Tận thấy Tòa Bạch ốc

Tận thấy Tòa Bạch ốc
Bao bận coi ti vi rồi bữa nay tôi mới nhập được vô căn phòng họp báo Nhà Trắng, là chỗ chờ trước khi vào Phòng Bầu Dục, nơi diễn ra cuộc hội đàm của TT Bush và Thủ tướng Phan Văn Khải.

Hệt như cái nắng cuối thu đầu đông bên nhà, đại lộ Pennsylvania ngập tràn thứ ánh vàng rực rỡ. Vậy nên thời gian phải dừng lâu lâu trước cổng Nhà Trắng số 1600 để làm các thủ tục an ninh đâm ra có lý! Mít-tơ Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Biên tập báo VietnamNet, từng tu nghiệp ở Harvard, ngày sinh tháng đẻ được email về cơ quan mật vụ Nhà Trắng trục trặc thế nào mà xì xộ ầm lên một hồi.

Một người đàn ông phong độ ngó khá chững chạc bước lại gần chúng tôi bắt chuyện. Tình cờ hay run rủi thế nào mà chúng tôi lại gặp một đồng nghiệp người gốc Việt. Một phóng viên chuyên viết về Nhà Trắng nói đúng hơn là người của Nhà Trắng, ông Phan Bội Hoàn năm nay 74 tuổi.

Khởi đầu nghiệp báo, ông Hoàn làm cho Hãng CBS News. Ông cũng định ít năm thế thôi rồi làm việc khác nhưng nghề báo đã giữ, đã chọn ông. Thế là trọn 36 năm ông Hoàn làm cho hãng CBS chuyên trách về Nhà Trắng.

Năm hai ngàn, ông Hoàn tháp tùng Tổng thống (TT) Bill Clinton thăm Việt Nam rồi về hưu năm 2001. Hưu nhưng ông vẫn được Hãng CBS gọi làm việc mỗi khi có sự kiện chi đó ở Nhà Trắng. Và sự kiện Thủ tướng Việt Nam Phan Văn Khải hội đàm với TT Bush ở Tòa Bạch ốc hôm nay đã không thể thiếu ông.

Ông Hoàn đang hào phóng chia sẻ với tôi cảm giác lần ông về ngôi nhà cổ của ông ở phố Hàng Bạc, gần nhà cô BaTý thuốc cam mà ông còn bà cô năm nay ngoại 90 ở đấy... Ba trai, ba gái, 8 cháu nội ngoại và đã có chắt ngoại bên Mỹ nhưng ngó cái nắng trên đại lộ Pennsylvania của xứ người đang rải đầy, người phóng viên già giọng như vẫn có chút chi đó ngậm ngùi bởi nó giống làm sao cái nắng xứ mình cữ bắt vào mùa chim ngói gạo mới!

Bao bận coi ti vi rồi bữa nay tôi mới nhập được vô căn phòng họp báo Nhà Trắng, là chỗ chờ trước khi vào Phòng Bầu Dục, nơi diễn ra cuộc hội đàm của TT Bush và Thủ tướng Phan Văn Khải. Trong lúc đợi tôi lấy tay rờ vào hàng chữ The White House (cao) và Washington (thấp) hình mặt tiền Nhà Trắng tất thảy khoanh trong cái vòng bầu dục.

Thì ra tất tật bằng hình nổi không biết là chất liệu gì hình như là chất dẻo tổng hợp? Rờ cả cái bục bằng thứ gỗ như tứ thiết bên mình trên có cái giá cắm các loại micro. Căn phòng rộng vừa phải, trần thấp tịt, trên lại gắn tua tủa các loại đèn làm cái anh nhà báo như có cảm giác bị đè xuống?

Được cái hệ thống phích cắm, thứ cho máy vi tính xách tay và nạp ắc qui cho máy quay bố trí dưới các gờ bậc màu xanh xám dùng cho phóng viên ngồi khá tiện lợi. Nếu không có 5 cái cửa sổ và cửa chính hình vòm trổ ra vườn thì cái phòng này là một căn hầm thực sự!

Một bên tường gắn chằng chịt hệ thống máy móc phục vụ cho việc truyền hình. Có tất cả 8 camera đồ sộ chĩa về phía cái bục phát ngôn kia lúc nào cũng trong trạng thái làm việc. Thì ra đây là thiết bị của các hãng truyền thông Mỹ chuyên theo dõi đưa tin về Nhà Trắng.

Một cánh cửa mở toang hoang. Thì ra một phòng kế bên nữa. Tôi tò mò ngó vào. Ngăn nắp ngay ngắn xen lẫn bề bộn là các ô vẫn thường thấy ở các trung tâm báo chí dành cho phóng viên tác nghiệp. Ngăn nào cũng có, không anh thì chị hí húi mê mải trước các màn hình. Những ngăn be bé ấy đã có chủ cả, dành riêng cho những phóng viên chuyên trực tin, săn tin ở Nhà Trắng!

