Tản mạn quanh chiếc áo số 10

Tản mạn quanh chiếc áo số 10
TPCN - Mỗi lần đứng trước một trận đấu lớn, tôi luôn bị ám ảnh bởi hai con số: 7 và 10. Số 7 là hình ảnh của anh chàng người Pháp ngỗ ngược, cổ áo dựng ngược nhưng có phong cách chơi bóng hào hoa Eric Cantona. Còn số 10?
Tản mạn quanh chiếc áo số 10 ảnh 1
Bao giờ sẽ có số 10 mới và... sạch?

1. Tôi chưa bao giờ dám thừa nhận Cao Cường là thần tượng sân cỏ của mình. Bởi thật ra, với lứa hậu sinh như chúng tôi được xem Cao Cường đá, thể hiện tài nghệ săn bàn trên sân cỏ thì ít, còn phần lớn chỉ là được nghe kể về những pha săn bàn thính nhạy của anh.

Tuy vậy, trong cái góc nhỏ những cầu thủ VN mà tôi yêu thích, Cao Cường bao giờ cũng được tôi xếp vào vị trí số 1. Đơn giản Cao Cường là “người” Thể Công- đội bóng VN mà tôi luôn dõi theo từng bước.

Lần duy nhất mà tôi được chứng kiến Cao Cường thi thố trên sân cỏ, anh chỉ xuất hiện vỏn vẹn… 10 phút.

Khi ấy chỉ mới là một cậu bé, tôi mải mê ngắm nhìn số 10 của Thể Công, cố ghi vào trí nhớ mình hình ảnh một cầu thủ cao lớn, “dày cơm”, “lì đòn” để sau này đọc qua từng trang báo, Cao Cường được khắc họa lên bằng hình ảnh trung phong chơi bóng thông minh với tốc độ dốc bóng nhanh không thể tưởng.

Số 10 của Thể Công là kỷ lục (24 bàn thắng ở mùa giải 1982-1983), là cái danh hiệu cá nhân duy nhất mà bóng đá VN trong thế kỷ 20 từng lưu giữ: “Cầu thủ xuất sắc nhất 20 năm” do báo Lao Động tổ chức.

2. Tôi chỉ thực sự bắt đầu chú ý đến Văn Quyến khi số 10 của SLNA còn mang áo số… 21. Lúc đó, Quyến là “em út” của ĐTVN ở Tiger Cup 2002. Chiếc áo số 21 là một sự liều lĩnh mà ông thầy đầy cá tính Calisto thổi vào ĐTVN, bất chấp những lời nghi ngại Quyến sẽ “chột” vì không ai lại đôn một cầu thủ chưa bao giờ đá giải VĐQG lên thẳng đội tuyển như thế.

Quyến lúc đó mặc áo số 21, nhưng thực chất đã có thể ngầm hiểu, Quyến sẽ kế tục chiếc áo số 10 của Huỳnh Đức ở ĐTQG. Với cá nhân tôi, Quyến đáng mặc áo số 10 hơn Huỳnh Đức, bởi ngay cả thời đỉnh cao phong độ, Đức chưa bao giờ được nhìn nhận là một số 10 thực sự xuất sắc vì chỉ giỏi ghi bàn ở những… “trận đấu nhỏ”.

Ở Tiger Cup năm ấy, ông Calisto tuy bảo vệ Quyến đến cùng trước báo chí, công luận nhưng nhất định không chịu tung Quyến vào sân nhiều hơn. Còn trên sân tập, Quyến là cầu thủ duy nhất của ĐTVN lúc đó bị phê là… lười tập.

Dẫu sao, chỉ ít phút xuất hiện trên sân Senayan, Quyến đã trở thành tâm điểm chú ý của báo giới. Thậm chí, có tin đồn là ngay cả CLB Everton (Anh) cũng ngắm nghía, săn đón Quyến. Câu trả lời chắc nịch của Quyến khi đó: “Em muốn cống hiến cho SLNA”.

Thực tế, sau cái lần khởi đầu bỡ ngỡ ở Tiger Cup 2002, Quyến đã lớn nhanh hơn sức tưởng tượng. Thăng hoa ở SLNA, thăng hoa cùng U23 VN ở SEA Games 22, để tạo nên những bàn thắng mang dấu ấn “cầu thủ của những trận đấu lớn”.

3. Bây giờ thì người kế tục số 10 xứng đáng nhất của Cao Cường đã sa chân. Với người hâm mộ, chiếc áo số 10 một lần nữa để ngỏ. Hy vọng với sự chuyển động không ngừng của trái bóng tròn, ắt hẳn ở chu kỳ mới bóng đá VN sẽ sản sinh thêm một số 10 mới đủ để ám ảnh người hâm mộ. Song, có một điều cầu ước: mới nhưng phải… sạch!

MỚI - NÓNG