Tận thấy tiêm kích Nga dằn mặt máy bay do thám Mỹ

Tận thấy tiêm kích Nga dằn mặt máy bay do thám Mỹ
TPO - Một video đầy kịch tính cho thấy khoảng khắc chiếc tiêm kích của không quân Nga bay chặn một máy bay do thám Mỹ. 

Video này, được cho là quay trên bầu trời biển Baltic, thể hiện một trong các cuộc đối đầu điển hình giữa các máy bay quân sự Nga và Mỹ, cho đến nay vẫn chưa xảy ra sự cố nào. Video được đưa lên tài khoản YouTube  của Bộ Quốc phòng Nga vào ngày 7/3, cho thấy một máy bay Su-27 bám theo sau một máy bay thu thập tình báo RC-135 của Mỹ. Phía Nga mô tả video với tiêu đề “Đánh chặn các mục tiêu bằng tiêm kích Su-27 trên vùng trời trung lập biển Baltic”.

Su-27 là máy bay tiêm kích thế hệ 4 ra đời từ năm 1985. Là tiêm kích hạng nặng hai động cơ, nó được xem là tương đương với dòng F-15 Eagle của Mỹ.

Giống  như F-15, Su-27 là máy bay tương đối lâu đời, dù trải qua nâng cấp nhiều lần trong suốt thời gian tồn tại với các tính năng mới, bao gồm cả hệ thống kiểm soát hỏa lực và tên lửa mới.
Hai động cơ turbin cánh quạt đốt sau Saturn AL-31Fsản sinh lực đẩy 25 tấn cho phép máy bay đạt tốc độ tối đa Mach 2.35 nếu không mang vũ khí và thùng dầu phụ.

Mục tiêu của nó lần này là máy bay RC 135 của không quân Mỹ. Nhiều năm qua, Mỹ có vẻ ưa dùng RC-135 với nhiều nhiệm vụ thu thập thông tin tình báo, từ thu tín hiệu định vị điện tử tới thu thập và phân tích tín hiệu điện tử phát đi từ các đối thủ tiềm tàng.

Tận thấy tiêm kích Nga dằn mặt máy bay do thám Mỹ ảnh 1 RC-135 V/W
Chiếc máy bay Mỹ trong video, theo chuyên gia Kyle Mizokami viết trên tạp chí Aviationist, có vẻ là dòng RC-135V/W với cái mũi phồng đặc trưng. Mã hiệu ở đuôi máy bay là OF, viết tắt của “Căn cứ không quân Offutt”. Đây là căn cứ đặt ở bang Nebraska, Mỹ.

 Su-27 vờn RC-135 V/W

Kiểu đánh chặn  trên vùng biển trung lập như thế này là rất phổ biên và hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế. Đây là cuộc “giao thiệp” an toàn, tuy nhiên không ai đảm bảo những lần sau không xảy ra sự cố.

Năm 2017, một tiêm kích Nga tiến sát một chiếc RC-135 của Mỹ với khoảng cách chỉ còn chưa đầy 2m, vụ việc khiến Lầu Năm Góc phản đối dữ dội.

Lần tiêm kích Nga chặn máy bay do thám Mỹ gần đây nhất là vào tháng 11/2018. Khi đó, một kiêm kích Su-27 đã tiến sát một máy bay do thám của Mỹ, theo cáo buộc của hải quân Mỹ. Chiếc tiêm kích Nga bay ngang qua chiếc máy bay EP-3 Aries II với tốc độ cao và bất ngờ bật chế độ đốt sau, đưa chiếc máy bay Mỹ vào thế nguy hiểm.

 Su-27 dằn mặt EP-3 trên bầu trời biển Đen

Theo phía Mỹ, chiếc EP-3 đang bay trên không phận quốc tế thuộc vùng trời biển Đen. Chiếc Su-27 hai lần bay tốc độ cao vượt qua chiếc máy bay do thám Mỹ.  Lần thứ nhất, khi chiếc Su-27 đi qua, nó để lại hai luồng phụt xoáy thẳng vào chiếc máy bay cánh quạt Mỹ. Lần vượt qua thứ hai, theo hải quân Mỹ, là nghiêm trọng hơn nhiều. Mỹ nói máy bay Nga bật chế độ đốt sau trong khi chuyển hướng rời xa chiếc máy bay Mỹ.
Về vụ việc này, hải quân Mỹ cũng đưa lên YouTube một đoạn video, thu lại từ camera hồng ngoại trên chiếc EP-3. Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, sự việc kéo dài khoảng 25 phút.

Trước đó, cũng trong năm 2018, một sự việc tương tư, cũng với các máy bay Su-27 Nga và EP-3 Mỹ, diễn ra. Việc máy bay Nga sử dụng chế độ đốt sau của động cơ nhằm cảnh cáo phi hành đoàn của máy bay Mỹ đánh dấu một sự leo thang căng thẳng liên quan đến các sự kiện ở biển Baltic và biển Đen trong năm 2018.

MỚI - NÓNG