Tân Thủ tướng Anh cảnh báo về khủng hoảng kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
TP - Hôm qua, ông Rishi Sunak chính thức trở thành thủ tướng thứ ba của Anh trong bảy tuần qua. Vị thủ tướng Anh trẻ nhất (42 tuổi) trong hơn 200 năm nói rằng, người tiền nhiệm “đã mắc sai lầm”; ông sẽ tìm cách mang lại sự ổn định cho đất nước sau nhiều tháng bất ổn chính trị và kinh tế.
Tân Thủ tướng Anh cảnh báo về khủng hoảng kinh tế ảnh 1
Ngày 25/10, Vua Charles III bổ nhiệm cựu Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak làm Thủ tướng Anh và mời ông thành lập chính phủ mới. Ảnh: AP

Ngày 24/10 tại Cung điện Buckingham ở London, ông Rishi Sunak được Vua Charles III bổ nhiệm và mời thành lập chính phủ mới, sau khi Thủ tướng Liz Truss đệ đơn từ chức sau nhiệm kỳ 50 ngày sóng gió. Ông Sunak (sinh năm 1980) trở thành người da màu đầu tiên và là người theo đạo Hindu đầu tiên lãnh đạo nước Anh sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu chọn chủ tịch đảng Bảo thủ.

Tại số 10 phố Downing, ông Sunak đã có bài phát biểu đầu tiên với tư cách thủ tướng. Ông nói rằng, Anh đang ở trong “cuộc khủng hoảng kinh tế sâu sắc”. “Tôi khâm phục nỗ lực không ngừng nghỉ của bà ấy (Liz Truss) để tạo ra sự thay đổi. Nhưng đã có một số sai lầm. Không phải do ác ý hay ý định xấu. Thực tế thì hoàn toàn ngược lại, nhưng dù sao cũng có sai lầm”, ông nói.

Nhân dịp ông Rishi Sunak được bổ nhiệm làm Thủ tướng Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland, ngày 25/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi điện mừng.

Tân thủ tướng nêu bật kinh nghiệm của mình với tư cách là bộ trưởng tài chính trong đại dịch COVID-19 để minh họa cách ông ấy dự định đối phó những thách thức phía trước.

“Bạn đã thấy tôi trong thời COVID làm mọi thứ có thể để bảo vệ mọi người và doanh nghiệp, với những kế hoạch như cho tạm nghỉ việc không hưởng lương. Luôn luôn có những giới hạn, và bây giờ nhiều hơn bao giờ hết. Nhưng tôi hứa với bạn điều này: Tôi cũng sẽ mang lòng trắc ẩn đó đến những thách thức mà chúng ta phải đối mặt ngày hôm nay”, ông Sunak nói.

“Chính phủ mà tôi lãnh đạo sẽ không để thế hệ tiếp theo - con cháu của các bạn - phải xử lý món nợ mà chúng tôi từng quá yếu, không thể tự trả nổi. Tôi sẽ đoàn kết đất nước của chúng ta, không phải bằng lời nói mà bằng hành động”. Ông Sunak nói thêm: “Chính phủ này sẽ có tính liêm chính, sự chuyên nghiệp và trách nhiệm giải trình ở mọi cấp độ”.

Trước đó cùng ngày, bà Liz Truss có bài phát biểu ở Văn phòng Thủ tướng trước khi đi xe hơi đến Cung điện Buckingham. Dù có một nhiệm kỳ sóng gió khiến bà trở thành thủ tướng Anh có thời gian phục vụ ngắn nhất trong lịch sử, bà Truss vẫn tỏ ra đầy tự tin và mỉm cười khi bà gọi thời gian tại vị là một “vinh dự lớn”, sau đó nói thêm rằng “những ngày tươi sáng hơn đang ở phía trước”.

Những thách thức phía trước

Giờ đây, tân thủ tướng Anh Rishi Sunak phải đối mặt vô vàn thách thức để đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng. Đảng của ông bị chia rẽ và mất vị trí trước đảng Lao động đối lập trong các cuộc thăm dò dư luận sau bốn tháng hỗn loạn chính trị và thị trường tài chính. Đồng thời, nước Anh đang phải đối mặt cuộc khủng hoảng kinh tế lớn, với nhiều nhà kinh tế cho rằng nước này đã rơi vào suy thoái.

Ông Sunak bị các chính trị gia đối lập phản đối dữ dội. Họ đang kêu gọi một cuộc tổng tuyển cử. Lãnh đạo đảng Lao động Keir Starmer hôm qua chúc mừng ông Sunak (gốc Ấn Độ) trở thành thủ tướng Anh gốc Á đầu tiên, nhưng nhắc lại lời kêu gọi tổ chức một cuộc bỏ phiếu công khai.

“Đảng Bảo thủ đã làm sụp đổ nền kinh tế, với mức lương thấp, giá cả cao và cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt. Công chúng cần một khởi đầu mới và tiếng nói về tương lai của nước Anh”, ông Starmer nhận định.

Là một trong những chính trị gia giàu nhất ở Westminster và là thủ tướng da màu đầu tiên ở Anh, ông Rishi Sunak sẽ phải khôi phục ổn định của nước Anh sau mấy năm bất ổn chính trị và kinh tế.

Ông Sunak, giống như bà Truss, không phải giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử để trở thành thủ tướng vì đảng Bảo thủ vẫn là đảng lớn nhất trong Hạ viện, do đó nhà lãnh đạo của họ tự động trở thành thủ tướng.

Không có gì lạ khi một thủ tướng nhậm chức mà không qua bầu cử - bốn trong số năm thủ tướng Anh gần đây nhất đã đảm nhận vị trí này mà không qua tổng tuyển cử. Nhưng việc ông Sunak là thủ tướng thứ ba của Anh kể từ cuộc tổng tuyển cử cuối cùng diễn ra năm 2019 và là người thứ hai lên nắm quyền mà không qua bỏ phiếu toàn dân làm tăng thêm áp lực.

Theo luật, cuộc tổng tuyển cử tiếp theo phải diễn ra chậm nhất là vào tháng 1/2025. Với việc đảng Lao động đi trước đảng Bảo thủ trong các cuộc thăm dò dư luận, rất ít khả năng ông Sunak sẽ thực hiện bước đi đó.

MỚI - NÓNG
Vang mãi khúc quân hành
Vang mãi khúc quân hành
TPO - Ngày 14/12, Học viện Kỹ thuật Quân sự tổ chức Ngày hội văn hóa và chương trình nghệ thuật “Vang mãi khúc quân hành” thiết thực hướng tới chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân.