Tận diệt rong biển

Tận diệt rong biển
TP - Rong mơ là thực vật thủy sinh có nhiều tại các rạn đá, san hô ở khu vực đảo Cô Tô (Quảng Ninh) và nhiều vùng biển trong tỉnh, đóng vai trò quan trọng trong điều hòa, cân bằng hệ sinh thái ven biển và là nơi sinh sản, trú ngụ cho nhiều loài động vật biển. Tuy nhiên, nhiều năm nay, loài thực vật tự nhiên này bị người dân khai thác ồ ạt, đe dọa mất cân bằng sinh thái biển.

> Vĩnh Trường mùa vớt rong

Tận diệt rong biển ảnh 1
 

UBND huyện Cô Tô (Quảng Ninh) vừa có văn bản nghiêm cấm khai thác, vận chuyển và mua bán rong mơ trên địa bàn huyện, nhưng người dân vẫn khai thác. Thời gian khai thác loại rong này thường diễn ra từ tháng 4 đến tháng 6 hàng năm. Khi những thảm rong bị bóc đi, nhiều loài cá mất chỗ sinh sản.

Tại các bãi biển khu vực cảng Bắc Vàn và một số thôn khác của xã Đồng Tiến (Cô Tô), rong mơ do người dân khai thác được phơi trên cát hoặc chất thành từng đống. Theo một số người dân, rong sau khi vớt lên được phơi khô và tư thương đến thu mua với giá 3.500-7.000 đồng/kg rong khô. Mỗi ngày, một người đi khai thác rong có thu nhập từ 300-400 nghìn đồng.

Những năm trước, người dân chỉ vớt rong mơ trong hai tháng 5 và 6, còn bây giờ do rong mơ được giá, không hạn chế về số lượng tiêu thụ nên nhiều người khai thác từ tháng 3, tháng 4. Thay vì chỉ vớt ven bờ ở độ sâu khoảng 3m nhiều người lặn xuống lấy rong cả ở những nơi rất sâu, kể cả ở các rạn san hô quý hiếm.

Ước tính, mỗi năm người dân khai thác khoảng 100 tấn rong mơ. Theo thống kê của cơ quan chức năng huyện Cô Tô, các bãi rong đã bị tàn phá nghiêm trọng khiến nguồn lợi thủy sản giảm mạnh vì mất chỗ trú ngụ và sinh sản.

Ông Mai Tuấn Phượng, Phó Chủ tịch UBND huyện Cô Tô, cho biết, huyện đã chỉ đạo các xã quyết liệt ngăn chặn khai thác rong mơ; tuy nhiên hiệu quả vẫn chưa cao bởi chế tài xử lý còn hạn chế.

Rong mơ tên khoa học là Sargassum là loài thực vật thủy sinh, sống bám vào các rạn san hô và có sản lượng cao so với các nhóm rong biển khác, đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa, cân bằng hệ sinh thái ven biển.

Rong mơ hấp thu chất dinh dưỡng trong nước, cung cấp nguồn thực phẩm, đồng thời cũng là bãi sinh sản, nơi ươm nuôi ấu trùng và trú ngụ cho động vật biển. Bên cạnh đó, rong mơ còn có giá trị kinh tế cao.

 
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.