Tăng cân quá mức khi mang bầu, có thể ảnh hưởng chức năng não

Ảnh minh hoạ: Internet
Ảnh minh hoạ: Internet
Các chuyên gia khuyến cáo: Tăng cân khi mang thai là điều đương nhiên, nhưng nếu tăng quá sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro cho sức khỏe của cả mẹ và bé.

Mang thai tới 34 tuần, một thai phụ ở Long An đã tăng thêm gần 50kg. Tuy nhiên, khi con sinh ra chỉ có 2,5kg. Đã có không ít trường hợp mẹ tăng thêm tới 25 - 30kg, trong khi cân nặng của em bé lại rất... khiêm tốn. Các chuyên gia khuyến cáo: Tăng cân khi mang thai là điều đương nhiên, nhưng nếu tăng quá sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro cho sức khỏe của cả mẹ và bé.

Mẹ tăng thêm nửa tạ sinh con có 2,5kg

Dù con trai lớn đã được 2 tuổi và dự định sinh cháu thứ hai trong năm nay, nhưng mỗi lần nghĩ đến cảnh "bầu bí", chị Lê Thị Kim Oanh (ở Cầu Giấy, Hà Nội) lại “rùng mình”. “Bình thường tôi chỉ 45kg, nhìn vừa mắt với chiều cao khiêm tốn 1m53. Khi cân trước sinh, nhìn kim đồng hồ chỉ số 80kg, tôi choáng váng. Thế nhưng, con sinh ra chỉ có 2,7kg. Đến giờ nghĩ lại, tôi vẫn… hãi”, chị Oanh tâm sự.

Theo lời kể của chị Oanh, dù khi chưa mang thai, chị khá “khảnh” ăn, nhưng ngay khi “cấn bầu”, chị thèm đủ thứ. Chị không “nề hà” bất kỳ món nào và ăn rất ngon miệng. Thậm chí có hôm “vui miệng”, chị còn đánh sạch cả con gà 2kg khiến chồng... sững sờ. Vậy nên, mang thai ở tuần thứ 25, chị đã tăng 12kg. Gần 4 tháng còn lại, xòn xòn tháng nào chị cũng tăng 3kg.

Chị Oanh nhớ lại: “Lúc đi khám thai định kỳ, bác sĩ cũng cảnh báo mẹ tăng cân nhiều nhưng con lại hơi “còi” và khuyên tôi kiêng khem như người bị tiểu đường, giảm tinh bột, tăng chất xơ... Nhưng tôi thèm ăn lắm, lại còn ăn rất ngon. Nghĩ tăng cân cho con cũng chỉ còn cách bồi bổ, vậy nên chỉ "mải miết" ăn thôi. Hồi đó, chân tay tròn vo, nhìn còn tưởng bị phù. Mang bầu lại đúng mùa lạnh, đi làm ngồi lỳ ở văn phòng, về nhà là tôi chui vào chăn ấm, không biết thể dục là gì! Trước lúc sinh, đo cân nặng của bé cũng được 2,9kg, nhưng sinh ra chỉ được 2,7kg, tôi đến là xấu hổ và thương con. Sau sinh, tôi lại còn béo ú, không giảm nổi cân, quần áo bỏ đi hết. Thật kinh khủng!”.

Cuối năm 2015, Bệnh viện Hùng Vương (TPHCM) đã hỗ trợ thành công ca sinh mổ bắt con cho sản phụ Trần Thị Thanh Phượng (ở Long An) có cân nặng kỷ lục 140kg. Chị Phượng cho biết, đã tăng thêm 50kg trong thời kỳ mang thai, trong khi con trai chào đời với cân nặng chỉ… 2,5kg.

Trước đó, khi mang thai đến tuần 30, chị đã nặng tới 109kg, không đi lại nổi nữa, gia đình chị đã đưa chị lên khám và nhập viện ở Bệnh viện Hùng Vương. Bốn tuần tiếp theo, chị tăng cân lên tới 140kg. Lúc này, chị cũng phải đối mặt với nhiều bệnh lý phức tạp như: Đái tháo đường thai kỳ, tăng huyết áp, máu không đông. Thậm chí có lúc, thai phụ này còn đối diện với tình trạng nguy kịch khi đường huyết tăng cao, nguy cơ hôn mê và có thể mất em bé bất kỳ lúc nào. Sau sinh, dù đã “nhẹ nhàng” hơn, nhưng chiếc giường sản phụ ở bệnh viện vẫn không còn chỗ trống so với thân hình đồ sộ của chị. Chị phải nhờ người nhà và nhân viên y tế đỡ mới có thể ngồi dậy được. Vì vết mổ sâu, dài vắt ngang thành bụng với lớp mỡ dày hơn 10cm nên thời gian phục hồi sau sinh của chị lâu hơn những người bình thường khác.

Tăng cân quá mức, khổ con, đe dọa mẹ

BS Nguyễn Thị Tân Sinh, nguyên Phó Trưởng khoa Phụ sản (Bệnh viện Bạch Mai) chia sẻ: “Với 35 năm trong nghề sản khoa, tôi thấy trường hợp của chị Trần Thị Thanh Phượng là hi hữu dù thực tế cũng có nhiều bà mẹ tăng cân "quá đà" trong thời kỳ mang thai. Tuy vượt cạn thành công, nhưng câu chuyện của chị Thanh Phượng vẫn là lời cảnh báo về những nguy cơ, thậm chí đe dọa tính mạng, đối với các thai phụ đang bị tăng cân quá nhanh và quá nhiều.

BS Nguyễn Thị Tân Sinh cho biết, với trường hợp của chị Phượng, không chỉ thai phụ bị tiểu đường mà còn có dấu hiệu nguy cơ cao bị tiền sản giật, rối loạn chức năng của một số bộ phận cơ thể như gan, rối loạn đông máu. Còn bé sơ sinh chào đời từ người mẹ tăng cân quá nhiều, lại chỉ với cân nặng 2,5kg, đây là trường hợp suy thai mãn tính trong bụng mẹ. Trên người mẹ bị tiểu đường do tăng cân quá mức, em bé cũng có đối diện nguy cơ bị tiểu đường, thừa cân trong quá trình phát triển. Ngày đầu đời, bé cũng dễ bị hạ đường huyết cấp tính, vàng da, suy hô hấp…, nếu không chăm sóc đặc biệt sẽ có hậu quả lớn sau này.

Các chuyên gia khuyến cáo: Đối với người mẹ tăng cân quá nhiều, bị tiểu đường, sau sinh, bên cạnh việc vẫn tiếp tục thừa cân, sản phụ có nguy cơ bị tiểu đường tăng gấp 2,5 lần so với người thường. Khi mang thai, thai phụ đã có rối loạn một số cơ quan trong cơ thể, liệu sau sinh, chức năng gan, thận có trở lại bình thường hay không vẫn cần được theo dõi. Rõ ràng, việc tăng cân không chỉ gây ra rối loạn tức thời mà còn có thể để lại biến chứng lâu dài trên nhiều cơ quan.

Người mẹ tăng cân quá mức cũng gây ra nhiều nguy cơ cho em bé. Y học chứng minh rằng, nếu người mẹ tăng cần nhiều, trong những tháng đầu, em bé có thể bị những rối loạn, thậm chí dị tật về tim mạch, hở đốt sống, khe hở vòm miệng. Tỷ lệ tử vong ngay trong bụng mẹ và sau khi ra đời cao hơn những trẻ khác.

Theo các bác sĩ Khoa Khám bệnh (Bệnh viện Từ Dũ, TPHCM): Không có quy định thai phụ tăng bao nhiêu cân là đủ. Muốn ăn đầy đủ chất dinh dưỡng để thai phát triển tốt, thai phụ cần cân đối các bữa ăn, nên ăn các lọai thực phẩm chưa chế biến (không dùng thức ăn đóng hộp), bổ sung các chất dinh dưỡng bị thiếu. Ngoài các chất đạm, đường, thai phụ cần bổ sung vitamin, chất khoáng. Thai phụ lưu ý không được “kiêng triệt để” chất béo, bởi đây là chất dinh dưỡng giúp cho sự phát triển của tế bào não, là một trong những chất cung cấp năng lượng, giúp hấp thu các vitamin A, D, E và K. Tuy nhiên, nên chọn các chất béo thực vật (dầu ăn), không nên ăn mỡ động vật. Ngoài ra, thai phụ cần uống nhiều nước mỗi ngày (khoảng 2,5 – 3 lít), không ăn quá mặn hay nhiều gia vị.

Theo Theo Giadinh.net
MỚI - NÓNG
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
TPO - Ngày 13/12, Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Định cho biết đã thông báo tổ chức giao thông tạm thời qua cầu Thị Nại, TP. Quy Nhơn. Thời gian xếp xe thử tải bắt đầu từ lúc 8h đến 22h ngày 15/12. Đây là cầu vượt biển đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam, hiện là cầu vượt biển dài thứ 2, sau cầu Tân Vũ - Lạch Huyện ở Hải Phòng.