Tản mạn Tết quê

Tản mạn Tết quê
TPO - Sau bảy năm xa nhà, tôi quyết về Hoa Lư ăn Tết mấy ngày. Về làng vạ mỗi nhà một bữa, mẹ già mừng, anh chị em và các cháu vui có lì xì, họ hàng tự hào vì thằng cháu thành đạt, dù chả biết tôi nghề ngỗng gì ở xứ người.

Chó sủa chán rồi cũng vẫy đuôi chào “công dân toàn cầu” về quê. Chú cẩu khôn lắm, đoán thế nào cũng được gặm xương gà.

Tản mạn Tết quê ảnh 1
Gói bánh chưng quê. Ảnh : Hiệu Minh

Biến đổi của thời cuộc

Thời bao cấp công tác ở Hà Nội chiều 26 Tết chen lấn mua vé xe bus kể cả trèo lên xe tải, vai vác bị cói có bánh chưng, gói bích qui gia công, nửa cân mỳ chính để mẹ chia quà năm mới.

Vạ vật đến mồng 6 mới tìm cách về thành phố, ra sớm bếp ăn tập thể chưa mở. Khi đi, mẹ cho thêm chục cân gạo, con gà và ít hoa quả vườn nhà, lòng lâng lâng vì được no cả tháng. Tết quê xưa sao đầm ấm tình người.

Thời mở cửa, có xe máy nên chiều 30 mới mò về. Mắt trước mắt sau mồng 2 Tết đã chuồn vì người yêu hẹn. Con gà, trái quả mẹ cho không lấy nữa “ở ngoài đó, con chả thiếu gì”. Có của ăn của để đã thấy nhạt dần tình quê hương.

Chục năm gần đây, đi xe máy hàng trăm cây mỏi lưng, thuê cái bốn bánh, cả gia đình về cho oai. Ở một ngày rồi lý do phải đi thăm nhà ngoại, hẹn bạn tới ăn cơm. Mẹ nước mắt ngắn dài, sao anh không ở lâu như ngày xưa.

Lần này mang theo chăn màn, chai nước lọc mấy lít, bộ quần áo, về quê ở hẳn 3 ngày, chả khác gì đi du lịch. Mấy hôm trước nóng như mùa Hè, bỗng sáng 29 lại rét ngọt, tiết sang Xuân. Gặp ai cũng vui “Anh về Tết bao giờ? Được lâu không? Bao giờ đi?”. Ở làng này hay lắm, chưa về đã hỏi ngày đi. Thấy yêu Tết làng quê đến lạ lùng.

Chuyện anh bạn vong niên và người chú thông tuệ

Thăm bạn học cũ U60 gần nhà. Trời khá lạnh mà anh vẫn đánh chiếc quần đùi, gói bánh chưng nhoay nhoáy, gạo nếp, đậu không đãi vỏ, thịt nạc lẫn mỡ tẩm hạt tiêu. Vừa gói bánh, vừa kể chuyện cuộc đời.

Mồ côi cha từ bé, học đến lớp 5 anh nghỉ ở nhà, giúp mẹ chèo đò qua sông Hoàng Long.

Lấy vợ cùng lớp, đẻ một lèo 6 cô con gái và một trai út, chắc do cố “nếp tẻ”. Ba cô lấy chồng và có con. Ba cô còn lại chưa cùng ai, đang làm lò gạch gần nhà. Anh đã lên hàng ông ngoại. Vợ ốm chết năm 1985 vì thương hàn. Muốn ở vậy, nhưng trời lại không chiều.

Năm ngoái anh cưới vợ hai, chắc ít tuổi hơn cả con gái út. Chị mới sinh con trai kháu khỉnh.

Đất nước có bình quân thu nhập 1000$/người/năm, đường du lịch cạnh nhà rộng chục mét lên chùa Bái Đính. Con đê qua làng Tụ An bỗng mở rộng thành 10 mét. Chú tôi hoa mắt, suýt ngã, khi có người đến hỏi mua 10 triệu/m2, vì ông có tới 3 sào vườn.

