Năm 2013 có gần 10.000 vụ tấn công khủng bố trên thế giới, tăng 44% so với năm trước đó. Trong khi đó, số người chết vì khủng bố là gần 18.000, tăng 61%. Theo báo cáo Chỉ số Khủng bố Toàn cầu 2014 của Viện Kinh tế học & Hòa bình (IEP - cơ quan nghiên cứu, tư vấn phi lợi nhuận toàn cầu), 4 tổ chức IS, al-Qaeda, Boko Haram và Taliban chịu trách nhiệm cho 66% số người chết vì khủng bố. “Không chỉ cường độ khủng bố gia tăng mà phạm vi hoạt động của khủng bố cũng gia tăng”, báo cáo nhận xét.
Chủ tịch IEP, ông Steve Killelea, nói rằng, số người chết vì khủng bố tăng mạnh chủ yếu là do nội chiến ở Syria (xảy ra từ năm 2011). Tình hình bất ổn ở Syria gia tăng, sau đó lan sang Iraq, ông Killelea nói. Báo cáo mới nhất của IEP điều tra các khuynh hướng khủng bố giai đoạn 2000-2013, lấy nguồn từ Cơ sở Dữ liệu Khủng bố Toàn cầu. Có tới 80% số người chết vì khủng bố năm 2013 đến từ 5 nước - Iraq, Afghanistan, Pakistan, Nigeria và Syria. Riêng Iraq có hơn 6.000 người chết. Năm nước tiếp theo có số người chết nhiều là Ấn Độ, Somalia, Philippines, Yemen và Thái Lan (mỗi nước chiếm 1-2,3% tổng số toàn cầu).
Dù chỉ chiếm 5% tổng số người chết vì khủng bố trên thế giới kể từ năm 2000, nhưng Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) hứng chịu một số vụ tấn công thuộc hàng đẫm máu nhất. Đó là vụ tấn công 11/9/2001 nhằm vào Mỹ, vụ đánh bom tàu hỏa Madrid (Tây Ban Nha) năm 2004, vụ đánh bom London (Anh) năm 2005 và vụ đánh bom, xả súng ở Na Uy năm 2012. Năm ngoái, Thổ Nhĩ Kỳ và Mexico có số người chết vì khủng bố cao nhất OECD - tương ứng là 57 và 40.
Báo cáo của IEP cho rằng, 3 nhân tố chính dẫn tới khủng bố là: Thù địch xã hội ở mức cao giữa các cộng đồng tôn giáo, thiểu số và ngôn ngữ; sự xuất hiện của bạo lực được nhà nước ủng hộ, như hành quyết không cần xét xử và lạm dụng nhân quyền và bạo lực nói chung ở mức cao, ví dụ thương vong từ xung đột có tổ chức...