Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên nói như trên, tại buổi họp báo về kết quả lấy ý kiến đối với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, do Bộ Tư pháp chủ trì tổ chức sáng 17/5.
Không quy định Chính phủ là cơ quan chấp hành của Quốc hội?
Báo cáo về kết quả lấy ý kiến đối với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng cho biết, về Chương VII- Chính phủ, đã có hơn 551 nghìn lượt ý kiến quan tâm, góp ý. Các tập thể, cá nhân kiến nghị xác định rõ vị trí, địa vị pháp lý của Chính phủ với tư cách là cơ quan thực hiện quyền hành pháp trong tổ chức quyền lực nhà nước.
“Các ý kiến cũng kiến nghị tăng cường trách nhiệm cá nhân của Thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng, cụ thể hoá mối quan hệ phân công, phối hợp, kiểm soát thực hiện quyền lực nhà nước giữa Chính phủ với Quốc hội, Chủ tịch nước, Toà án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao và các thiết chế hiến định độc lập” – ông Dũng nói.
“Đa số ý kiến tập trung vào kiến nghị hoàn thiện quy định về các trường hợp thu hồi đất và bồi thường theo hướng trong mọi trường hợp Nhà nước thu hồi đất, người sử dụng đất hợp pháp, đúng mục đích bị thu hồi đất đều phải được đền bù theo giá thị trường”. Ông Trần Tiến Dũng, |
Phân tích sâu hơn về Chương VII, Thứ trưởng Hoàng Thế Liên nói đã ghi nhận là cơ quan hành pháp thì không nên quy định Chính phủ là cơ quan chấp hành của Quốc hội. Dự thảo Hiến pháp cần quy định về quyền hành của Chính phủ và các thành viên Chính phủ để Chính phủ được độc lập tương đối và để có thể chủ động điều hành, ứng phó nhanh nhạy trong thực tiễn cuộc sống nhiều biến động hiện nay.
“Chương Chính phủ cũng không nên đưa ra các quy định quá chi tiết. Nguyên tắc là chỉ cần xác định rõ vị trí pháp lý của Thủ tướng, các phó thủ tướng và các thành viên của Chính phủ để đảm bảo sự độc lập về quyền lực trong bộ máy nhà nước”- Ông Liên nhấn mạnh.
Thứ trưởng Hoàng Thế Liên cũng cho biết, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã tiếp thu quy định Thủ tướng Chính phủ có nghĩa vụ báo cáo công tác của mình trước nhân dân về những vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền giải quyết của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ cũng phải báo cáo công tác trước dân những vấn đề quan trọng thuộc trách nhiệm quản lý.
Thu hồi đất phải đền bù theo giá thị trường
Cũng theo ông Trần Tiến Dũng, qua tổng hợp kết quả lấy ý kiến, các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức hơn 28 nghìn hội thảo, hội nghị lấy ý kiến và tiếp nhận khoảng 18 triệu lượt ý kiến góp ý của tập thể, cá nhân.
Báo cáo góp ý các nội dung sửa đổi Hiến pháp của Chính phủ gửi tới Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 dài 104 trang, được xây dựng trên cơ sở chắt lọc từ khoảng 5.000 trang báo cáo kết quả lấy ý kiến nhân dân của 63 tỉnh, thành và 30 Bộ, ngành, thể hiện 7 nhóm vấn đề được quan tâm và đề xuất hoàn thiện.
Ngoài những nội dung về Chính phủ, các tập thể, cá nhân còn tập trung góp ý về chính quyền địa phương, về chế độ chính trị, về các quy định về quyền con người, về kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường...
“Đa số ý kiến tập trung vào kiến nghị hoàn thiện quy định về các trường hợp thu hồi đất và bồi thường theo hướng trong mọi trường hợp Nhà nước thu hồi đất, người sử dụng đất hợp pháp, đúng mục đích bị thu hồi đất đều phải được đền bù theo giá thị trường”- Chánh Văn phòng Trần Tiến Dũng cho biết.
Ông Dũng cũng cho hay, đã có gần 2 triệu lượt ý kiến góp ý, tập trung kiến nghị hoàn thiện quy định về các trường hợp thu hồi đất và bồi thường, được quy định tại Chương III (Kinh tế, xã hội, văn hoá, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường).
Các ý kiến cũng kiến nghị việc thu hồi đất chỉ được thực hiện trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng mà không quy định trường hợp Nhà nước thu hồi đất của các tổ chức, cá nhân vì lý do phát triển kinh tế- xã hội.