Sông Hoàng Long đang được nạo vét để thành nơi du lịch bằng thuyền. Lò gạch cạnh nhà sắp thành bãi đỗ ô tô. Du khách sẽ được đi xe ngựa 10 km từ xóm Tụ An lên chùa Bái Đính. Một tương lai sáng lạn đang đến miền đất này.

Ngoài thành phố những nhà cao tầng vươn lên trời xanh, ô tô xịn hàng triệu đô la, những ông chủ tiêu tiền như rác.

Nhưng với anh, mái tranh nghèo không hề thay đổi suốt mấy chục năm nay. Cuộc đời người bạn vong niên kia không hề khác xưa. Chỉ số phát triển kinh tế quốc gia cao chót vót ở đâu đó trên trời thôi.

Trong đầu người bạn học, blog, facebook, chiến tranh Iraq, Obama, biên giới hải đảo, thế giới toàn cầu hóa hay hội nhập, là cái gì đó xảy ra trên thiên đường, hoàn toàn xa lạ. Chỉ có đứa con trai bé bỏng là có thật trên đời, một thứ hạnh phúc sờ được, ngửi được, kể cả mùi nước đái của nó.

Người chú họ tôi năm nay 74 nhưng tóc vẫn chưa bạc. Đi bộ đội từ 1960 đến 1970. Ở quê mà ông biết tường tận nước Mỹ khi mới thành lập có 13 bang. George Washington đến từ nước Anh. Tổng thống đương nhiệm Barack Obama gốc Kenya, người của đảng Dân Chủ. Mỹ tấn công Iraq là vì dầu hỏa, Trung Quốc đang lên ngôi bá chủ dù “anh” này còn khá nghèo trong mặt bằng dân chúng.

Chú còn bảo “Mày sang Mỹ nhưng xách dép cho thằng bán thịt dê Thanh Cao. Đừng có vênh mặt lên mà hớ đó”. Rồi ông rất khổ tâm với cái gì cũng phải tiền, không biết hy sinh như các chú thời xưa.

Không có tủ sách nào, báo chí lại càng không. Thông tin có được là do xem tivi, nghe bàn tán. Blog ư, “tao chả biết là cái chó gì”.

Chú tôi ở ngay sau nhà anh bạn U60 trên. Hai gia đình, hai thế giới tri thức, hai cảm nhận về xã hội hoàn toàn khác biệt dù họ cách nhau đúng một bờ rào.

Tết đã hết xưa

Nhớ những chiều cuối năm, nước sông lên trong vắt, bố sai con cắt lá dong, mang ra bến rửa. Đôi bờ nhộn nhịp. Lợn kêu eng éc, tiếng giã giò vang khắp xóm cùng thôn, hương trầm bay thơm ngát, pháo nổ râm ran. Trên bến dưới thuyền hỏi năm nay đánh đụng mấy đùi lợn, gói bao nhiêu bánh chưng. Tết ấy đã xưa rồi và làng bên sông cũng chẳng còn.

Bây giờ ít người gói bánh chưng, không nghe thấy tiếng lợn kêu, chả còn ký kếch tiếng chầy. Ra chợ làm một “thúng” Tết, bệ lên bàn thờ, thế là xong.

Lâu lắm mới nằm giường quê, xóm làng yên tĩnh trong đêm chờ Xuân mới. Ngoài sân mưa bay lất phất, hoa bưởi bên cửa sổ thơm dìu dịu...

MỚI - NÓNG
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
TPO - Từ tháng 4/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông; không xét danh hiệu “Lao động tiên tiến” với người tuyển dụng dưới 6 tháng; quy định mới về xét danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú"...
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
TPO - Lãnh đạo Công an huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) cho biết, việc khởi tố 2 bị can liên quan múc đất công trình cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột mang đi bán là hồi chuông cảnh báo. Công an huyện sẽ kiểm tra, xử lý các xe quá khổ, quá tải, nhất là việc múc đất của dự án đổ đi nơi khác không đúng quy định.