Hãy xem những nhà sản xuất phân bón đang cho ra đời “phân bón cao cấp”, “phân bón nhập ngoại” như thế nào?
“Mười năm qua, người ta ào ào nhảy vào sản xuất, kinh doanh phân bón. Nhưng ngành này gần như vẫn chẳng có gì thay đổi về chất lượng và công nghệ sản xuất. Trừ số lượng rất ít các công ty lớn, đa số còn lại đang ở dưới đáy thế giới về công nghệ nếu so với các nước trên thế giới”...
TS Nguyễn Đăng Nghĩa, giám đốc Trung tâm nghiên cứu và tư vấn nông nghiệp nhiệt đới, cho rằng công nghệ sản xuất phân bón lạc hậu đang bị các nhà sản xuất quảng cáo vống thành hiện đại, tiên tiến, ngoại nhập.
Toàn bộ số phân giả nhãn hiệu phân bón Đầu Trâu bị lực lượng chức năng tỉnh Bình Định thu giữ.
Sự thật về công nghệ Mỹ và “tiến bộ khoa học”
TP HCM được đánh giá là “ổ” sản xuất phân bón kém chất lượng. Ở đây có hàng trăm doanh nghiệp sản xuất phân bón. Trong một cuộc khảo sát thực hiện vào đầu tháng 11 này, nhóm phóng viên thâm nhập vào 5 doanh nghiệp ngẫu nhiên, thì có đến 4 doanh nghiệp sản xuất phân bón hoàn toàn thủ công, bằng cách dùng cuốc xẻng trộn phân.
Trong số đó, đáng kể đến là Công ty TNHH thương mại thủy sản Tân Hoàng Phát. Sản phẩm phân gây tảo ghi trên vỏ chai là “công nghệ Mỹ”, hay phân bón trung vi lượng Vi-Humic thì ghi là công nghệ ion phân cực. Thế nhưng, bên trong xưởng sản xuất rộng 600m2 thì chỉ có máy trộn bê tông, cuốc, xẻng, chậu nhựa... và hàng trăm tấn phân bón trên bao bao bì in tên là sản phẩm của nhiều công ty khác.
Theo tìm hiểu, công ty này chỉ lấy các loại phân bón của nhiều doanh nghiệp khác, thêm các loại phụ gia rồi dùng cuốc xẻng trộn lại thành một loại phân bón mang nhãn hiệu riêng của công ty. Trên các nhãn hàng, phụ gia không được ghi rõ cụ thể là gì. Còn bên ngoài xưởng sản xuất, khu chứa nguyên vật liệu thì có cả đống đất bột được chở từ nơi khác về.
Với công nghệ sản xuất không thể thô sơ hơn, công ty này tự tin khẳng định làm phân bón quá dễ và giới thiệu đã tồn tại được hơn 6 năm, hàng tiêu thụ nhiều ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Còn tại thị trường Tây Nguyên, phân bón của Công ty TNHH thương mại sản xuất Vân Nguyên (TP HCM), được bán khá phổ biến. Trên nhãn mác hàng chục loại phân bón lá, bón rễ, công ty này tự tin quảng cáo là hoạt tính cao, đậm đặc, hàng cao cấp. Có sản phẩm, doanh nghiệp còn ghi là sản phẩm được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là một tiến bộ khoa học kĩ thuật áp dụng cho cây trồng. Thế nhưng, trả lời phóng viên, lãnh đạo Cục Trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đơn vị chịu trách nhiệm quản lý phân bón hữu cơ lại khẳng định không có bất kì một chứng nhận nào gọi là “tiến bộ khoa học” được cấp cho Công ty Vân Nguyên.
Người phụ trách kĩ thuật của Công ty Vân Nguyên cho biết, công ty này đang sản xuất trên 100 nhãn hàng. Quy mô như vậy, nhưng xưởng sản xuất lại lèo tèo vài chiếc máy tương tự máy trộn bê tông. Riêng phân bón lá, “công nghệ” sản xuất là cho các loại phân nguyên liệu và nước vào thùng nhựa, dùng máy đánh tan phân trong nước. Bước tiếp theo là dùng gáo nhựa múc ra, rót vào các chai dung tích nhỏ rồi dán nhãn “phân bón lá cao cấp”.
