Tăng đề kháng COVID-19 bằng... sách

0:00 / 0:00
0:00
Sách gửi vào khu cách ly đã được khử khuẩn
Sách gửi vào khu cách ly đã được khử khuẩn
TP - Song song với các chiến dịch tiếp tế lương thực, thực phẩm, đội quân tặng sách vẫn lặng lẽ tiếp tục công việc của mình trong mùa dịch. Khác là giai đoạn này họ được rất nhiều tổ chức, cá nhân chung tay. Hàng ngàn đầu sách đã được chuyển đến những vùng bị phong tỏa, cách ly.

Nhu cầu đọc nhiều lên trong mùa dịch

Bắt đầu từ một “tâm thư kêu cứu” của một mọt sách trong đợt giãn cách ở Bắc Giang, hội “những kẻ nghiện sách” đã quyên góp chớp nhoáng trong vòng 24h được gần 500 đầu sách, thêm 4 tiếng nữa để số sách đến tận tay người cần.

“Mọi chuyện sẽ qua đi, qua đi” nếu như sau vụ tiếp tế sách đó, một số người trong cuộc không chia sẻ trên mạng: “ơ hay là chúng mình cứ quyên sách tiếp đi, buộc phải ngồi một chỗ vừa có tâm tư vừa có thời gian để bình tĩnh mà đọc”. Thế là cuộc quyên góp trở thành kéo dài, bàn luận rôm rả đến mức chỉ năm ngày sau, trên trang “xin – cho” còn chia hẳn bang phái: tiểu thuyết, sách self-help, lịch sử, khoa học, triết học, ngôn ngữ... Thú vị hơn, một số “đại gia” không hề tiếc của khi chia sẻ cả những đầu sách hiếm nay chỉ còn vang bóng một thời.

Trần Tuấn Hùng (kiến trúc sư, 32 tuổi), một trong những thành viên sáng lập của nhóm “điều phối sách (hoàn toàn miễn phí) trong mùa dịch” cho biết: từ cuối tháng 5 đến nay chúng tôi đã quyên được khoảng hơn 5.000 đầu sách để đem tặng những người có nhu cầu đọc ở các vùng cách ly.

Sở dĩ phải có cả một nhóm điều phối là vì rút kinh nghiệm những lần tặng sách rồi người ta để đó, chúng tôi lập các diễn đàn để mọi người đăng nhu cầu, sau đó quyên sách theo nhu cầu và phân phát đến từng nơi. Công việc mất thời gian nhưng rất hiệu quả, gần như sách gửi đi là có phản hồi. Nhiều người sau khi đọc còn có hứng viết review, rồi trao đổi, tranh cãi về cuốn sách.

Nhiều người tâm sự lần đầu kiên nhẫn đọc hết một cuốn sách, “sáng ra được nhiều điều”. Đó chính là thù lao để chúng tôi mỗi ngày ngoài giờ làm việc thì còn vui vẻ làm shipper, đồng nát... miễn phí”.

Có thể đo đếm nhu cầu đọc trong mùa dịch bằng cách dạo qua các diễn đàn sách, hầu như mỗi ngày đều có những đề nghị: muốn đọc (tìm) cuốn này, dạng sách kia. Ngoài sách văn học, giải trí, giáo trình, tư liệu tham khảo, sách nghiên cứu... cũng là những thể loại được tìm kiếm phổ biến.

Anh Nguyễn Văn Nam, một nhà sưu tập sách đã tặng nhiều cuốn “lâu rồi không in lại” trong chiến dịch tặng sách mùa Covid chia sẻ: “Đối với những người ưa đọc, việc phải ngồi nhà mười ngày nửa tháng không phải là vấn đề gì khó khăn, bởi vì bình thường họ cũng là nhóm người ít di chuyển. Nếu lan tỏa được thói quen này, nhất là trong mùa dịch, thì lợi đơn lợi kép”. Đáp lại lời của anh Nam, một bình luận của nick “Kẻ trộm sách” lập tức nhận về hơn 4.000 like: “Gì thì gì, thời điểm này, slogan của em nhất định phải là: “Ôi, Lolita của anh! Giờ anh chỉ còn có chữ để mà chơi” (một trích thoại trong tiểu thuyết “Lolita” của Vladimir Nabokov)!

