Tân Hoa Xã, Nhân dân Nhật báo đăng bài đậm nét về chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

TPO - Báo chí Trung Quốc, đặc biệt là Tân Hoa Xã và Nhân dân Nhật báo, những ngày qua có các bài viết thể hiện sự coi trọng cá nhân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đánh giá cao chuyến thăm mới nhất của ông tới Trung Quốc.

Rạng sáng 30/10, Tân Hoa Xã đăng bài viết “Hồ sơ: Ông Nguyễn Phú Trọng - Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam”. Tân Hoa Xã đăng bài “Hồ sơ” dạng này với những vị khách nước ngoài đặc biệt, có vai trò, đóng góp lớn đối với quan hệ với Trung Quốc.

Nhận lời mời của Tổng Bí thư-Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, sáng nay (ngày 30/10), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời Hà Nội đi thăm chính thức Trung Quốc từ ngày 30/10 đến ngày 1/11. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã ra sân bay tiễn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đoàn.

Bài viết của Tân Hoa Xã đăng chi tiết về quê quán, trình độ, bằng cấp và quá trình công tác của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng như liệt kê các chuyến thăm của ông tới Trung Quốc.

Bài viết có đoạn viết: “Ông Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Trung Quốc từ ngày 30/10 theo lời mời của Tổng Bí thư-Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ông Trọng sinh năm 1944 tại xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Hà Nội, là giáo sư, tiến sĩ chính trị. Từ năm 1967 đến năm 1996, ông Trọng làm phó trưởng ban, rồi trưởng ban xây dựng Đảng của Tạp chí Cộng sản, rồi làm ủy viên ban biên tập, phó tổng biên tập, tổng biên tập của tạp chí. Ông là Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội từ tháng 8/1996 đến tháng 2/1998… Ông là Chủ tịch Quốc hội từ tháng 6/2006 đến tháng 7/2011… Ông Trọng đến thăm Trung Quốc vào các năm 1992, 1997, 2001, 2003 và 2007. Sau khi nhậm chức Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam vào năm 2011, ông đã đến thăm Trung Quốc vào tháng 10/2011, tháng 4/2015, tháng 1/2017…”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư-Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng 4/2015 tại Bắc Kinh. Ảnh: Xinhua.

Nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên thăm Trung Quốc sau Đại hội Đảng XX

Ngày 25/10, Hoàn cầu Thời báo, phụ bản của Nhân dân Nhật báo, đăng bài viết với tiêu đề: “Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên thăm Trung Quốc sau đại hội quan trọng của Đảng Cộng sản Trung Quốc, nêu bật ưu tiên của quan hệ song phương”. Bài báo có các ý chính sau.

Việt Nam và Trung Quốc là hai nước xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, có chung lợi ích về tư tưởng, an ninh chính trị, hội nhập hơn về kinh tế. Vì vậy, chuyến thăm sẽ nêu bật niềm tin và thành tựu của hai nước trong việc kiên định giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, thể hiện quyết tâm đi theo con đường xã hội chủ nghĩa, qua đó thúc đẩy hơn nữa quan hệ hai Đảng, hai nước.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫy chào các vị lãnh đạo cấp cao Đảng, Nhà nước ra tiễn tại Sân bay quốc tế Nội Bài sáng 30/10/2022. Ảnh: TTXVN.

Việc ông Nguyễn Phú Trọng trở thành nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên đến thăm Trung Quốc cho thấy tầm quan trọng của mối quan hệ giữa hai nước cũng như giữa hai đảng cộng sản, ông Zhuang Guotu, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á của Đại học Hạ Môn (Trung Quốc), nói với Hoàn cầu Thời báo.

Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc luôn định hướng và dẫn dắt sự phát triển của quan hệ Việt-Trung. Sự giao lưu, hội đàm giữa các nhà lãnh đạo của hai đảng là một đặc điểm quan trọng và độc đáo trong sự phát triển của quan hệ Việt-Trung; điều này cũng đảm bảo rằng sự phát triển đó luôn đi đúng hướng bất chấp sự khác biệt của hai bên về vấn đề Biển Đông, ông Zhuang nhận định. Theo ông Zhuang, chuyến thăm mới nhất của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Trung Quốc được dự đoán sẽ giúp quản lý những khác biệt để tránh rủi ro trên Biển Đông, và hơn thế nữa thúc đẩy quan hệ song phương.

Một học sinh Việt Nam cầm quốc kỳ Việt Nam và Trung Quốc. Ảnh: VCG.

Chuyến thăm cũng được kỳ vọng sẽ thúc đẩy hợp tác kinh tế hai nước. Bai Ming, Viện phó Viện Nghiên cứu thị trường quốc tế thuộc Viện Hợp tác kinh tế và thương mại quốc tế Trung Quốc, cho rằng quan điểm nhất quán của hai nước là phát triển hợp tác kinh tế song phương. Qua chuyến thăm, sự hợp tác kinh tế giữa hai nước có thể đạt mức cao hơn. Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam bất chấp tác động tiêu cực do đại dịch COVID-19, điều này phản ánh cách hai nước coi trọng mối quan hệ và giúp đỡ lẫn nhau, đặc biệt là trong thời điểm khó khăn. Dữ liệu cho thấy nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc tăng 30%, đạt 110 tỷ USD vào năm 2021.

Trung Quốc tiếp tục thực hiện cải cách, mở cửa và đã đạt được những thành tựu, vượt qua khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội, có thể cung cấp kinh nghiệm quý cho Việt Nam. Chuyến thăm của nhà lãnh đạo Việt Nam sẽ tạo tiền đề hoàn hảo để hai nước trao đổi những kinh nghiệm đó và học hỏi lẫn nhau, ông Zhuang nói.

Ngoài ra, do Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), thỏa thuận thương mại tự do này đã mở ra không gian rộng lớn hơn cho hợp tác kinh tế và thương mại giữa hai nước. Ông Zhuang cho rằng, chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng được kỳ vọng sẽ thúc đẩy sự gắn kết và ảnh hưởng của RCEP.

Ngày 12/11/2017 tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Tổng Bí thư-Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Xinhua.