Tân Cương, Thái Nguyên: Khô hạn, thiếu lao động, dân bỏ chè

TP - Xã Tân Cương - vùng chè nổi tiếng của Thái Nguyên đang thiếu nước trầm trọng, ảnh hưởng đến sản lượng chè, người dân thiếu chè để bán…
Thiếu nước tưới làm cho năng suất và sản lượng chè tại Tân Cương
suy giảm đáng kể. Ảnh: Tr. Văn.

Vùng chè khát cháy

Tới xã Tân Cương vào những ngày cuối năm mới thấy một nghịch cảnh là giá chè tăng mà thiếu chè bán. Nhiều hộ không còn mặn mà với nghề trồng chè, diện tích chè giảm mạnh, theo người dân ở đây, vào khoảng tháng 5-6, cứ 28-30 ngày thì dân được hái một lứa chè, nhưng vào vụ đông thì phải mất 40 - 50 ngày mới được một lứa.

Năng suất chè búp khô trung bình đạt 12-15kg/lứa/sào, nhưng nay chỉ đạt 11- 13kg/sào. Tại xã Tân Cương, giá chè cành được bán với giá 170 - 200 nghìn đồng/kg, còn chè tôm, chè đinh lên tới 500-700 nghìn đồng/kg.

Ông Phạm Ngọc Việt - Bí thư Chi bộ xóm Guộc than phiền: “Vào dịp giáp Tết, giá chè tăng cao nhưng do nước khan hiếm nên năng suất chè thấp, không có mà bán, trong khi đó mùa có nhiều nước thì giá chè lại rẻ”.

Bà Vũ Thị Hồi, ở xóm Nam Đồng cho biết: “Năm nay, hạn hán đến sớm hơn và kéo dài nên chè không đủ độ ẩm, không nẩy mầm được, ảnh hưởng đến năng suất. Bây giờ chỉ chờ vào nước trời vì sông, suối thì xa, giếng khơi cũng cạn. Giá chè khô có tăng nhưng người trồng chè vẫn không có lãi vì giá phân bón, điện cũng tăng theo”. Trên cánh đồng xã Tân Cương có những kênh mương không còn giọt nước, nhiều hộ đã phải đốn chè, có những ruộng khô trắng, nứt nẻ vì thiếu nước…

Để có nước tưới cho vườn chè, ngô, anh Tài, ở xóm Nam Hưng phải bơm nước từ dưới suối cách nhà hơn 200m, chi phí mỗi lần bơm hết 150-200.000 đồng. Mỗi tuần anh Tài phải bơm 2 lần. “Hơn hai tháng nay, trời không mưa, nước giếng cạn kiệt, ruộng vườn khô cháy, tôi vừa bơm nước chống hạn cho ngô và chè vừa lấy nước đủ để thẩm thấu xuống giếng làm nước ăn” – anh Tài nói.

Thiếu cả lao động

Trao đổi với chúng tôi, ông Vương Sỹ Tạo – Chủ tịch UBND xã Tân Cương cho biết: “Xã Tân Cương hiện có 350 ha chè đang cho thu hoạch, trong đó riêng xóm Hồng Thái 1 và Hồng Thái 2 chiếm hơn 1/3 diện tích trồng chè của cả xã, còn lại rải rác ở 16 xóm.

Cũng theo ông Tạo, hiện nay, nỗi lo lớn nhất của người trồng chè là thiếu nước vào mùa khô. Hiện nay, 7/16 xóm thiếu nước tưới cho chè và nước sinh hoạt hằng ngày. Đây là một trong những nguyên nhân khiến người dân ở một số xóm giảm diện tích trồng chè. Nhiều hộ còn chuyển sang trồng một số loại cây khác như keo, cây lâm nghiệp.

Chính quyền xã đã khuyến cáo nhân dân nên tập trung phát triển cây chè, nhưng lực bất tòng tâm vì ngoài không có nước còn thiếu lao động. Theo ông Phạm Ngọc Việt – Bí thư Chi bộ xóm Guộc thì hiện nay, diện tích chè của xóm giảm nhiều vì thiếu nguồn nhân lực, nhiều hộ chỉ có người già ở nhà, còn thanh niên đi làm thuê, làm công nhân hết… Có hộ trước đây trồng 3-4 sào chè, nay không trồng nữa…

Theo Báo giấy