“Trước đây mình dạy ngoại ngữ online, tài liệu học thường thì sẽ bán nhưng trong mùa dịch nhiều học sinh kêu khó khăn, thế là mình miễn phí hết. Cứ cách vài ngày sẽ gửi tặng các bạn một tập tài liệu mới. Có bạn vui tính còn bảo hay cô giáo ra đề bài luôn đi, bọn em làm rồi cô chấm. Mình rảnh quá cũng ra bài, xong các bạn làm rồi chấm chéo cho nhau. Mỗi ngày lại trở nên bận rộn và vui vẻ” – Lê Hoài Anh, giáo viên tiếng Pháp chia sẻ.

“Để không ai bị bỏ quên” khi có nhu cầu đọc, nhóm của “cửu vạn sách” Đỗ Tiến Thành và Nguyễn Quốc Vương cũng đứng ra kêu gọi 60 cá nhân, tổ chức hưởng ứng, quyên góp được 34,2 triệu đồng mua sách và đồ chơi tặng cho học sinh cách ly ở các huyện Lục Ngạn, Việt Yên, Tân Yên của Bắc Giang.

Gần như ngay sau đó, các chương trình "Sách trao tay, học ngày giãn cách" (do Thành Đoàn TP.HCM và Văn phòng phía Nam Hội Xuất bản, Sở Thông tin & Truyền thông cùng Công ty Đường sách phối hợp thực hiện), “Khép cửa đọc sách” (Quận đoàn Phú Nhuận phối hợp cùng NXB Tổng hợp TPHCM)... cũng được khởi động, mang hàng nghìn cuốn sách đến tay người dân ở các khu cách ly, phong tỏa và bệnh viện dã chiến trên địa bàn 21 quận, huyện cùng TP Thủ Đức. Trong chiến dịch tặng sách quy mô lớn này, ngoài sách giấy thông thường, độc giả còn có cơ hội tiếp xúc với sách điện tử và sách nói.

Tự kiếm tiền dễ hơn tìm chồng giàu

Một trong những bài thu hoạch về sách nhận được “bão like” trong đợt giãn cách là chia sẻ “Tôi hiểu rồi: kiếm chồng giàu còn khó hơn tự kiếm tiền” của hotgirl H.V – người tự nhận: “lần đầu đọc trọn vẹn một cuốn sách”.

Theo đó, cô gái xinh xắn này cho biết, trong suốt mười mấy năm đi học, việc đọc duy nhất của cô chính là đọc là sách giáo khoa. Cho đến khi phải ngồi nhà giãn cách thì vớ được một cuốn của Vãn Tình (tác giả sách self-help nổi tiếng người Trung Quốc), trong đó có đề cập đến nhu cầu tìm chồng đại gia của các cô gái trẻ.

Thời điểm đó, mạng xã hội đang ồn ào vì cô gái trong game show muốn tìm chồng phải có nhà riêng, bạn trai phải cho tiền mua đồ, đầu tư chứng khoán, bất động sản... H.V viết rằng, cô cũng từng có ý nghĩ như thế, cho đến khi đọc phân tích của Vãn Tình.

“Nhu cầu tìm một người chồng giàu có là bình thường, nhưng trước khi đặt ra yêu cầu với người khác bạn có bao giờ tự hỏi, vì sao người ta lại phải sẵn sàng bỏ tiền ra cho bạn? Giá trị của bạn là gì?” Khi đọc những dòng này tôi cũng giật mình. Chưa kể, tác giả còn chua thêm: theo tôi biết thì tất cả những người giàu đều rất thông minh, các cô gái trẻ người non dạ, các người dựa vào đâu mà nghĩ rằng sẽ dễ dàng đưa những người ấy vào tròng và thâu tóm tài sản của người ta? Kế đến chị ấy chỉ ra, thay vì ngày đêm ủ mưu giăng thiên la địa võng để tìm một ông chồng giàu (mà chưa chắc mình được hưởng gì nhiều từ sự giàu ấy) còn chẳng bằng đầu tư cho bản thân: học thêm những kỹ năng mới, chăm chỉ làm việc... tự làm mình giàu lên. Con đường này nếu đem chi li so sánh thì còn ngắn hơn và bền vững hơn đường kiếm chồng”.

Chia sẻ của H.V ngay lập tức trở thành một đề tài chiếm sóng, nó nhận được gần 12.000 bình luận và hàng chục ngàn like.

