Tản mạn quanh một lời khen

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong cuộc gặp lịch sử.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong cuộc gặp lịch sử.
TP - Cuối giờ sáng ngày 27/4/2018, cuộc gặp Thượng đỉnh liên Triều giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in  và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cùng động tác bắt tay thân mật và nụ cười cởi mở tại đường phân định ranh giới trong Khu Phi quân sự liên Triều đã nhanh chóng giành được sự đồng tình, đồng cảm của cả thế giới.

Những kết quả quan trọng đạt được và sự thân mật của hai nhà lãnh đạo được Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh ca ngợi bằng những lời có cánh. Và như một ngoại lệ trong công việc phát ngôn, theo AFP,  bà còn dẫn lại hai câu của một bài thơ để minh họa cho ấn tượng bất ngờ và sâu sắc ấy, đại ý Chúng ta vẫn là anh em sau tất cả những thăng trầm/ Hãy từ bỏ hận thù cũ và mỉm cười khi chúng ta gặp lại.

Bà Hoa không ngỏ tiếp rằng lời ấy được trích từ bài thơ nào? tác giả là ai?

Mạn phép bạn đọc, người viết bài này với sở học thô lậu thử bày biện ra đây chút sở đoản hẹn hẹp của mình. Rất mong được các bậc thức giả chỉ giáo!

 Đó là hai câu thơ trích trong bài Đề tam nghĩa tháp mà văn hào Trung Quốc Lỗ Tấn viết năm 1933.

Lỗ Tấn xứng danh  văn hào Trung Hoa thời cận đại với khối lượng sáng tác phong phú những tiểu thuyết, kịch, tạp văn… (trong đó có AQ chính truyện). Ngoài ra, Lỗ Tấn còn có một tập thơ trên 80 bài. Nhớ năm xa ấy, các GS Lê Đức Niệm, Nguyễn Xuân Hòa, Lê Huy Tiêu… của Khoa Văn ĐH Tổng hợp Hà Nội đã từng khai nhỡn cho đám học trò chúng tôi văn và thơ Lỗ Tấn. Cả bài Đề  Tam Nghĩa tháp thì bập bõm, nhưng lạ thế, vẫn mồn một hai câu kết bài thơ.

Bài thơ ấy thế này (xin xem thêm thủ bút của tác giả trong bài):

Đề Tam Nghĩa Tháp.

Bôn đình phi phiêu tiêm nhân tử,

Bại tỉnh tàn viên thặng ngã cưu.

Ngẫu trị đại tâm ly hỏa trạch,

Chung di cao tháp niệm Doanh châu.

Tinh cầm mộng giác nhưng

                hàm thạch,

Đấu sĩ thành kiên cộng kháng lưu.

Độ tận kiếp ba huynh đệ tại,

Tương phùng nhất tiếu mẫn ân cừu.

(Trên bài thơ có dòng đề từ của Lỗ Tấn: Tháp Tam Nghĩa là tháp chôn di cốt con chim câu ở Tam Nghĩa lí, Hạp Bắc, Thượng Hải, Trung Quốc)

Xin trưng ra đây bản dịch của cụ Phan Văn Các, một nhà Trung Quốc học tài hoa.

Đạn bom lửa thép bao người chết

Thoi thóp đói mềm một chú câu

May gặp lòng nhân, rời hoả ngục

Được xây ngọn tháp,

                nhớ Doanh Châu

Chim thiêng tỉnh mộng còn đem đá

Chiến sĩ kiên gan sát cánh nhau

Qua khỏi kiếp ba, huynh đệ mất

Gặp nhau cười nụ hết oan cừu.

Tản mạn quanh một lời khen ảnh 1 Bài Đề Tam Nghĩa tháp của Lỗ Tấn (Thủ bút của Xuân Ba).

Thuở ấy, học trò của GS Niệm thấy ông thày có lý khi ông cặn kẽ rằng, nội dung bài thơ cũng… thường thôi nếu so với nhiều bài khác uyên thâm, hàm súc của Lỗ Tấn. Nhưng chất giọng GS thao thiết về cái  hai câu kết mà GS tấm tắc dường như nó là điểm nhấn điểm nhãn của cả bài thơ. Rằng bản dịch của Phan Văn Các đã đạt nhưng vẫn chưa toát yếu hết những ngữ nghĩa của cụm từ độ tận kiếp ba (trải suốt cả một cuộc đời sóng gió) may mà anh em còn đây. Còn chữ mẫn trong câu cuối của nguyên bản có 7 nghĩa. Mẫn của Lỗ Tấn dùng thuộc nghĩa thứ ba là chìm, mất. Vậy nên hiểu câu cuối là gặp nhau đây cười lên một tiếng mọi oán thù xóa hết…

 Sở dĩ có điểm nhãn ấy bởi cuộc đời Lỗ Tấn ngoài những đoạn đắc chí văn chương thì đa phần là bi kịch? Bi kịch từ cuộc hôn nhân không nguyện ý tới sự rạn nứt tình anh em ruột thịt phải chia lìa? Dường như bi kịch cá nhân ấy đã ám vào đời sống văn chương thơ phú của Lỗ Tấn? GS Niệm thả và mở cho đám chúng tôi những phỏng, những đoán những suy diễn có lý chứ không khi nào vội vã cái việc kết luận? (Sau này mới biết đó là cái cách truyền thụ phương pháp cảm thơ cổ của GS). Loáng thoáng nghe thêm, hai câu kết ấy trong bài thơ của Lỗ Tấn nổi tiếng đến mức dường như đã trở thành thứ thành ngữ mà trong đời sống người Trung hoa Hay viện dẫn hay trích để chỉ sự hòa giải,  đoàn tụ!

