Tàn tạ sau khi liều mình cứu người

0:00 / 0:00
0:00
TP - “Cứu, cô gần tới cháu rồi, ai cứu tôi”, chị Lê Thị Hồng Tâm (44 tuổi) khó nhọc kể rằng hằng ngày trong đầu chị vẫn văng vẳng âm thanh lẫn hình ảnh kinh hoàng sau vụ bơi ra biển cứu người sáng 20/2.

Sau 8 tháng kể từ ngày đó, tôi tìm về lại nhà chị ở gần khu Chứng tích Sơn Mỹ, thôn Tư Cung, xã Tịnh Khê, thành phố Quảng Ngãi. Tiếp tôi là người phụ nữ với chiếc lưng gù và gương mặt tàn tạ, tóc lòa xòa, mắt cụp xuống và hơi sưng, môi run run. Thật khác xa với hình ảnh tươi trẻ, mạnh mẽ, yêu đời mà tôi nhìn thấy trong tấm ảnh đăng trên Facebook mấy tháng trước.

Tàn tạ sau khi liều mình cứu người ảnh 1
Chị Tâm thời điểm trước khi liều mình cứu nạn
Tàn tạ sau khi liều mình cứu người ảnh 2

Sau vụ cứu người, chị Tâm nay thành người tàn tạ, tinh thần bất ổn. Ảnh: Văn Chương

Chị thẫn thờ khi nghe tôi nhắc đến biển, đến mấy em học sinh và đồng nghiệp của chị là anh Phạm Văn Phó tử nạn sau khi cùng chị lao xuống biển cứu người sáng 20/2. Buổi sáng định mệnh đó, chị Tâm đang làm ở Cty TNHH MTV Nhà hàng Khách sạn Mỹ Khê gần biển thì nghe tiếng kêu thảng thốt của các em học sinh “cứu người, mấy bạn bị sóng biển cuốn trôi”. Cởi vội áo khoác, lao nhanh xuống biển đang cuộn sóng dữ, chị mải miết bơi về phía anh Phó đang sải tay bơi ra cứu người…

Sau vụ cứu nạn và người đồng nghiệp vĩnh viễn nằm lại với biển, chị Tâm gần như trở thành người tàn phế. Theo hồ sơ của Bệnh viện Đa khoa thành phố Đà Nẵng, chị bị tổn thương não. Chị ngày ngày cầu mong bình phục để có thể trở lại công việc. Nhưng nhận thấy sức khỏe yếu quá nên chị đành xin tạm nghỉ việc để nhận trợ cấp thất nghiệp 2,6 triệu đồng mỗi tháng, kể từ tháng 4. Chị bảo, mai mốt thấy sức khỏe không cải thiện thì đành phải nghỉ việc.

Chồng chị là anh Thoại làm nghề sửa xe máy hiện giờ gánh vác cả gia đình, trong đó cô con gái lớn đang học đại học năm thứ 2 tại Đà Nẵng. Cứ định kỳ 1-2 tháng, chị lại phải gửi đơn thuốc vào TPHCM để mua thuốc điều trị dài ngày. Chị cho biết, không thể tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội thêm vài năm nữa, nên đành phải tạm dừng và bảo lưu.

Chiều mưa, biển động, tôi cùng chị và cậu con nhỏ 13 tuổi của chị ra bờ biển Tịnh Khê. Chị dừng thật lâu ở nơi mà mình đã chạy về phía biển. Chị cố nhớ lại lúc đó “bơi ra được, nhưng bơi vô thì không được, rồi mọi thứ bắt đầu trở nên tối tăm...”.

Ở xã Tịnh Khê, thỉnh thoảng có đoàn ghé qua thăm hỏi và gửi chị món tiền nhỏ để điều trị bệnh. Gần đây nhất là Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Công an tỉnh Quảng Ngãi đến tặng cho chị 2 triệu đồng. Với một người đi đứng không vững như chị thì số tiền 2 triệu đồng là rất lớn.

Lúc chia tay, chị Tâm bộc bạch rằng, nếu còn sức khỏe mà gặp cảnh học sinh chết đuối thì vẫn tiếp tục nhảy xuống cứu.

Ngày 9/3, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi ký tặng Bằng khen đột xuất cho chị Lê Thị Hồng Tâm vì thành tích dũng cảm cứu người đuối nước. Tuy nhiên, vì lý do chống dịch nên đến đầu tháng 10, UBND xã Tịnh Khê vẫn chưa trao bằng khen. Tử nạn trong khi cứu người đuối nước, anh Phạm Văn Phó được Thủ tướng Chính phủ truy tặng Bằng khen ngày 9/4 (sau đó mấy tháng UBND xã Tịnh Hòa mang bằng khen đến trao cho gia đình).

Bạn đọc gần xa hảo tâm giúp đỡ hoàn cảnh chị Tâm, xin liên hệ:

Chị Lê Thị Hồng Tâm (thôn Tư Cung, xã Tịnh Khê, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) - số điện thoại 0969601945

MỚI - NÓNG