Theo TS Nguyễn Đăng Nghĩa, phân bón lá đòi hỏi công nghệ sản xuất hiện đại để cây có thể hấp thụ dinh dưỡng trực tiếp qua lá. Công nghệ sản xuất như trên không thể làm ra phân bón lá đảm bảo chất lượng. Đó là lý do nhiều doanh nghiệp bán phân bón lá nhưng lại hướng dẫn nông dân sử dụng rất ngược đời, rằng pha với nước để tưới xuống gốc.
Từ hàng kém chất lượng đến hàng giả?
Trong số 5 công ty mà nhóm phóng viên thâm nhập, có Công ty TNHH Thiên Ngưu. Đây là doanh nghiệp sở hữu nhãn hiệu phân bón Đầu Trâu 2 đã từng bị bà con nông dân phản ánh là phân kém chất lượng. Xưởng sản xuất có quy mô lớn, hàng chất cao như núi. Chưa kể, xe tải chở hàng thành phẩm đi tiêu thụ ra vào liên tục.
Thế nhưng, ở khu sản xuất, dù có máy móc hoạt động thì cũng chỉ dừng lại ở khâu đóng gói. Các khâu còn lại, công nhân vẫn làm hoàn toàn thủ công. Ông Ngô Duy Minh, giám đốc công ty, cho biết: “Công ty sản xuất khoảng hai chục nhãn. Chủ yếu là NPK. Công nghệ thì chủ yếu là phối trộn thủ công thôi”.
Vẫn là công nghệ cuốc xẻng thô sơ và công ty này cũng làm ra phân bón lá như nhiều doanh nghiệp khác. Giải thích về điều này, ông Minh cho biết, thực chất là phân NPK dạng nước. Làm như vậy thì không cần qua khảo nghiệm chất lượng. Còn để đảm bảo cây vẫn tăng trưởng thì cho chất kích thích tăng trưởng vào.
Đáng chú ý, theo tìm hiểu, Công ty TNHH Thiên Ngưu có sản xuất một sản phẩm mang nhãn hiệu của doanh nghiệp khác. Mặc dù qua điện thoại, ông Ngô Duy Minh khẳng định không sản xuất sản phẩm của công ty nào khác. Nhưng thực tế, tại thời điểm nhóm phóng viên thâm nhập vào xưởng sản xuất, công ty này đang ồ ạt sản xuất một nhãn hàng phân NPK, trên bao bì ghi là sản phẩm của Công ty TNHH Cá Chép Vàng.
Nhập nhèm nhãn mác “phân bón Mỹ”
Một sản phẩm đang được giới thiệu khá rầm rộ với nông dân khu vực đồng bằng sông Cửu Long và vùng Đông Nam Bộ thời gian gần đây là phân bón con cá, hiệu Rapid Hydro. Công ty cổ phần sản xuất và xuất nhập khẩu Quang Dũng tự nhận là nhà phân phối độc quyền tại Việt Nam và giới thiệu Rapid Hydro (đóng chai 1 lít và 5 lít) là sản phẩm được nhập khẩu từ Mỹ. Trên nhãn của sản phẩm cũng ghi dòng chữ “made in USA”, tức xuất xứ Mỹ.
Thế nhưng, tìm đến trụ sở của Công ty cổ phần sản xuất và xuất nhập khẩu Quang Dũng tại khu công nghiệp Từ Liêm (Hà Nội), thì sự thật lại hoàn toàn khác. Phụ trách kinh doanh của công ty này tiết lộ sẽ in nhãn hàng theo mọi yêu cầu của đại lý phân phối. Thực tế, công ty có nhập phân chứa trong các thùng phuy dung tích 1.000 lít, sau đó thực hiện sang chiết, đóng gói là phân bón Mỹ.
Có mặt ở thị trường Việt Nam vào giữa năm 2014, với mác hàng Mỹ, loại phân này đã được tiêu thụ ở 17 tỉnh phía Nam, số lượng khoảng 360.000 lít. Và cũng nhờ nhãn mác phân bón nhập khẩu từ Mỹ, giá bán sản phẩm lên đến 300.000 đồng/lít, cao gấp 2-3 lần sản phẩm cùng loại trên thị trường.