“Đồng ý với V. Đọc sách chưa biết thu hoạch được gì cao siêu nhưng ít ra cũng mở rộng tầm nhìn, không còn hạn hẹp, duy ý chí nữa. Năm năm trước tôi cũng từ bỏ mục tiêu tìm chồng giàu để lăn vào đời tự kiếm sống. Nhưng lúc đó không phải vì đọc sách ngộ đạo mà ngộ ra từ hoàn cảnh chị gái mình. Sau này mới thấm thía câu nói: “Cơm của cha mẹ nằm mà ăn, cơm của mình đứng mà ăn, cơm của đàn ông quỳ mà ăn”. Độc giả Nguyễn Hải Yến bình luận.

Tăng đề kháng COVID-19 bằng... sách ảnh 1

Một bệnh nhân đọc sách trên giường bệnh

Chính những cuốn sách đọc trong lúc đại dịch đã mở ra rất nhiều đề tài bàn luận sôi nổi trên mạng, từ kinh nghiệm học, cách hiểu về một tác phẩm kinh điển cho đến bản dịch (sách) nào tốt hơn, vì sao Murakami mãi không được Nobel... Nhiều độc giả chia sẻ, họ tìm được những câu trả lời trong sách, và rằng, nhờ việc đọc, trao đổi, tranh luận... khiến họ thấy thời gian ở nhà có ý nghĩa hơn, không còn quá sa đà vào việc tìm đọc những tin tức tiêu cực mỗi ngày nữa.

Đọc nhiều để khỏi viết sáo

Một tuần nay, cộng đồng đọc lại đang “xoắn” vì bài văn phân tích đoạn thơ “Sóng” của Xuân Quỳnh, được cho là của Võ Lập Phúc - Thủ khoa toàn quốc khối D14 năm 2020 với tổng điểm 29,1, trong đó môn Văn đạt 9,75. Trong khi nhiều bình luận khen tác giả bài viết có vốn từ phong phú, hiểu biết rộng, thì một số khác lại cho rằng đây là một bài văn sáo, lập luận “tỏ ra nguy hiểm” nhưng thực chất chỉ là thể hiện và khoa trương, ngôn ngữ rối rắm, tiếng Việt xơ cằn...

Đây không phải lần đầu tiên cộng đồng đọc tỏ ý kiến trái chiều về những bài văn mẫu điểm cao. Cùng lúc một số bài mẫu của các lò luyện Văn cũng được lôi ra với rất nhiều nghi vấn: thế mà là văn mẫu ư? Hãy chỉ cho tôi bài viết này hay ở chỗ nào? v.v...

Tăng đề kháng COVID-19 bằng... sách ảnh 2

Ngoài thực phẩm, sách cũng là một món quà trong mùa COVID

Theo đó, câu chuyện làm văn và cách viết giản dị, trong sáng được đẩy thành chủ đề nóng nằm trong danh sách quan tâm hàng đầu trong nhiều ngày liền. Nhiều ý kiến của những thầy, cô giáo dạy Văn lâu năm thống nhất rằng, nếu đọc đủ nhiều, ít nhất khi viết bạn sẽ không sa vào sáo rỗng, đao to búa lớn và tiếng Việt của bạn sẽ phong phú, chính xác hơn.

“Nhờ câu chuyện này mà tôi tạm quên đi giá rau, giá thịt đang tăng phi mã ở ngoài kia, tôi cũng quên đi số ca nhiễm mỗi ngày, người ta chen lấn nhau để xét nghiệm, tiêm vắc xin. Kể cứ mỗi ngày ngồi đọc rồi cãi qua cãi lại với các bạn, ở nhà trốn dịch cũng không đến nỗi không vượt qua nổi” - Tuân Trần (TP.Hồ Chí Minh) chia sẻ.

“COVID khiến số người đọc tăng lên là chuyện không chỉ xảy ra ở Việt Nam. Ngành xuất bản các nước cũng có những thống kê tương tự, khi tự nhiên có nhiều thời gian và bị hạn chế di chuyển, sách trở thành một cứu cánh cho nhiều người. Điều đáng mừng là không chỉ sách giấy, những hình thức xuất bản khá mới như podcast (một dạng sách nói mà độc giả có thể nghe trên các ứng dụng và có thể đăng ký, tải về) cũng bắt đầu được người đọc quan tâm. Đây là dấu hiệu đáng mừng cho ngành xuất bản”, một biên tập viên NXB Trẻ cho biết.

MỚI - NÓNG