Tấn “thần đồng” chơi lan

Tấn “thần đồng” chơi lan
TP - Tên anh là Nguyễn Huy Tấn nhưng những người chơi lan Hà Nội lại đặt cho anh biệt hiệu đáng yêu: Tấn “thần đồng”,  bởi họ ngưỡng mộ sự hiểu biết của anh về loài hoa quý.
Tấn “thần đồng” chơi lan ảnh 1

Hơn mười năm lặn lội khắp các vùng núi từ Hoà Bình đến Cao Bằng, Bắc Kạn… Tấn đã sưu tầm được hàng chục loài lan quý như Thanh Hoà Bình, Mạc Hoà Bình (Mạc lá vàng), Hoàng điểm thuỷ tiên, Hoàng điểm sen hoa, Hoàng tuyết tố, Mạc hồng, Mạc huyết nhung, Đại hoàng, Tiểu hoàng, Mạc mẫu tử (Mạc yên tử)…

Hiện nay hai vợ chồng anh Tấn đã mở một cửa hàng nhỏ ở phố Hoàng Hoa Thám, giới thiệu những loại lan cổ quý hiếm mà anh chị sưu tầm được. Cửa hàng mở ra, lập tức trở thành địa chỉ của những người chơi lan thủ đô đến học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, cũng qua đó Tấn đã tìm và nhân giống được thêm nhiều dòng lan quý.

Từ xưa, chơi lan đã được ví như thú chơi quý tộc: “Vua chơi lan, quan chơi trà”, bởi loài hoa này cần thời gian và sự chăm sóc cầu kỳ. Một chậu địa lan đẹp giá có thể tới vài triệu đồng hoặc hàng chục triệu đồng.

Anh Tấn tâm sự: “Là giống quý nên lan thường làm nũng người chơi giống như các cô gái thường tìm cớ nũng người yêu để được chiều chuộng. Các cụ chơi hoa nổi tiếng xưa kia như cụ Chi láng, cụ Châu ký sáng dậy thường rửa mặt cho lan, lâu dần lá lan láng bóng, xanh tốt.

Người tinh ý, chỉ nhìn qua chậu lan đã biết ngay chủ của nó là người thế nào. Được chăm chút lan càng đẹp, càng thơm. ở với người lười biếng, không được chăm sóc tốt, lan khô héo, ủ rũ, người ta nói ấy là khi lan buồn bỏ đi”.

Một điều thú vị, anh Tấn là một trong số rất ít người có khả năng phân biệt được tới vài chục loại hoa lan bằng cách ngửi mùi hương mà không cần đến sự quan sát bằng mắt.

Nhiều người yêu hoa lan đề nghị anh giữ “chức” Chủ tịch câu lạc bộ những người yêu lan Hà Nội nhưng anh từ chối và ngượng ngùng khi nói về biệt danh “thần đồng”: “Mình yêu lan tự nhiên và chịu khó học hỏi lâu ngày nên hiểu biết một chút, thế thôi…”.

MỚI - NÓNG