Tận dụng công nghệ, mạng xã hội để phổ biến, giáo dục pháp luật trong thanh thiếu nhi

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Theo các đại biểu, Đoàn Thanh niên cần tận dụng công nghệ, mạng xã hội để tăng cường phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật đến đối tượng thanh thiếu nhi; nội dung tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng, địa bàn, lĩnh vực; đồng thời lan tỏa gương điển hình tiêu biểu trên các lĩnh vực. 

Ngày 14/7, tại Hà Nội, Thường trực Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật T.Ư làm việc với T.Ư Đoàn. Ông Nguyễn Thanh Tịnh - Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Phó Chủ tịch Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật T.Ư, và anh Nguyễn Tường Lâm, Bí thư T.Ư Đoàn, Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Quốc gia về Thanh niên đồng chủ trì.

Nhiều mô hình phổ biến giáo dục pháp luật

Thời gian qua, T.Ư Đoàn đã tham gia xây dựng, thực hiện nhiều giải pháp nhằm cụ thể hóa, tăng cường và bảo đảm việc tiếp cận thông tin, chính sách pháp luật cho từng đối tượng thanh thiếu niên. Các cấp bộ Đoàn đã thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

Tận dụng công nghệ, mạng xã hội để phổ biến, giáo dục pháp luật trong thanh thiếu nhi ảnh 1

Ông Nguyễn Thanh Tịnh và anh Nguyễn Tường Lâm chủ trì buổi làm việc. Ảnh: Xuân Tùng

Toàn Đoàn đã tổ chức hành trình thắp sáng niềm tin giáo dục thanh thiếu niên chậm tiến, tổ chức hoạt động hưởng ứng ngày Pháp luật, tập huấn đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên về Luật Thanh niên, Chiến lược phát triển Thanh niên Việt Nam...

Các cấp bộ Đoàn thành lập và duy trì hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, trong đó thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho ĐVNT. Tổng số báo cáo viên, tuyên truyền viên của Đoàn hiện có hơn 70,5 nghìn người; bên cạnh đó, phát huy các đội thanh niên xung kích an ninh, thanh niên cờ đỏ...

T.Ư Đoàn cho biết, theo thống kê từ các tỉnh, thành, công tác tuyên truyền giáo dục phổ biến pháp luật từ năm 2021 đến tháng 6/2022, đã có 39 địa phương đạt và vượt mục tiêu 80% thanh thiếu niên tự do, sinh sống, lao động tại địa bàn cư trú được tuyên truyền.

41 tỉnh, thành phố trên cả nước đạt mục tiêu 100% thanh thiếu niên trong trường học được phổ biến chính sách, pháp luật trong các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến đời sống, công việc học tập phù hợp với lứa tuổi.

29 tỉnh, thành phố giảm từ 10% trở lên số người vi phạm pháp luật là thanh thiếu niên, số vụ vi phạm pháp luật có thanh thiếu niên tham gia; 70% thanh niên đi lao động ở nước ngoài được thông tin, phổ biến các quy định pháp luật Việt Nam và pháp luật nước sở tại.

Tận dụng công nghệ, mạng xã hội

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Minh Đức - Phó Vụ trưởng Vụ Dân vận các cơ quan nhà nước (Ban Dân vận T.Ư) cho rằng, cần có sự đánh giá, thống kê với những con số cụ thể trong công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, tỷ lệ vi phạm ở các nhóm đối tượng thanh niên. Theo ông, tới đây, T.Ư Đoàn cần kiểm tra số liệu này để phục vụ cho công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho từng đối tượng, từng lĩnh vực sẽ hiệu quả hơn.

Tận dụng công nghệ, mạng xã hội để phổ biến, giáo dục pháp luật trong thanh thiếu nhi ảnh 2

Ông Nguyễn Minh Đức phát biểu ý kiến tại buổi làm việc. Ảnh: Xuân Tùng

Bà Đỗ Thị Thơm - đại diện T.Ư Hội LHPN Việt Nam, cho rằng đa số ĐVTN đều sử dụng mạng xã hội, do vậy tổ chức Đoàn cần phát huy lợi thế này để phổ biến, tuyên truyền pháp luật trên các nền tảng mạng xã hội. Bà Thơm đề xuất, tới đây, khi T.Ư Đoàn triển khai đề án Tiếp cận năng lực pháp luật sẽ có sự phối hợp với T.Ư Hội LHPN Việt Nam.

Tận dụng công nghệ, mạng xã hội để phổ biến, giáo dục pháp luật trong thanh thiếu nhi ảnh 3

Nhà báo Nguyễn Huy Lộc phát biểu ý kiến tại buổi làm việc. Ảnh: Xuân Tùng

Còn nhà báo Nguyễn Huy Lộc - Ủy viên Ban Biên tập Báo Tiền Phong, bên cạnh các hoạt động, phong trào, Đoàn Thanh niên có hệ thống báo chí, nhà xuất bản đã tham gia hiệu quả thông qua việc đăng tải tin bài tuyên truyền, phổ biến pháp luật chung, gương người tốt việc tốt, tiêu biểu trên các lĩnh vực.