Mỗi ngăn như thế nhô trên đầu người ngồi là tên các hãng truyền thông. Ai có vào họ cũng chả buồn ngước lên. Một ông râu rậm rì đang ngồi vắt vẻo trên chiếc bàn hẹp có tấm biển nổi bật hàng chữ New York Times phì phèo thuốc lá dòm thoáng qua cái phù hiệu mà an ninh Nhà Trắng cấp cho tôi hành nghề trưa nay lẩm bẩm Việt Nam!

Thấy ông đang rỗi, quen lệ như những lần vào các trung tâm báo chí khác, tôi đánh liều mượn một chút chỗ để email về nhà cái tin. Ông sốt sắng giúp ngay nhưng hiềm nỗi cái ổ đĩa của hãng truyền thông lừng danh trong Nhà Trắng này không tương thích với cái đĩa mềm cổ lỗ sĩ của tôi! 

Chúng tôi đang đứng giữa Vườn Hồng của Nhà Trắng. Tôi ngó khoảng vài chục cụm hồng chứ không hơn trồng rải rác trong khu vườn. Hoa ít nhưng bài trí khá khéo giữa các tầng cây xanh và vuông cỏ mượt mà nên du khách cảm giác có một vườn hồng xum xuê thực chứ chả phải một cái tên tượng trưng.

Khu vườn có diện tích không lớn, phải viết hoa vì nơi đây thường xuyên diễn ra sự kiện các TT Mỹ tổ chức họp báo mỗi khi có các nguyên thủ ghé thăm nước Mỹ. TT thường đón chào các nguyên thủ đến thăm nước Mỹ cũng tại vườn hoa này. Máy bay trực thăng của TT cũng cất và hạ cánh xuống nơi đây.

Nhà Trắng mỗi tuần như thế từ thứ Ba đến thứ Bảy đều tổ chức mở cửa đón khách tham quan miễn phí. Tiền lệ này hình như chưa có nơi nào trên thế giới, chính phủ mở toang cánh cửa nhà mình cho dân thường! Hôm nay TT Bush tổ chức họp báo ở Phòng Bầu Dục nên khu vườn không bày biện bàn ghế gì, ông Hoàn cho biết như vậy.

Tận thấy Tòa Bạch ốc ảnh 1
Vườn Hồng Nhà Trắng

Như một hướng dẫn viên du lịch chính hiệu, ông Hoàn khoát rộng một vòng tay nói rằng diện tích kể cả vườn hoa và cây cối khoảng 72.000m2. Người chọn nơi này để xây Nhà Trắng là G. Washington, Tổng thống đầu tiên của nước Mỹ.Kiến trúc sư James Hube, người gốc Ireland chịu trách nhiệm thiết kế.

Tháng 10 năm 1792 khởi công, đến 1800 mới bước đầu hoàn thành. Đến thời điểm này, TT G.Washington đã thôi chức, vị chủ nhân đầu tiên của Nhà Trắng là TT thứ hai của Hoa Kỳ, John Adams. Khi quân Anh chiếm nơi này, Nhà Trắng cũng bị thiêu hủy như nhà Quốc hội nhưng không lâu sau đã được KTS Hube xây dựng lại.

Hube còn xây thêm một đài ngoài trời và ở hai bên toà lầu chính. Cổng chính phía Bắc lại xây thêm một hành lang rộng được đỡ bởi bốn cột trụ lớn bằng đá cẩm thạch. Đây là hành lang cửa chính của Nhà Trắng như chúng ta thấy bây giờ.

Người có những cải sửa chính ở Nhà Trắng sau này là TT Franklin Roosevelt. Ông thay đổi tầng hai là phòng làm việc của TT thành nơi ở cho gia đình TT. Rồi sau đó ông cho xây thêm tòa nhà ở phía Đông và tòa nhà phía Tây để làm văn phòng cho các nhân viên Phủ TT.

Từ bấy cho đến nay Nhà Trắng không có sự chỉnh sửa nào khác trừ trường hợp đệ nhất phu nhân của TT J K. Kennedy là bà Jacqueline đã dùng những đồ trang sức quý hiếm của mình để trang trí cho toàn bộ các phòng trong Nhà Trắng.

Cánh nhà báo ta lẫn tây sau khi đã được khám xét kỹ càng sốt ruột đợi cuộc hội đàm giữa TT Bush và Thủ tướng Phan Văn Khải. Như vậy thời gian quá so với chương trình đã định là hơn ba mươi phút. Mãi chúng tôi mới nhích được đến phòng Bầu Dục.

Thời gian cuộc gặp báo chí ngắn lắm. Mải nhìn ông Bush nên tôi chỉ loáng thoáng chút ít nội thất căn phòng lịch sử này. Thời gian cực kỳ eo hẹp cho việc tác nghiệp của một ký giả trong những trường hợp như thế nhưng tôi phải đảo mắt rất nhanh để may ra mà nhận diện được một nhân vật được coi là độc đáo ở Nhà Trắng, nói đúng hơn là cái sự lạ lùng của người làm nên sự lạ ấy, có lẽ chỉ ông chủ Nhà Trắng mới nghĩ ra được.

