> Về việc FAO khuyến cáo ăn côn trùng: Cần cẩn trọng với chất độc
> Thủy điện Đồng Nai 6&6A: Lẽ ra bác ngay từ đầu
Một trong những biểu hiện điển hình về tác động của con người là biến động bệnh sốt rét. Theo PGS.TS Hồ Đình Trung- Phó Viện trưởng Viện Sốt rét Ký Sinh trùng Côn trùng Trung ương (NIMPE), chỉ hai năm sau khi chuyển đổi một phần diện tích trồng lúa nước sang nuôi tôm nước lợ ở một số nơi của đồng bằng sông Cửu Long, mật độ muỗi Anopheles epiroticus thay đổi hẳn theo chiều hướng tăng mạnh.
Ghi nhận tại tỉnh Bạc Liêu, người ta nhận thấy loài muỗi truyền bệnh sốt rét chính này ở vùng đồng bằng ven biển Nam Bộ tăng hơn 50 lần. Với hiện tượng nước biển dâng do hiệu ứng ấm nóng toàn cầu, các nhà khoa học càng lo ngại sự gia tăng mạnh hơn nữa của vetor sốt rét Anopheles epiroticus.
Kịch bản khó tránh khỏi ở Nam Bộ, vì thế, sẽ là “khi mật độ vector truyền bệnh tăng, mức độ tiếp xúc giữa người với vetor tăng, nguy cơ lan truyền sốt rét trong cộng đồng cũng tăng theo”, TS Trung dự báo.
Dẫu sao, thay đổi nước lợ cũng chỉ có thể dẫn đến thay đổi ở các vùng ven biển với trên 20 triệu dân. Nhưng thay đổi nhiệt độ do suy giảm rừng tự nhiên và tàn phá hệ sinh thái dẫn đến các tác động to lớn ở nhiều nơi rộng lớn hơn, thậm chí trên toàn quốc.
Vẫn theo TS Trung, gia tăng nhiệt độ tại nhiều nơi ở là một trong những yếu tố làm rút ngắn vòng đời của muỗi, dẫn đến tăng tốc độ sinh trưởng và phát triển của các loài muỗi. Hậu quả là kích thước các quần thể muỗi, trong đó có các loài truyền bệnh, tăng lên.
Trước đây, vùng miền Trung-Tây Nguyên chỉ phát hiện hai loài muỗi Anopheles dirus và Anopheles minimus. Gần đây, vùng này đã phát hiện một số loài mới là Anopheles maculatus và Anopheles pampanai. Cả hai loài mới này cũng nhiễm ký sinh trùng sốt rét.
“Mất cân bằng sinh thái khiến nhiều loại vi sinh vật trở nên hung dữ hơn, có thể gây ra nhiều bệnh tật mới nguy hiểm hơn cho con người”. TS Nguyễn Hữu Ninh, chuyên gia về biến đổi khí hậu, Đại học Quốc gia Hà Nội |
Điều đó đồng nghĩa với thực trạng nhiều loài tham gia lan truyền sốt rét hơn. Trong khi mỗi loài có tập tính khác nhau, các biện pháp phòng chống vector hiện tại có nguy cơ không còn hiệu quả. Các nhà khoa học đoán đây có thể là một trong số các nguyên nhân khiến cho lan truyền sốt rét ở một số nơi của miền Trung-Tây Nguyên vẫn duy trì dai dẳng bất chấp các biện pháp phòng chống sốt rét nói chung và phòng chống vector nói riêng được tiến hành tích cực trong nhiều năm.
Dịch bệnh mới
Điều đáng lo ngại hơn cả là các loại dịch bệnh mới ngày càng nhiều.
Gần đây nhất là sự xuất hiện hãi hùng của Aeromonas hydrophila còn gọi là vi khuẩn ăn thịt người. Theo Cơ quan Dược&Thực phẩm Mỹ (FDA), con Aeromonas hydrophila được tìm thấy ở khắp nơi trong tự nhiên, không chỉ trong vùng nước ngọt mà cả nước lợ. Nhiều thế kỷ nay, y văn ghi nhận được rất ít ca bệnh trên người gây bởi loài vi trùng này.
Điều khiến các nhà khoa học quan tâm là tại sao gần đây chúng bỗng dưng đốc chứng, tấn công lên người qua chỗ da trầy xước rồi nhanh chóng ăn thịt nạn nhân theo đúng nghĩa đen, khiến tay chân nạn nhân bị thối rữa, rồi làm suy đa phủ tạng. Tại VN, từ năm 2010 đến nay, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương ghi nhận 10 ca mắc thì bảy ca tử vong.
Suy thoái trầm trọng
GS.TSKH Trương Quang Học, Hội Bảo vệ Thiên nhiên&Môi trường VN, cảnh báo “Đa dạng sinh học của VN đã bị suy thoái trầm trọng”. Từ một quốc gia có diện tích rừng chiếm 72% diện tích toàn quốc, đến năm 1995, diện tích rừng chỉ còn 28%. Đến nay, diện tích rừng tăng lên gần 40% nhưng hầu như toàn bộ số mới phục ấy là rừng trồng, có giá trị đa dạng sinh học rất thấp. Các nhà khoa học đều chung nhận định đa dạng sinh học ở VN tiếp tục suy thoái bất chấp gia tăng công tác trồng rừng.
Trên đất liền đã thế, vùng ven biển và dưới biển cũng không khá hơn gì. Gần năm thập kỷ qua, 80% diện tích rừng ngập mặn cả nước bị hủy diệt trong khi 96% rạn san hô bị đe dọa hủy hoại nghiêm trọng. Sách Đỏ của Liên minh Bảo tồn Quốc tế (IUCN) mới đây đã ghi gần 300 loài ở VN đang bị đe dọa tuyệt chủng.
Không những thế, nhiều giống cây trồng vật nuôi như lúa, đậu tương, ngô, cây ăn quả, các loài cá bản địa cũng theo đó mất dần. “Đây là tổn thất rất lớn trên tất cả các phương diện kinh tế, khoa học, môi trường, nhân văn và, nhất là sức khỏe”, GS.TSKH Trương Quang Học chua xót.
Theo Giáo sư Jeremy Farrar, Giám đốc Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford tại TP Hồ Chí Minh, hủy hoại môi trường hoang dã có thể là nguồn cơn phát sinh sự trỗi dậy của các loài vi sinh vật nguy hại và gây các dịch bệnh mới cho con người.
Nhiều vùng trước đây nhiệt độ thấp vốn không thích hợp cho sinh trưởng và phát triển của muỗi sốt rét. Gia tăng nhiệt độ do mất thảm thực vật và các can thiệp khác của con người mấy năm gần đây khiến các vùng đó ấm hơn, phù hợp với điều kiện sinh sống của muỗi. Kết quả là vùng phân bố của muỗi được mở rộng, sốt rét đã xảy ra ở nhiều nơi trước đó bệnh không lưu hành. |