Các đơn vị báo chí, xuất bản của Đoàn cũng tổ chức kịp thời các hội thảo, tọa đàm, diễn đàn để có cách đánh giá, giải pháp những vấn đề liên quan đến giáo dục thanh thiếu nhi.

Theo nhà báo Huy Lộc, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh niên vẫn còn một số hạn chế, mới chỉ tập trung vào đối tượng thanh niên tiên tiến mà chưa tiếp cận được đối tượng thanh niên đặc thù, thanh niên tự do, vốn có nguy cơ mắc các vấn đề pháp luật cao. Một số nội dung tuyên truyền, giáo dục vẫn còn khô cứng về hình thức, chưa có cách tiếp cận riêng phù hợp từng đối tượng, tâm sinh lý, trình độ.

Bởi thế, nhà báo Nguyễn Huy Lộc đề xuất, cần đẩy mạnh thông tin truyền thông nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp các ngành, chính quyền; tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến giới trẻ, đưa pháp luật đi vào đời sống.

Đồng thời, cần đổi mới, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, giáo dục gắn với công nghệ thông tin; nội dung tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng, địa bàn, lĩnh vực; tăng cường lan tỏa gương điển hình tiêu biểu trên các lĩnh vực...

Tận dụng công nghệ, mạng xã hội để phổ biến, giáo dục pháp luật trong thanh thiếu nhi ảnh 4

Bà Nguyễn Quỳnh Liên phát biểu ý kiến. Ảnh: Xuân Tùng

Theo bà Nguyễn Quỳnh Liên - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính (Bộ Tư pháp), T.Ư Đoàn cần tiếp tục thúc đẩy, phát huy các hình thức, mô hình tuyên truyền hiệu quả trong thời gian qua; bám sát các đề án giao cho các bộ ngành và đề án do T.Ư Đoàn chủ trì để phát huy các giải pháp, sáng kiến và tính trách nhiệm, phối hợp của tổ chức Đoàn.

Đặc biệt, T.Ư Đoàn không chỉ xây dựng phát triển đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật mà cần huy động sự tham gia rộng rãi của đoàn viên thanh niên, học sinh sinh viên.

Văn hóa thượng tôn pháp luật

Trao đổi tại buổi làm việc, anh Nguyễn Tường Lâm, Bí thư T.Ư Đoàn đề nghị Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật T.Ư và Bộ Tư pháp cần có đề án, chương trình tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho thanh thiếu niên và phối hợp chặt chẽ với T.Ư Đoàn để triển khai thực hiện. Trong đó, quan tâm, phối hợp với T.Ư Đoàn để triển khai thực hiện các nội dung của Đề án “Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân”.

Tận dụng công nghệ, mạng xã hội để phổ biến, giáo dục pháp luật trong thanh thiếu nhi ảnh 5

Anh Nguyễn Tường Lâm phát biểu. Ảnh: Xuân Tùng

Đồng thời, Hội đồng và Bộ Tư pháp cần tiếp tục cung cấp tài liệu, thông tin về các quy định mới của pháp luật; các tài liệu về kỹ năng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho T.Ư Đoàn để truyền tải đến thanh thiếu nhi; nghiên cứu biên tập và xuất bản sách về hướng dẫn kỹ năng, nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ làm công tác thanh niên, cán bộ Đoàn cơ sở.

Bên cạnh đó, Hội đồng cần chỉ đạo các cấp ngành liên quan, phối hợp tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ Đoàn chủ chốt về kỹ năng tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, đặc biệt là phát triển kênh fanpage “Tuổi trẻ với pháp luật”…

Tận dụng công nghệ, mạng xã hội để phổ biến, giáo dục pháp luật trong thanh thiếu nhi ảnh 6
Ông Nguyễn Thanh Tịnh phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Xuân Tùng

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Thanh Tịnh - Thứ trưởng Bộ Tư pháp đã đánh giá cao những kết quả và đóng góp của các cấp bộ Đoàn, đặc biệt là T.Ư Đoàn đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác phổ biến pháp luật hiệu quả, có nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo.

Ông Tịnh bày tỏ đồng tình với những giải pháp T.Ư Đoàn đề xuất trong thời gian tới để công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong thanh thiếu niên hiệu quả hơn nữa.

Thứ trưởng Tịnh cũng đề nghị phía T.Ư Đoàn tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành, nhất là có sự định hướng, hướng dẫn tới các cấp bộ Đoàn trong phổ biến giáo dục pháp luật; phối hợp với ngành Tư pháp để tổ chức phong trào hoặc cuộc vận động về thượng tôn pháp luật trong thanh thiếu nhi.

MỚI - NÓNG