhận được báo cáo tổng hợp về biến động tăng giá thuốc từ 1-1-2011 đến đầu tháng 3-2011 của 20 công ty dược. Theo đó các công ty thông báo điều chỉnh tăng giá thuốc 240/4.000 mặt hàng với tỉ lệ tăng khoảng 6%, biên độ điều chỉnh từ 3% đến 30%.

Các loại dược phẩm tăng giá vẫn tập trung chủ yếu ở các nhóm vitamin và khoáng chất, kháng sinh, giảm đau, chống viêm, đông dược, tim mạch, ung thư, dịch truyền, tuần hoàn não, một số vaccine và sinh phẩm y tế.

Tại gian hàng của Cty TNHH một thành viên Dược phẩm T.Ư 1, thuốc Boganic có giá kê khai với cơ quan chức năng là 1.500 đồng. Tuy nhiên giá bán niêm yết mới ở mức 1.050 đồng/viên nang nén. Tức là, cho dù doanh nghiệp tăng giá tới 90% giá niêm yết hiện hành, còn xa họ mới chạm tới giá kê khai vốn đã được duyệt. Nói cách khác, dù doanh nghiệp tăng tới 90%, còn xa mới tới giá kê khai.

Hay như tại Cty Dược phẩm Thắng Lợi, thuốc Calcium D giá kê khai từ năm 2007 là 13.500 đồng/hộp. Nay giá bán sau nhiều lần tăng mới tới 13.500 đồng/hộp; Thuốc clorocid 0,25gr giá bán hiện nay là 284 đồng/viên, tăng 20% so với giá cũ. Nhưng giá kê khai đăng ký lên tới 294đồng/viên.

Ông Nguyễn Việt Cường nhận định khoảng 70% mặt hàng thuốc có giá bán thực tế vẫn dưới giá kê khai. Một số loại thuốc dù đã tăng giá nhưng giá bán mới chỉ bằng 30-40% giá kê khai như mỡ Tetraciclin, Calcipholinat…

Tăng đúng luật?

Cty TNHH một thành viên Dược phẩm T.Ư 1, kê khai với Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) về giá thuốc Calcium Folinat 0,1g/10mg vào thời điểm 31-12-2007 với mức giá bán là 256.244 đồng/hộp 5 ống. Giải trình mức giá mà doanh nghiệp đưa ra được cơ quan chức năng đánh giá là khá hợp lý

Tuy nhiên, giá bán buôn thời điểm này là 183.750 đồng/hộp. Như vậy, Cty vẫn có thể tăng giá hộp thuốc thêm 170.000 đồng mới tới giá kê khai. Vì thế giá tăng ầm ầm nhưng cơ quan chức năng không thể xử phạt chỉ vì doanh nghiệp tăng giá chưa tới mức kê khai ban đầu, tức tăng… đúng luật.

Trước những nghịch lý này, ông Nguyễn Việt Cường cho biết, Sở Y tế chỉ có chức năng kiểm tra thị trường xem doanh nghiệp có bán đúng với giá niêm yết và giá kê khai hay không. Còn thực tế có sự chênh lệch xa giữa giá kê khai và giá bán thế nào là do quy định của cơ quan quản lý.

Theo Pháp lệnh Giá, Luật Dược,v.v…, nhà nước quản lý giá theo nguyên tắc các cơ sở sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, buôn bán thuốc tự định giá, cạnh tranh về giá và chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Các doanh nghiệp dược hiện nay sẽ căn cứ vào giá nhập khẩu (giá CIF), cộng thêm tỉ giá ngoại tệ hiện thời, cộng thêm các chi phí phát sinh (30%) để định giá thuốc bán trong nước. Ngoài ra, giá thuốc khi vào các cửa hàng bán lẻ đều phải cộng thêm ít nhất 10% chi phí hoa hồng.

Đây chính là kẽ hở để các doanh nghiệp lách luật và tăng giá thuốc mà cơ quan chức năng không thể xử lý được. Còn người tiêu dùng thì hứng chịu mọi gánh nặng từ việc giá thuốc tăng không ngừng nghỉ.

Tại cuộc kiểm tra giá thuốc ở trung tâm bán buôn dược phẩm Ngọc Khánh (Ba Đình, Hà Nội), phần lớn các gian hàng được phát hiện đều tăng giá với mức 10-60% những mặt hàng thuốc được kiểm tra.

Tại gian hàng của Cty TNHH một thành viên dược phẩm T.Ư 1 có tới hơn 30 mặt hàng thuốc tăng giá với mức tăng chủ yếu là 5%. Đặc biệt có thuốc Clorocid 0,25g của Cty cổ phần TƯ 1 tăng tới 26%.

Cty dược phẩm Fitopharma cũng có một số mặt hàng tăng giá như: Fitogra - F hộp 22 viên tăng từ 60.000 đồng - 68.000 đồng/hộp (tương đương 12%). Cty cổ phần Trapharco có mặt hàng tăng từ 17-25%, Cty Domesco có 14/249 mặt hàng tăng giá với mức từ 8-21%...

Tại gian hàng của Cty Sao Thái Dương có 9/11 mặt hàng tăng giá từ 15-25%. Cty cổ phần dược phẩm Bến Tre có một số mặt hàng tăng giá trên 30%.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG