Giới phân tích cho rằng, người chủ mới của số 10 phố Downing sắp thừa hưởng một cuộc khủng hoảng quốc tế đầy đủ, vào thời điểm mà các mối quan hệ ngoại giao truyền thống của Anh đang bị kéo căng tới mức chưa từng thấy trước đây.
Tiến trình Brexit làm phức tạp quan hệ của Anh với các đồng minh châu Âu, và đang có những khác biệt đáng kể với Mỹ đối với số phận của thỏa thuận hạt nhân Iran. Quan hệ Anh - Mỹ xấu đi sau vụ rò rỉ những bức điện tín với nhiều nhận xét thẳng thừng của đại sứ Anh tại Washington về chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Đó là bối cảnh ngoại giao mà Anh đang trải qua trong nỗ lực tìm kiếm giải pháp với Tehran. Sức ép ngoại giao, như hành động tại Liên Hợp Quốc hay các biện pháp trừng phạt kinh tế cứng rắn, đòi hỏi phải xây dựng liên minh. Cả tiến trình Brexit lẫn những khác biệt chính sách với Washington đều không giúp Anh tạo được một mặt
trận chung.
Sau vụ “bê bối đầu độc” ở Salisbury năm 2018, cả Mỹ, NATO và các đồng minh châu Âu của Anh đã đồng loạt trục xuất các nhà ngoại giao Nga nhằm thể hiện sự đoàn kết. Đó là một trong những điểm sáng hiếm hoi khi nhìn lại chính sách đối ngoại của bà Theresa May. Nhưng Anh có thể huy động hành động tập thể tương tự trong đợt tranh cãi với Tehran lần này hay không?
Pháp và Đức đã ủng hộ London về lời nói. Tổng thống Trump cũng ủng hộ đồng minh Anh. Nhưng Mỹ và EU về cơ bản đang mâu thuẫn nhau trong quan điểm về số phận của thỏa thuận hạt nhân với Iran và điều mà nhiều nước ở châu Âu cho là một chính sách của Mỹ nhằm thay đổi chế độ ở Iran.
Sự thất bại của Mỹ trong việc tập hợp lực lượng nhằm tăng cường an ninh hàng hải ở Vùng Vịnh cho thấy nhiều chính phủ đang cực kỳ lưỡng lự tham gia vào bất kỳ điều gì họ cho là một liên minh đối đầu với Iran.
Một số người đang cho rằng, Anh tự gây ra cuộc khủng hoảng này. Họ chất vấn điều gì đã khiến giới hoạch định chính sách Anh quyết định tịch thu chiếc tàu chở dầu Grace 1 của Iran ở ngoài khơi Gibraltar. Đó có phải một quyết định đúng đắn, để dẫn đến việc Iran công khai đe dọa các tàu mang cờ Anh? Vấn đề này có thể sẽ được nêu ra tại kỳ họp của quốc hội Anh trong vài tuần tới, theo BBC.
Vấn đề cấp bách nhất của Anh hiện nay là làm thế nào để con tàu Stena Impero và thủy thủ đoàn trở về an toàn. Người Iran có thể coi việc trao đổi tàu bị tịch thu là câu trả lời. Nhưng London khăng khăng rằng họ khác Iran, họ làm theo luật quốc tế. Nên nếu chấp nhận trao đổi với Iran, Anh sẽ bị mất mặt, theo các nhà phân tích.
Một chuyện phức tạp là con tàu Grace 1 đang phải trải qua tiến trình pháp lý ở Gibraltar, và chắc chắn phải hoàn thành thủ tục này trước khi có thể
được thả.
Tranh cãi giữa London và Tehran là một phần của căng thẳng gia tăng ở khu vực sau khi chính quyền Trump quyết định từ bỏ thỏa thuận hạt nhân với Tehran và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt. Các nước châu Âu, trong đó có Anh, đang rất cố gắng để cứu vãn thỏa thuận này, hoặc ít nhất là ngăn nó đổ vỡ trong thời gian càng dài càng tốt. Nhưng căng thẳng ngày càng bị bồi thêm bởi những vụ như Iran và Mỹ bắn rơi máy bay không người lái của nhau. Bất kỳ tính toán sai lầm nào cũng có thể dẫn đến chiến tranh thực sự.
Trong bối cảnh đó, chính phủ mới của Anh sẽ phải tìm cách đàm phán để con tàu của mình được thả. Ông Boris Johnson, người có thể trở thành thủ tướng tiếp theo của Anh, luôn tự hào là người gần gũi với ông Trump. Nhưng điều này có phải một lợi thế khi Washington có những mục tiêu chiến lược hoàn toàn khác? Giới quan sát cho rằng ông Johnson sẽ phải trải qua một lộ trình rất khó khăn với Iran phía trước.