Đó là một người được coi là có thời gian lâu nhất trong một ngày bên cạnh TT Bush tên là Blake Gottman, 25 tuổi, người Mỹ gốc Sherp, một bộ tộc dưới chân dãy Hymalaya nằm giữa Ấn Độ và Nepal. Chỉ có cơ quan đầu não của một đất nước lắm điều lạ lùng thì mới ký hợp đồng với một thanh niên đang học dở đại học Claremont McKenna ở California như thanh niên này! Mức lương của Gootttman là 70.000 USD/năm.

Nhưng tôi găm vào trí nhớ nền căn phòng rộng rãi ấy trên nền phủ thảm xanh có thêu hình ngôi sao xếp thành vòng tròn vây xung quanh một con chim đại bàng biển màu trắng. Giống chim này là quốc điểu của nước Mỹ! Trên chiếc bàn thênh thang của TT bằng gỗ hồ đào nghiêm ngắn tấm biển đồng lấp lóa dòng chữ mà ông Hoàn dịch cho biết Đây là nơi phải chịu trách nhiệm cuối cùng!

Ông Hoàn lấy làm tiếc vì không có thời gian để đưa tôi đến một căn phòng cách Vườn Hồng không xa, được coi là rộng nhất, trang hoàng cực kỳ lộng lẫy, dài 24m, rộng 11m, có thể chứa được 200 người. Đây là nơi mà gia đình TT thường tổ chức những bữa tiệc lớn và đã có 4 cô gái của 4 đời TT cử hành hôn lễ tại đây. Năm 1945, TT Roosevelt qua đời, tang lễ cũng được tổ chức tại căn phòng này.

Nhiều minh tinh màn bạc hay ngôi sao thể thao, những người có công làm rạng danh nước Mỹ thường được gia đình các đời TT mời cơm thân mật tại căn phòng ấy.

Nhưng theo ông Hoàn, ấn tượng Nhà Trắng phải là phòng yến tiệc quốc gia. Có đủ chỗ cho 100 thực khách. Có thang máy đưa thức ăn lên. Trên bức tường lấp lánh dòng chữ trên biển đồng của TT thứ hai nước Mỹ John Adams sau khi rời Nhà Trắng kết thúc nhiệm kỳ lịch sử của mình Nguyện xin Thượng đế ban phước cho nơi đây và những người sắp sửa sẽ đến sinh sống tại đây. Và mong sao cho những chủ nhân Nhà Trắng là những người thực sự sáng suốt!

Tôi tò mò hỏi ông Hoàn nơi sinh hoạt của gia đình TT. Ông Hoàn chỉ tay sang khu nhà bên cạnh, trên nóc phấp phới lá quốc kỳ Mỹ. Chừng như để thoả mãn vẻ tò mò của tôi, ông Hoàn dẫn tôi rẽ vào một khu nhà thâm thấp gần khu Vườn Hồng. Ông nói tôi đợi rồi quay ra hào phóng đưa tôi cả một cuốn sách dày viết về Nhà Trắng kèm câu khá tự hào rằng không có một xó xỉnh nào trong cuốn sách này mà ông chưa đặt chân đến!?

Chắc ý ông muốn qua cuốn sách này mà quảng bá để dạng ngoại đạo như tôi võ vẽ thêm tí ti kiến thức về cái Tòa Bạch ốc này chăng? Xong việc, chúng tôi rời Nhà Trắng vào lúc trưa trật của giờ Mỹ mà tầm ở nhà đã hơn một giờ sáng.

Ngó lại một lần cuối căn nhà đồ sộ, với mình lần đầu tiên mà có lẽ cũng là lần cuối, tôi chợt nhớ đến một cuốn sách của Robert M. Gates, một quan chức CIA từng phục vụ cho 6 đời Tổng thống Mỹ từ Lyndon Jonhson đến G. Bush bố, từng là nhân viên CIA qua 8 đời giám đốc, từ nhân viên quèn trở thành người đứng đầu cơ quan phân tích CIA dưới thời G.Bush.

Từng là thành viên Hội đồng an ninh quốc gia của các cựu TT R. Nixon, G. Ford, J. Cater và là phó cố vấn an ninh cho G. Bush bố. Đùa hay thật khi Robert đã thổ lộ như thế này đại ý, Nhà Trắng là một nơi cay đắng và chua xót. Phục vụ cho một nền dân chủ sóng gió không phải là công việc của người đa cảm và yếu tim.

“Tôi đã từng làm việc ở đây lâu hơn bất kỳ một Tổng thống nào trừ Franklin và Roosevelt. Dường như với tôi, ai đó sống và làm việc ở đó nếu họ hoàn toàn lương thiện với bản thân mình đều không thành công mà trái lại đều khủng hoảng và thất bại! Và có chăng chỉ rất ít trường hợp may mắn trong một hay hai dịp có tầm quan trọng trong lịch sử. Điều này giải thích vì sao một Tổng thống lại có quá nhiều cá tính đến như thế!”.

MỚI - NÓNG