Tản mạn quanh một lời khen ảnh 2 Độ tận kiếp ba huynh đệ tại/ Tương phùng nhất tiếu mẫn ân cừu. (Trải qua cơn sóng gió/ tình anh em vẫn còn/ Gặp nhau cười một cái quên hết oán thù) – Thủ bút của Xuân Ba.

Mùa xuân 1999, tôi may mắn có mặt trong nhóm báo chí tháp tùng chuyến thăm hữu nghị chính thức CHND Trung Hoa của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu. Ngoài Bắc Kinh, Đoàn đã thăm Khách sạn Kim Ngưu (Trâu Vàng) ở Thành Đô, đến chính cái căn phòng mà chúng tôi được giới thiệu là nơi diễn ra cuộc gặp lịch sử Thành Đô bàn về việc bình thường hóa quan hệ Việt - Trung.  Được giới thiệu cung cách bài trí căn phòng nghe nói vẫn giữ nguyên như thời điểm cuối năm 80 ấy. Chỗ ngồi của các yếu nhân Giang Trạch Dân, Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười… vẫn còn kia.

Cuối cuộc thăm, một đồng nghiệp của Tân Hoa xã đã hào phóng chia sẻ với đồng nghiệp Việt Nam vài câu chuyện cụ thể của cuộc gặp lịch sử năm ấy. Trong đó có chi tiết, kết thúc cuộc hội đàm, TBT Giang Trạch Dân đã đọc tặng Đoàn Việt Nam hai câu thơ: Độ tận kiếp ba huynh đệ tại/ Tương phùng nhất tiếu mẫn ân cừu (Trải qua cơn sóng gió, tình anh em vẫn còn/ Gặp nhau cười một cái quên hết oán thù).

Tôi giật mình. Tưởng như thầy Lê Đức Niệm đang ở  đâu đây!

Thêm một ngạc nhiên, đồng nghiệp THX ấy nói rằng TBT Giang Trạch Dân dẫn câu thơ ấy nói tác giả là của Giang Vĩnh chứ không phải Lỗ Tấn!

Thế là thế nào? Thấy tôi phản ứng một cách vội vã, rằng theo thiển ý của mình đó là thơ của Lỗ Tấn! Ngay tức khắc, ông bạn cười, ở Trung Quốc nhiều người cũng coi hai câu ấy của Lỗ Tấn. Rằng  Giang Vĩnh (1681-1762), nhà thơ thuộc đời Thanh. Mà TBT Giang Trạch Dân quê ở Giang Loan, Vụ Nguyên (nay thuộc Giang Tây). Giang Vĩnh là danh nhân  nổi tiếng ở vùng này, chắc hẳn TBT Giang Trạch Dân biết rõ về Giang Vĩnh? Như vậy có thể Lỗ Tấn đã mượn ý hoặc câu thơ ấy của Giang Vĩnh đưa vào bài thơ Đề Tam Nghĩa Tháp chăng?

Thôi thời gian không có đành tạm gác lại một tồn nghi ấy.

Sau này tôi có được ngó qua đoạn hồi ký của ông Trương Đức Duy, nguyên Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam những năm 80. Hồi ký với cái tên  Trung Quốc cao cấp Thành Đô mật đàm hội ngộ nhất niên hậu quan hệ (chính) bình thường hóa (Cuộc gặp mật cấp cao Trung-Việt ở Thành Đô – Một năm sau bình thường hóa quan hệ). Trong hồi ký, ông Trương cũng nhắc lại chi tiết, sau thời điểm TBT Giang Trạch Dân đọc tặng hai câu thơ ấy, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười có gặp ông nhờ chép lại nguyên văn và ngữ nghĩa của hai câu thơ đó. Ông Duy còn kể rằng về Hà Nội được ít ngày, ông còn được đọc một bài thơ do chính Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh viết thể hiện tâm trạng cảm khái của mình như một dạng họa lại. Ông có chép lại bài thơ này, nhưng do chưa tìm được nguồn tư liệu xác tín để xác minh, đối chiếu nên chúng tôi không chép vào đây.

… Năm tháng vùn vụt trôi. Từ mật đàm Thành Đô năm ấy đến thời điểm này, quan hệ Việt - Trung liệu có thể nói đã lặng đi những kiếp ba với ân cừu?

Chúng ta vẫn là anh em sau tất cả những thăng trầm/ Hãy từ bỏ hận thù cũ và mỉm cười khi chúng ta gặp lại.  Mong sao hai miền Nam Bắc  của xứ Hàn,  một khi ai đó đã nhắc đã vận đến câu thơ của Lỗ Tấn thì việc hòa giải cởi bỏ oán thù không vấp phải những trục trặc lận đận này khác?  Mà sao được như  thơ của Tố Hữu từng viết về Triều Tiên từ mãi năm 1953: Ngày mai tươi mát hát trên đất Triều.

Câu thơ của Lỗ Tấn, vâng rất nổi tiếng. Cũng nổi tiếng như câu thành ngữ cũng của Trung Hoa Ngôn Dị Hành Nan - tức là nói thì dễ nhưng làm thì khó.  Nên vẫn phải gắng gỏi và cảnh giác.  

MỚI - NÓNG