Tương tự, vụ việc ở Công ty cổ phần sản xuất và thương mại Thuận Phong (Đồng Nai) cũng chưa có câu trả lời cuối cùng về những vi phạm liên quan đến nhãn mác và chất lượng phân bón. Công ty này cũng bán ra thị trường một số loại như Vitol, Jackpot, Breakout, dán nhãn phụ tiếng Việt ghi là “Phân bón Mỹ”, còn nhãn gốc ghi “made in USA”.
“Các chai phân bón đó xuất phát từ Công ty Thuận Phong ra chứ không phải nhập về qua cửa khẩu. Hàng nhập khẩu thì mới có nhãn gốc và dán thêm nhãn phụ tiếng Việt. Thế mà anh dán cả hai cái và ghi thông tin như vậy, người tiêu dùng sẽ đương nhiên hiểu là hàng nhập khẩu nguyên chai”, ông Vũ Đại Dương, phó Cục trưởng Cục quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa (Bộ Khoa học và Công nghệ) khẳng định cách ghi nhãn nhập nhèm này có thể giúp nhà sản xuất thu lợi cả về giá và dễ bán hàng hơn.
Tuy nhiên, đáng lo ngại là các loại phân bón như của Công ty Thuận Phong và Công ty Quang Dũng chỉ được kiểm nghiệm và làm hợp quy cho các lô hàng nhập theo các thùng dung tích 1.000 lít. Còn các sản phẩm sau khi đóng chai có dung tích 1 lít, 5 lít thì lại không được kiểm nghiệm, hợp quy. Điều này dẫn đến việc không biết thật sự chất lượng sản phẩm ra sao.
Đó là chưa kể, Công ty Thuận Phong còn “hô biến” công dụng sản phẩm. Trên tờ khai nhập khẩu ở cơ quan hải quan, công ty này nhập phân bón rễ. Thế nhưng khi đưa hàng ra thị trường, công ty lại hướng dẫn nông dân sử dụng với dòng chữ: “dùng như phân bón lá”.
Ông Nguyễn Hạc Thúy, phó Chủ tịch Hiệp hội phân bón Việt Nam cho rằng, đây là hình thức giả công dụng phân bón. Hai loại phân này có chất lượng và giá cả hoàn toàn khác nhau. Việc hô biến từ phân bón lá sang phân bón rễ có thể giúp doanh nghiệp thu về những khoản lợi nhuận không nhỏ, nhưng nông dân thì thiệt hại vô cùng lớn, bởi phun phân bón rễ lên lá thì cây trồng không thể hấp thụ được.
Ông Nguyễn Hạc Thúy, phó Chủ tịch Hiệp hội phân bón Việt Nam:
Thế giới người ta đã ồ ạt sản xuất phân bón bằng công nghệ cao, công nghệ nano, công nghệ phi nguyên tử... thì chúng ta có hàng trăm doanh nghiệp làm phân bón với số lượng vô cùng lớn bằng công nghệ cuốc xẻng. Mà cái cách trộn phân như thế, thêm đất sét vào nữa, thì làm sao đảm bảo chất lượng? Đã thế còn quảng cáo sai sự thật. Thiệt thòi là hàng triệu nông dân phải gánh. Chúng tôi vừa phải gửi thư kêu cứu đến các cơ quan, ban ngành để xử lý các doanh nghiệp sai phạm, loại bỏ dần những gian dối trong ngành này.TS Nguyễn Đăng Nghĩa, giám đốc Trung tâm nghiên cứu và tư vấn nông nghiệp nhiệt đới:
Năm nào chúng ta cũng tổ chức các hội thảo bàn về thực trạng ngành phân bón, với những câu chuyện phân bón giả, kém chất lượng lộng hành. Nhưng năm sau vẫn y như năm trước, tôi không tìm thấy bất cứ sự chuyển biến nào. 1.000 doanh nghiệp sản xuất phân bón. 15.000 doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh phân bón. 7.000 sản phẩm phân bón đã được đăng kí sản xuất và tiêu thụ. Chưa kể, còn vô số sản phẩm đang sản xuất chui. Công nghệ thì khó có thể tồi tàn hơn. Tôi đã có mấy chục năm nghiên cứu mà còn thấy mịt mờ trước ma trận thị trường phân bón. Vậy thì, nông dân của chúng ta, họ biết phải làm sao?Bạch Hoàn ghi