Đến nay, Chính phủ Mỹ vẫn chưa thể giải thích được khoảng 5% số bức ảnh UFO lưu trong văn khố. Trong số này có một bức do phi công chụp năm 1957 gần Căn cứ Không quân Edwards ở bang California. Bức ảnh chụp một UFO đang đuổi theo máy bay ném bom B-47.
UFO đuổi theo máy bay B-47 năm 1957. Ảnh: Không lực Mỹ
Trong một bức ảnh khác do Philipe Orego chụp ngày 9/3/1984, có 3 đốm sáng bí ẩn trên bầu trời Manhattan, thành phố New York. Các nhà nghiên cứu chưa tìm thấy dấu hiệu giả mạo trong bức hình này.
“Vấn đề cơ bản là nếu ảnh UFO được chụp vào ban ngày, trông gần, rõ và sắc nét, bạn nghi ngờ nó là đồ giả. Nhưng nếu ảnh xa, mất nét, khó xác định thì vật trong ảnh có thể là bất kỳ thứ gì trên bầu trời, từ côn trùng, chim chóc đến bóng bay, máy bay không người lái”, chuyên gia UFO Nigel Watson, tác giả của “Cẩm nang điều tra UFO”, nhận định.
3 đốm sáng bí ẩn trên bầu trời Manhattan tối 9/3/1984. Ảnh: Philipe Orego.
Chuyên gia Watson nói: “Những bức ảnh UFO dường như không phải là giả, nhưng mỗi bức lại có một câu chuyện riêng. Với những tấm ảnh cũ, các điểm sáng, đốm màu có thể xuất hiện trong quá trình tráng rửa, in phim vì lỗi kỹ thuật, lỗi xử lý gì đó”.
Đằng sau bức ảnh chụp UFO trên bầu trời thành phố Los Angeles là một câu chuyện đáng nhớ. Vào tháng 2/1942, Los Angeles lo sợ bị Nhật Bản không kích và xâm chiếm. Ngày 23/2/1942, người ta cho rằng, một tàu ngầm Nhật Bản nã đạn vào mỏ dầu Elwood gần Goleto ở phía bắc Los Angeles.
Các luồng đèn pha tập trung vào một vật thể không xác định trên bầu trời Los Angeles ngày 25/2/1942. Các đốm sáng quanh luồng đèn pha là đạn pháo phát nổ. Nguồn: Daily Mail
Sáng sớm 25/2/1942, một phi đội máy bay bí ẩn xuất hiện trên bầu trời, hướng về phía Los Angeles. Tổng tham mưu trưởng George Marshall báo cáo với Tổng thống Roosevelt ngày 26/2/1942 rằng, vụ việc có thể liên quan tới 15 máy bay. Dù pháo phòng không của Lữ đoàn Pháo binh Duyên hải số 37 đã bắn 1.430 phát, nhưng không máy bay nào bị bắn hạ. Máy bay cũng không thả bom.
Kết luận duy nhất là kẻ thù sử dụng máy bay thương mại để xác định vị trí của pháo phòng không và phát tán báo động. “Nỗi lo sợ bị xâm lăng này trở thành chủ đề phim hài “1941” của Steven Spielberg. Nó thể hiện cách thức nỗi sợ hãi đánh bẫy con người trong mớ bùng nhùng của sự ám ảnh và xung đột được kích động bằng tin đồn và truyền thông”, chuyên gia Watson nhận xét.
Ông nói rằng, bằng chứng cuối cùng về sự tồn tại của máy bay hôm đó là ảnh chụp các luồng đèn pha tập trung vào một máy bay không xác định trên bầu trời thành phố Culver ở phía tây Los Angeles.
TS. Bruce Maccabee, chuyên gia UFO, cho rằng, vật thể mà ánh đèn pha chiếu vào dài khoảng 30,5m. Một chuyên gia UFO khác, ông Steven Lacey, sử dụng Photoshop để làm rõ bức ảnh, lộ ra một vật thể bay điển hình. Vì thế, ông Lacey kết luận rằng, hình ảnh này là “một luận cứ rất thuyết phục về sự tồn tại của vật thể bay ngoài hành tinh trên bầu trời của chúng ta”.
Một hành khách trên chuyến bay từ Hong Kong đến Trung Quốc đại lục nói rằng nhìn thấy UFO bên ngoài cửa sổ máy bay vào năm 2012. Ảnh: HAP
Ông Jack LeMonde, người từng phục vụ trong lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ, chụp ảnh cưỡi ngựa ở bang California vào tháng 6/1945. Phía xa xa là hình ảnh một vật thể bay không xác định. Nguồn: Daily Mail
Nhiều khi chỉ là mây
Tuy nhiên, chuyên gia Watson lại dẫn chứng giả thuyết của sử gia hàng không Brett Holman rằng, các luồng đèn pha tập trung vào một đám mây nhỏ. “Ông Holman cũng tìm thấy những trường hợp khác tương tự. Đó là ánh đèn pha phòng không chiếu sáng những đám mây trông như đĩa bay”, chuyên gia Watson nói.
Gần đây, một số trường hợp UFO thuộc diện bí mật đã được Chính phủ Mỹ tiết lộ. Công chúng được phép xem trực tuyến 12.000 hình ảnh UFO chụp trong giai đoạn 1947-1969. Vi phim của các bức ảnh này được gọi chung là Dự án Sách Xanh.
Một trong những trường hợp nổi tiếng nhất là Lubbock Lights được 3 giáo sư báo cáo ngày 30/8/1951 ở bang Texas. Ba vị giáo sư nói rằng, họ đang ngồi trong sân nhà 1 trong 3 người thì thấy 20-30 vệt sáng bay trên đầu. Một vị giáo sư nói chúng có kích cỡ đĩa đựng thức ăn, màu xanh lá cây nhạt có ánh huỳnh quang.
Tuy nhiên, sau đó Không lực Mỹ kết luận rằng, những vệt sáng đó có thể là do đàn chim choi choi gây ra. Chúng có lông ngực màu trắng, có thể phản chiếu ánh sáng từ thành phố bên dưới.
Một bức ảnh khác tên là “Mùa đông 1951” có hình đĩa bay trên bầu trời. Nhưng các nhà khoa học khám phá ra rằng, hình dạng kỳ lạ đó thực chất là một đám mây hình hạt đậu được tạo thành từ không khí ẩm co lại ở độ cao đáng kể.