Tản mạn với bà chủ ngựa

Chị Hằng bên con ngựa bạch giống Tây Tạng. Ảnh: Tuấn Nguyễn.
Chị Hằng bên con ngựa bạch giống Tây Tạng. Ảnh: Tuấn Nguyễn.
TPO - Sau hơn chục năm làm ăn ở nước ngoài trở về, sống bằng đủ thứ nghề nhưng đều thất bại, trong lúc gần như tuyệt vọng bất ngờ nhìn thấy con ngựa bạch chạy trên triền đê sông Hồng, chị Hằng nảy sinh ý tưởng phát triển mô hình nuôi ngựa bạch.

Trang trại ngựa bạch Vạn An (xã Yên Mỹ, huyện Thanh Trì, Hà Nội) được coi là mô hình trang trại đầu tiên ở nước ta nghiên cứu, bảo tồn gen, nhân giống và nuôi thành công loài ngựa bạch quý hiếm. Đập vào mắt chúng tôi là hình ảnh một người phụ nữ trạc ngoài 50 tuổi chân chất, giản dị đang chăm chút cắt tỉa cây cối, cùng các nhân viên bố trí lại khuôn viên trang trại Vạn An. Nhìn vẻ ngoài, ít ai nghĩ đây là một doanh nhân thành đạt, chủ nhân một trang trại ngựa bạch lớn hàng đầu cả nước. Niềm nở đón tiếp chúng tôi, chị giới thiệu mình là Nguyễn Thị Thanh Hằng (SN 1957), một người con Hà Thành, chủ trang trại.

Đến bây giờ, chị vẫn chưa hết xúc động khi nhớ lại những ngày đầu khởi nghiệp đầy gian nan. Tốt nghiệp trường Quản lý Kinh tế, chị Hằng về công tác tại Tổng cục Thuế từ năm 1980. Kinh tế khó khăn, lương không đủ sống, chị Hằng đi xuất khẩu lao động bên Đức với hy vọng tích cóp được ít vốn về nước phát triển kinh doanh, thương mại. Ngày chị đi, cô con gái lớn mới tròn 14 tháng tuổi.

Tản mạn với bà chủ ngựa ảnh 1

Công nhân cho ngựa ăn cỏ. Ảnh: Tuấn Nguyễn

Năm 2001, chị Hằng trở về quê hương lập nghiệp. Mới đầu, chị buôn bán các mặt hàng tiêu dùng, rồi mở nhà máy tự sản xuất nước tẩy rửa, thức ăn chăn nuôi gia súc. Tuy nhiên, duyên kinh doanh của chị dường như chưa đến, thua lỗ chồng chất. Nhiều lần suy tính, chị nghĩ nếu mình tận dụng nguồn thức ăn tự sản xuất ra để chăn nuôi và bán thành phẩm sẽ hiệu quả hơn rất nhiều, ý nghĩ ấy đã thôi thúc chị lập trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm. Sau nhiều ngày tìm kiếm, chị liều bỏ vốn thuê bãi đất hoang hóa, cỏ mọc um tùm trên cánh đồng rộng mênh mông ngoài bờ đê xã Yên Mỹ, huyện Thanh Trì mở trang trại...

Ban đầu, trang trại của chị chủ yếu chăn nuôi trâu bò, lợn gà. Sau 2 năm, ảnh hưởng của dịch tai xanh, dịch cúm gia cầm bên ngoài, đàn gia súc, gia cầm của chị dù hoàn toàn khoẻ mạnh, đến thời điểm xuất chuồng lại không bán được hoặc phải chấp nhận bán giá thấp bởi tâm lý e ngại của người dân. Năm 2007, trong lúc tưởng chừng như tuyệt vọng, chợt nhìn thấy một con ngựa bạch chạy trên triền đê sông Hồng, chị Hằng nảy sinh ý tưởng táo bạo: phát triển mô hình nuôi ngựa bạch.

Tản mạn với bà chủ ngựa ảnh 2

Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho chị Hằng. Ảnh: Tuấn Nguyễn.

Được sự động viên, ủng hộ của Hội Thú y Việt Nam, trực tiếp là bác sĩ Hoàng Triều - Ủy viên Thường vụ Ban chấp hành Trung ương Hội Thú y Việt Nam, mô hình nuôi ngựa bạch ra đời từ đó. Chị Hằng cùng bác sĩ Hoàng Triều lặn lội lên tận Cao Bằng, Lạng Sơn lùng mua ngựa bạch. Giá ngựa thời đấy khoảng vài triệu đồng một con. Mua về nuôi được khoảng 10 con, nhận thấy nhu cầu mua cao ngựa ngày càng cao và lo sợ một ngày nào đó giống ngựa này tuyệt chủng, chị Hằng lại đi khắp các vùng núi hiểm trở lùng mua ngựa bạch.

Giống ngựa bạch Việt Nam có sức sinh sản tốt nhưng tầm vóc bé nhỏ. Nghe mách ngựa bạch Tây Tạng cao to, có thể lai tạo cho ra giống tốt, chị Hằng lại lặn lội lên các vùng biên giới, đặt những người buôn ngựa bản địa tìm mua. Giá một con ngựa bạch Tây Tạng giống lên tới 40-45 triệu đồng, chị Hằng lại phải vay mượn, cầm cố nhà của anh, em họ hàng mới đủ tiền để mua. Mua được chục con về rồi mới vỡ ra khó khăn chưa có chút kinh nghiệm chăn nuôi giống ngựa này, sau một thời gian ngắn 10 con ngựa chỉ còn sống một. Quyết không thất bại lần nữa, chị Hằng đã cùng bác sĩ Hoàng Triều và các thành viên Hội Thú y tìm ra căn bệnh khiến ngựa chết do đau bụng bởi chế độ ăn uống không phù hợp. Sau đó, một phác đồ điều trị được đưa ra. Chị lại cùng mọi người lân la tìm mua giống ngựa Tây Tạng về lai tạo.

“Ngựa bạch đẻ rất ít, tỷ lệ sinh đẻ chỉ đạt 25%. Sau khi được lai tạo, đã đạt tới 80-85%. Thông thường, ngựa chửa 11 tháng mới đẻ. Được một tháng lại có thể phối giống nên một năm sau lại đẻ tiếp. Ngựa con nuôi được 8-9 tháng thì tách ra bán cho các thương lái. Hiện nay, cả trang trại có khoảng 100 con ngựa bạch, cả thuần chủng giống Tây Tạng và ngựa lai” – chị Hằng phấn khởi cho biết.

Với kinh nghiệm chăm sóc, lai tạo, trang trại ngựa Vạn An rộng khoảng 7ha hiện nay không chỉ đem lại lợi nhuận cao cho chị Hằng mà còn đảm bảo đời sống cho hàng chục công nhân. Cũng bởi đam mê công việc mà chị Hằng phải chấp nhận cuộc sống vợ chồng, con cái xa cách. Hiện chồng chị đang công tác trong TPHCM cùng cô con gái cả, còn người con trai út đang du học ở nước ngoài. Năm hết, Tết đến, chị lại chờ mong đến ngày gia đình cùng đoàn tụ, sum vầy bên mâm cỗ ấm áp, đủ đầy, đón chào một mùa xuân mới.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.